ĐBSCL liên kết chuỗi giá trị để tăng cường hội nhập
(Dân trí) - Ngày 7/11, tại Cần Thơ, đã diễn ra diễn đàn Mekong Connect với chủ đề "Liên kết chuỗi giá trị đồng bằng - Tăng cường hội nhập thị trường".
Diễn đàn có sự tham gia của 700 khách là lãnh đạo Bộ, ngành, doanh nhân Diễn đàn; 45 đoàn thuộc lãnh đạo các tổ chức trong và ngoài nước tham dự; 40 doanh nghiệp tham gia khu triển lãm; 20 cơ quan báo đài quốc tế và Việt Nam; 15 Lãnh đạo các Bộ ngành các địa phương Mekong và đối tác; 30 diễn giả uy tín quốc tế và Việt Nam.
Thông tin từ diễn đàn, năm 2018, xuất khẩu ĐBSCL chiếm trên 80% kim ngạch về gạo cả nước, 95% cá tra, 60% tôm và khoảng 65% trái cây. Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp ngày càng đổi mới. Hiện nay, ĐBSCL có khoảng 1.500 HTX nông lâm thủy sản, chiếm 11,8% cả nước và 17.000 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, nhóm ABCD (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) Mekong đã và đang thực hiện khá tốt vai trò người tạo lập diễn đàn để chia sẻ, đổi mới và phát triển. “Sức sáng tạo của người dân, của doanh nghiệp là vô cùng to lớn, chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối, hoạch định chính sách để khai thông sức sáng tạo này”, ông Nam nhấn mạnh.
Ông Nam cũng cho biết: Nhóm ABCD Mekong ý thức rằng, nếu chỉ dừng lại ở 4 thành viên sẽ gặp nhiều khó khăn và hạn chế cho hợp tác liên kết vùng. Do đó, Mekong connect sẽ nỗ lực thúc đẩy liên kết công bằng hướng đến hội nhập một cách căn cơ và phát triển bền vững. Hy vọng, đến diễn đàn năm nay, lãnh đạo Bộ, ngành cùng các chuyên gia sẽ đưa ra những đề xuất, định hướng để giúp ĐBSCL phát triển.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định, sự phát triển và đóng góp của ĐBSCL là vô cùng to lớn trong đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội và nâng tầm vị thế Việt Nam trên trường thế giới.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, thời gian qua, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị đã phát triển với nhiều hình thức đa dạng, trong đó phát triển loại hình doanh nghiệp liên kết với nông dân qua hợp đồng thu mua nông sản chiếm tỷ lệ cao và phổ biến nhất tại vùng. Loại hình này được thể hiện chủ yếu thông qua mô hình liên kết gắn với cánh đồng lớn.
Trên cơ sở đó, đã hình thành những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh để ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất ra nông sản với khối lượng lớn, chất lượng đảm bảo, doanh nghiệp tham gia vào tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, liên kết vùng nghe nói nhiều nhưng cách đặt vấn đề chủ yếu chỉ dừng lại ở mặt lý thuyết và nghị quyết là chính. Vấn đề cần là làm sao để liên kết giữa các chủ thể để tạo ra được sản phẩm và giá trị cho đồng bằng.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhìn nhận rằng, chúng ta đang điều hành trong cơ chế thị trường, mà thị trường thì không thể bất biến, nên cần sự đón nhận tín hiệu của thị trường. Mặt khác, mục đích liên kết là nhắm đến chuỗi giá trị, chứ không phải nói anh làm cái gì, tôi làm cái gì, chúng ta cạnh tranh từ cái chuỗi đó chứ không phải đem từng sản phẩm riêng biệt ra để cạnh tranh. Làm sao các doanh nghiệp cùng ngồi lại để cùng bàn cách phát triển từng ngành hàng của vùng ĐBSCL thì liên kết mới có thể thành công được…
Hoàng Tùng