Đẩy xe bán xôi, ngô: Cả làng xây nhà lầu
Thức dậy từ 7h sáng để chuẩn bị thổi xôi, luộc ngô,... rồi đẩy xe ra Hà Nội bán tới tận đêm khuya, người dân thôn Ải, xã Hợp Thanh, Mỹ Đức đã đổi đời nhờ chịu khó, vất vả mưu sinh.
Trắng đêm chuẩn bị đồ xôi, luộc ngô
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Hơn 10 năm nay, hàng trăm hộ dân thôn Ải, xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức lũ lượt kéo nhau ra thuê nhà tại đường Đồng Bát, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm sinh sống và làm việc.
Công việc của họ kéo dài đến 3h sáng hôm sau cùng với chiếc xe đẩy, trên đó chất đầy những ngô, xôi, bánh mì...
“Mọi người ở đây vừa thức giấc sau một đêm đạp xe bán hàng, giờ tiếp tục bắt tay vào công việc của ngày mới. Đầu tiên là chuẩn bị nấu một bữa ăn để cả nhà ăn sáng, ăn trưa luôn, rồi chuẩn bị hàng để chiều đi bán đến tận khuya”, ông Vinh, 68 tuổi - người lớn tuổi nhất ở đây - cho hay.
Là người đầu tiên đặt chân đến khu này, ông Nguyễn Văn Trận kể rằng ngày đó duy nhất có phòng trọ ông thuê, còn xung quanh toàn là ao bèo, không có người ở. Làm ăn được một thời gian, thấy kiếm được đồng ra đồng vào trong khi ở quê đầu tắt mặt tối, vất vả ngược xuôi cũng chẳng có, ông kéo thêm cậu em vợ và em rể ra làm cùng.
Vốn thật thà, hay giúp đỡ người khác nên ông Trận đã chia sẻ cách làm ăn mới cho người trong thôn.
Thế rồi, từng nhóm người lũ lượt kéo ra Hà Nội theo ông, bây giờ cả dân làng Ải và lân cận như làng Vài, làng Vân, làng Thọ... đều kéo nhau ra Hà Nội bán ngô, xôi, bánh mì. Xóm nhỏ giờ trở nên đông đúc hơn, đứa trẻ nào lớn lên cũng biết trẽ ngô, vo gạo và đẩy xe đi bán.
“Nhà tôi có 5 người thì ra đây ở cả. Vợ chồng đi bán xôi, ngô. Con trai cả của tôi học Đại học Y, con thứ hai học Đại học Xây dựng. Cụ Thụ - hàng xóm nhà tôi có tới 3 thế hệ (10 người) đều sinh sống ở đây và đi bán hàng cả”, ông Trận nói.
Cứ 4kg gạo nếp, đều đong từ cửa hàng gạo quen của cả xóm 10 năm nay, là được một nồi xôi nóng hổi. Ngô thì được thu mua tận vườn tại Thạch Thất (Hà Nội) Hưng Yên, Mê Linh (Vĩnh Phúc)... khoảng 600 bắp mỗi ngày.
Họ chia sẻ bí quyết: “Để ngô thơm ngon và ngọt, phải dùng nước sạch, ngô phải mới bẻ. Xôi thì chọn gạo nếp cái hoa vàng, khi đồ phải đảo đều tay. Đặc biệt, khi bán phải trung thực, bán đúng giá thì khách mua mới bền”.
Chị Xuyến đang chọn ngô cho khách
Một nồi xôi cộng thêm 40 bắp ngô trên một xe, nếu có duyên, bán hết sẽ lời từ 150.000-200.000 đồng mỗi buổi. Cũng có khi thời tiết không ủng hộ, trời mưa rả rích nên ế hàng, cả xóm phải nhìn nhau ăn xôi, ngô, bánh mì thay cơm.
Công việc vất vả là vậy, nhưng những người dân ở đây làm bất kể ngày lễ, tết... bởi đó là dịp để bán hàng bởi mọi người đi chơi đông, cần mua đồ ăn nhanh. Cô Lê Thị Trúc (35 tuổi) bán xe xôi, ngô ở Mễ Trì, cho hay: “20/10 chúng tôi chẳng được tặng hoa gì cả, đi bán hàng cả ngày kiếm tiền nuôi con ăn học. Thấy những phụ nữ khác được tặng hoa tôi cũng thấy tủi thân chứ”.
Sống tạm bợ, thu vén gửi về quê
Tại xóm nhỏ sau lũy tre này, đời sống của họ hết sức tạm bợ. Nhà ở được che chắn bằng những miếng gỗ, ghép lại thành 4 “bức tường”; bên trên lợp mái tôn. Nhà chỉ cao 2-2,5m nên trưa hè nóng bức, nếu có bật quạt số to nhất cũng không thể ngủ được.
Vậy mà, “giá một phòng từ 500.000 đến 600.000 đồng, điện 5.000 đồng một số, nước phải đi mua từng chai 20 lít về để ăn uống, còn nước sinh hoạt anh em tự đào giếng để dùng”, chị Hà - thành viên đại gia đình 7 người sinh sống ở đây, chia sẻ.
Cuộc sống vất vả nhưng họ cần cù chịu khó, tiết kiệm từng đồng để gửi tiền về quê cho con cái và bố mẹ già chi tiêu, ăn, học.
Một ngôi nhà ở giữa làng Ải của gia đình chị Tám đi bán xôi, ngô đang được xây khang trang
Còn ở quê thôn Ải, xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức - cách Hà Nội chừng 55km, giờ chỉ còn những cụ già ở nhà trông cháu nhỏ cho bố mẹ đi bán xôi, ngô. Những đứa bé nheo nhóc, tuy thiếu vắng bàn tay chăm sóc của bố mẹ, nhưng ngoan ngoãn, lễ phép và học giỏi. Đến nhà nào thì cũng giấy khen treo kín góc học tập.
Điều đáng nói, những ngôi nhà cấp bốn mục nát, rêu bám đầy giờ đã thay bằng nhà mái bằng hay nhà lầu khang trang.
Ông Phạm Văn Vình, trưởng thôn Ải, cho biết: “Cả thôn chúng tôi có tới già nửa (hơn 3.000 hộ) là đi bán hàng rong ở các tỉnh, nhiều nhất là Hà Nội. Trước đây thôn nghèo lắm, chẳng ai được học hành cao gì cả, còn nay cả thôn có tới 20 cháu đỗ đại học. Cuộc sống của họ tuy còn vất vả, nhưng cũng khá hơn trước kia nhiều”.
Theo Thu Nga