Đầu tư thời @: Từ thua... đến lỗ

Với tâm lý vốn ít nhưng muốn lời nhiều, không ít nhà đầu tư thiếu quan tâm đến những thỏa thuận, quyền và nghĩa vụ của các bên khi mua - bán ngoại tệ, cà phê, bạc khi giao dịch qua mạng. Khi có sự cố, nhà đầu tư gánh chịu toàn bộ thiệt hại.

Đầu tư thời @: Từ thua... đến lỗ  - 1
Giao dịch ngoại tệ qua mạng có thể dẫn đến chảy máu USD.
 
Sự cố rình rập

Thông thường, đơn vị tự xưng là trung gian giao dịch ngoại tệ, hàng hóa cho nước ngoài (gọi tắt là doanh nghiệp - DN) đưa ra hợp đồng nguyên tắc hoặc hợp đồng môi giới.

Theo đó, DN không chịu trách nhiệm khi mạng điện tử, phần cứng, phần mềm của hệ thống có sự cố hoặc tổn thất phát sinh do đường truyền dữ liệu bị gián đoạn... DN còn bắt buộc người giao dịch cà phê cam kết bằng văn bản không khiếu nại DN, chấp nhận mọi rủi ro khi giao dịch trực tuyến hoặc điện thoại.

Điều này cho thấy DN đã lường trước những sự cố về hệ thống mạng, “đá” toàn bộ rủi ro về phía nhà đầu tư (các sự cố sập mạng sàn giao dịch vàng trong năm 2008 là bài học kinh nghiệm).

Mặt khác, DN luôn giữ của nhà đầu tư một số tiền không nhỏ. Cụ thể, với lệnh mua 1 lot (500 ounce) bạc, nhà đầu tư cần có 1.000 USD kèm theo lệnh bán chốt lời, lệnh bán cắt lỗ, mỗi lệnh tương ứng 1.000 USD. Ngoài ra, mỗi nhà đầu tư thường nộp thêm cho DN 2.000 - 3.000 USD để kịp thời bổ sung tiền, duy trì trạng thái giao dịch khi giá bạc biến động. Tính ra tài khoản của một nhà đầu tư có từ 5.000- 6.000 USD.

Trường hợp DN là nhà cái ôm hàng trăm lệnh của nhà đầu tư (giống như nhà cái số đề ôm số), chẳng may thua lỗ hoặc có ý đồ lừa gạt và cao chạy xa bay, nhà đầu tư phải chịu mất trắng mà không thể kêu cứu hay kiện cáo gì được. Vụ tổ chức GoldenRock đã ôm cả chục triệu USD của khách hàng, biến khỏi Việt Nam 10 năm trước là một minh chứng.

Nhiều ý kiến cho rằng, một số sân chơi ngoại tệ, cà phê, bạc bất hợp pháp, có thể bị cơ quan chức năng “sờ gáy” bất cứ lúc nào. Nhà đầu tư sẽ thua đậm bởi đã kinh doanh trong môi trường luật pháp không cho phép, thậm chí còn vi phạm pháp luật.

Có kiến thức cỡ nào cũng thua

Một số nhà đầu tư giàu kinh nghiệm cho biết kiếm lời từ giao dịch cà phê hay bạc không đơn giản. Ngoài yếu tố cung – cầu, giá cà phê còn phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố thời tiết, thiên tai và sản lượng, đặc biệt sản lượng của hai quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu là Việt Nam và Brazil.

Nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng giao dịch cà phê thắng hay bại gần như phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, thiên tai tại Việt Nam và Brazil. Chỉ cần thời tiết ở khu vực Tây Nguyên (Việt Nam) thất thường, sản lượng cà phê kém hoặc tại Brazil có cháy rừng, giá cà phê lập tức bị tác động.

Trong khi đó, nhà đầu tư trong nước thiếu thông tin về giao dịch cà phê của các nhà đầu tư nước ngoài nên khó dự báo xu hướng thị trường. Nhất là khi cổ phiếu, vàng tăng giá, giới đầu tư quốc tế thường bán tháo cà phê để chuyển vốn sang chứng khoán, vàng khiến cà phê rớt giá không phanh. Còn giao dịch bạc thì phụ thuộc quá nhiều vào giá vàng, trong khi thị trường vàng ẩn chứa nhiều yếu tố đầu cơ nên nhà đầu tư bạc thường thắng ít nhưng thua lại đậm đà.

Theo lãnh đạo Trung tâm Giao dịch ngoại hối và hàng hóa (Techcombank), dù có trang bị kiến thức, phương tiện thông tin “tận răng”, trước sau gì người giao dịch ngoại tệ, cà phê, bạc cũng thua thiệt. Bởi nhà đầu tư trong nước thường nhận thông tin thị trường sau các nhà đầu tư nước ngoài từ 5-7 phút. Khi đó, giá tiền tệ, hàng hóa đã biến động, có thể ngược với xu hướng mà nhà đầu tư đặt lệnh giao dịch. Ngoài ra, thị trường tiền tệ, hàng hóa quốc tế còn chịu tác động rất nhiều từ động thái làm giá, dẫn dắt thị trường của các quỹ đầu tư lớn.

Nên chọn sân chơi hợp pháp

PGS-TS Trần Huy Hoàng, Trưởng Khoa Ngân hàng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho rằng nếu DN tổ chức giao dịch ngoại tệ, hàng hóa quốc tế là trung gian chui và mở tài khoản chui ở nước ngoài thì họ phải chuyển một phần phí giao dịch cho đối tác nước ngoài, dẫn đến tình trạng chảy máu USD; đồng thời tạo ra nhu cầu ảo USD ảnh hưởng không tốt đến thị trường ngoại tệ.

Các chuyên gia tài chính khuyến cáo nhà đầu tư nên giao dịch hàng hóa tại các sân chơi hợp pháp để được luật pháp bảo vệ.

Hiện nay hoạt động mua - bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa được quy định bởi Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28-12-2006. Theo đó, các bên giao dịch hợp đồng kỳ hạn có thể lựa chọn thực hiện hợp đồng theo phương thức thanh toán bù trừ vào phiên cuối cùng của ngày tất toán hoặc giao nhận hàng hóa qua Trung tâm Giao nhận hàng hóa. Mọi tranh chấp liên quan đến hoạt động mua - bán hàng hóa đều được giải quyết theo quy định của Luật Thương mại và pháp luật liên quan.

 
Theo Thy Thơ
Báo Người lao động