“Đầu tư vào giới trẻ mới là đầu tư cho tương lai”

(Dân trí) - “Khi nói đến các “Quỹ” thì người ra hay nghĩ ngay tới khía cạnh “tài chính”, nhưng theo tôi, đầu tư với mục đích phi lợi nhuận, hay đầu tư vào con người, vào giới trẻ mới chính là đầu tư vào tương lai, và chính vì thế, đây là loại hình đầu tư khó nhất”.

Anh Nguyễn Đồng Anh - một trong ba nhà lãnh đạo trẻ Việt Nam tham gia Diễn đàn Thanh niên ASEAN 2019 (ASEAN Youth Fellowship - AYF) lần thứ 2 tại Singapore nhận định.

Với chủ đề “Mối quan hệ đối tác vì một ASEAN bền vững”, AYF 2019 do Quỹ Quốc tế Singapore (SIF) và Hội đồng Thanh niên Quốc gia (NYC) tổ chức tập trung vào tầm quan trọng của mối quan hệ đối ngoại nhân dân trong việc đảm bảo sự bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường của khu vực ASEAN.

Bên lề Diễn đàn AYF 2019, nhà lãnh đạo trẻ Nguyễn Đồng Anh đã có cuộc phỏng vấn ngắn với phóng viên báo Dân trí.

“Đầu tư vào giới trẻ mới là đầu tư cho tương lai” - 1

- Phóng viên: Anh cảm thấy thế nào khi là một trong ba đại diện của Việt Nam tham dự Diễn đàn AYF 2019? Anh đã chia sẻ những gì tại Diễn đàn? 

Anh Nguyễn Đồng Anh: Tôi thấy mình rất may mắn khi được lựa chọn tham dự Diễn đàn, trong số rất nhiều hồ sơ đề cử không chỉ từ Việt Nam mà là từ tất cả các quốc gia ASEAN.

Tôi đã chia sẻ thực tế công tác giảng dạy và hoạt động thanh niên tại Việt Nam, trong đó có một số sáng kiến nhỏ trong lĩnh vực truyền thông, đặc biệt là truyền thông số - lĩnh vực chuyên môn của tôi, nhằm gắn kết một cách có hiệu quả các dự án, vấn đề mà tuổi trẻ ASEAN cùng quan tâm.

Trong thời gian tới, tôi cùng với các đại diện Việt Nam khác và các đại diện từ Singapore, Malaysia sẽ cố gắng hiện thực hóa một trong những ý tưởng này, xây dựng một nền tảng truyền thông số, hướng tới kết nối không chỉ các bạn trẻ tham gia AYF vừa qua, mà sẽ kết nối các bạn trẻ của cả khu vực ASEAN, xây dựng một nền móng chia sẻ, hỗ trợ nhau trong các hoạt động tình nguyện, kinh doanh sáng tạo…

- Theo anh, thế hệ trẻ Việt Nam có thể học hỏi được kinh nghiệm gì từ bạn bè trong khu vực ASEAN?

Thế hệ trẻ Việt Nam có thể học hỏi được rất nhiều từ bạn bè các nước ASEAN, như tinh thần khởi nghiệp sáng tạo. Trong số những bạn trẻ tham gia Diễn đàn, có người thành công khi còn rất trẻ. Họ gây dựng được mạng lưới kinh doanh lớn mạnh, phát triển, nhưng không vì thế mà họ bị “hao hụt” tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, thậm chí họ sẵn sàng rút lui khỏi sự thành công để tự thử thách mình với một dự án khởi nghiệp mới - đó là điều mà tôi nghĩ ít người có thể làm được.

Một điều nữa chúng ta cũng có thể học tập được là sự quan tâm hơn đến các vấn đề của đất nước, của khu vực và rộng hơn là các vấn đề toàn cầu như bảo vệ môi trường, hoà bình, phát triển bền vững…

- Thế hệ trẻ cần làm gì để cải thiện bản thân và bắt kịp với xu hướng phát triển liên tục trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực công nghệ, trong khi vẫn bảo tồn được những giá trị truyền thống tốt đẹp của quốc gia? 

Đây là một câu hỏi rất khó trong môi trường hội nhập quốc tế sâu rộng và trong sự phát triển như vũ bão của công nghệ hiện nay. Đôi khi, để theo kịp xu hướng đồng nghĩa với việc phải thay đổi tác phong, thói quen vốn có, hay cả những giá trị truyền thống tốt đẹp. Ví dụ như việc thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh, các thiết bị di động để kết nối, chia sẻ trên không gian mạng có thể khiến chúng ta quên đi thói quen đọc sách, giao tiếp, thăm hỏi người thân, bạn bè trực tiếp.

Để bảo tồn được những giá trị truyền thống tốt đẹp của mỗi quốc gia, trong trường hợp cụ thể như Việt Nam, tôi nghĩ rằng chìa khoá nằm ở hệ thống giáo dục. Để một người trẻ hiểu về đất nước mình, yêu những giá trị của quốc gia, dân tộc mình thì cần phải đưa những nội dung ấy vào chương trình học tập, rèn luyện thường xuyên trong các cấp bậc giáo dục, từ phổ thông đến đại học.

Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các hoạt động hướng về thiên nhiên, hướng về cộng đồng, các hoạt động tình nguyện trong thanh niên… cũng là những cách để gây dựng góc nhìn chân thực về cuộc sống, giúp các bạn trẻ tự nhận ra để có thể gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp.

“Đầu tư vào giới trẻ mới là đầu tư cho tương lai” - 2
Nguyễn Đồng Anh tham gia hành trình tìm hiểu về văn hoá với cộng đồng Orang Asli

- Từng tham gia nhiều hoạt động và dự án phát triển dành cho tuổi trẻ, anh đánh giá thế nào về vai trò của những tổ chức hay quỹ quốc tế đối với sự phát triển của thế hệ trẻ ASEAN, trong đó có Việt Nam?

Theo tôi, hoạt động của những tổ chức như SIF rất quan trọng và cần thiết cho sự phát triển của thế hệ trẻ ASEAN.

Khi nói đến các “Quỹ” thì người ra hay nghĩ ngay tới khía cạnh “tài chính”, khả năng “đầu tư” nhưng theo tôi, đầu tư với mục đích phi lợi nhuận, hay đầu tư vào con người, vào giới trẻ mới chính là đầu tư vào tương lai, và chính vì thế, đây là loại hình đầu tư khó nhất, không chỉ cần tài chính.

Đối với thế hệ trẻ khu vực ASEAN, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam -thế hệ trẻ của một quốc gia đang phát triển mạnh mẽ, thì sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn người đi trước - đôi khi còn quan trọng hơn cả những hỗ trợ về mặt tài chính. Và những tổ chức như SIF là những “người dẫn đường”, kết nối, chia sẻ những giá trị đó.

“Đầu tư vào giới trẻ mới là đầu tư cho tương lai” - 3
39 nhà lãnh đạo trẻ của ASEAN tại Bảo tàng Quốc gia Singapore

Nguyễn Đồng Anh - Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao; Phó Chủ tịch Công đoàn Học viện Ngoại giao; Bí thư Đoàn Thanh niên Học viện Ngoại giao; Giảng viên Khoa Truyền thông & Văn hoá Đối ngoại.

Anh tham gia vào các dự án truyền thông và phát triển khác nhau, đóng góp cho sự phát triển của thế hệ trẻ. Anh đã được trao tặng Giải Sáng kiến Chống Tham nhũng ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới và Thanh tra Chính phủ trao tặng năm 2014