Đầu tư sản xuất nông sản sạch tại Việt Nam: Mỏ vàng hay… hang hổ?
(Dân trí) - Trong lĩnh vực kinh doanh nông sản, việc chọn hình thức thu mua để tối đa hóa lợi nhuận hay tự sản xuất để đảm bảo chất lượng từ lâu đã là bài toán khó. Từ các ông lớn như Walmart, Target cho tới các nhà bán lẻ thông thường đều phải tính toán và đưa ra lựa chọn của mình. Liệu đầu tư vào nông sản có phải là một “mỏ vàng” dễ khai thác hay là “hang hổ” đầy khó khăn thử thách?
Lựa chọn: Thu mua hay tự sản xuất?
Năm 2010, Walmart đưa ra cam kết phát triển nông nghiệp bền vững trên quy mô toàn cầu. Cách làm của họ là hỗ trợ tiêu thụ nông sản đầu ra cho các hộ nông nghiệp; cung cấp đào tạo kỹ năng chuyên môn cho 1 triệu nông dân và công nhân nông nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Đây là một chiến lược thu mua thông minh của Walmart, khi vừa tối ưu chi phí đầu vào của nông sản, vừa giúp tăng thu nhập của nông dân từ 10 – 15% so với trước đây, đồng thời đạt được cả mục tiêu kinh doanh lẫn trách nhiệm xã hội.
Tóm lại, chiến lược của Walmart là tăng cường việc bán các sản phẩm có nguồn gốc địa phương và đẩy mạnh thu mua tại các thị trường nông nghiệp chi phí thấp. Tập đoàn này chính là nguồn thu mua nông sản lớn nhất nước Mỹ hiện nay.
Trái ngược với Walmart, chuỗi siêu thị Target lại chọn hướng đi khác có phần chông gai hơn: Tự sản xuất nông sản. Tháng 1/2016, Target giới thiệu bộ phận nghiên cứu có tên Food + Future CoLab, là sự hợp tác giữa Target với công ty thiết kế Ideo và MIT Media Lab.
Hướng đi của Target trong việc tự cung ứng nông sản dù đảm bảo chất lượng sản phẩm cao hơn nhưng không hề đơn giản. Nếu so sánh với cách làm của Walmart, đây là một hành trình vô cùng thách thức, bởi chiến lược này đòi hỏi dòng vốn cao, chi phí nghiên cứu phát triển, cơ sở vật chất từ trang trại đến nhân công để thực hiện. Trong khi đó nếu chỉ đóng vai trò là người thu mua như Walmart và tận dụng nguồn lực sẵn có từ các hộ nông nghiệp thì bài toán trở nên đơn giản hơn nhiều.
Cũng giống như của Walmart, hiện phần lớn các nhà bán lẻ tại Việt Nam chọn cách làm dễ hơn là thu mua nông sản, thay vì tự phát triển sản xuất bởi những rào cản về nguồn lực, bất chấp các rủi ro về chất lượng do cách thức quản lý sản xuất nông sản sạch ở Việt Nam còn chưa chặt chẽ.
Đầu tư nông nghiệp có dễ sinh lời?
Thống kê cho thấy mức tiêu thụ trung bình của mỗi người dân tại Việt Nam là 78 kg nông sản/năm và mức tăng trưởng 10% mỗi năm trong khi khi diện tích sản xuất rau an toàn quy mô lớn mới chỉ chiếm 8 – 8,5% tổng diện tích trồng rau trên cả nước. Thị trường nông sản sạch cho thấy tiềm năng phát triển lớn nhưng lại không phải là “mỏ vàng” dễ khai thác.
Năm 2015, VinEco - dự án nông nghiệp của tập đoàn Vingroup ra mắt nhằm cung ứng nông sản cho hệ thống bán lẻ VinMart & VinMart+. Đại gia ngành thép Trần Đình Long cũng manh nha đặt chân vào ngành nông nghiệp bằng việc thành lập công ty thức ăn chăn nuôi Hòa Phát. Một số doanh nghiệp khác cũng tuyên bố đầu tư gia nhập thị trường nông sản sạch như tập đoàn T&T, tập đoàn TH, Geleximco, FPT… song chưa có động thái đầu tư lớn bởi việc đầu tư nghiêm túc cho sản xuất nông nghiệp sạch đòi hỏi nguồn vốn và công sức khổng lồ, trong khi khả năng sinh lời lớn là không có.
Nếu so sánh với thế giới, có thể thấy chiến lược kinh doanh nông sản của hệ thống bán lẻ VinMart & VinMart+ là sự kết hợp khéo léo giữa Walmart và Target. Theo đó, phần lớn nguồn nông sản sạch của hệ thống này được cung ứng bởi 14 nông trường công nghệ cao VinEco và phần còn lại đến từ các hợp tác xã, các hộ nông dân liên kết với VinEco. Các sản phẩm nông sản thu mua từ các hộ nông dân đều được kiểm tra tại chuỗi 33 trạm, phòng lab kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm của VinMart & VinMart+. Nếu đạt tiêu chuẩn đầu vào, các nông sản này sẽ được VinMart & VinMart+ hỗ trợ tiêu thụ với lợi nhuận 0 đồng.
Thống kê từ báo cáo riêng của VinEco cho thấy, mỗi tháng, thương hiệu này cung cấp cho thị trường hơn 3.000 tấn nông sản với hơn 200 chủng loại, phân phối độc quyền qua hệ thống bán lẻ gần 100 siêu thị VinMart và hơn 1.500 cửa hàng VinMart. Tuy nhiên, sau gần 3 năm làm nông nghiệp, báo cáo tài chính quý II/2018 của Vingroup cho thấy, doanh thu từ bán hàng nông nghiệp, dịch vụ tư vấn… tăng gấp rưỡi nhưng với giá vốn đầu tư ban đầu vào VinEco quá cao nên hiện mảng kinh doanh nông nghiệp vẫn đang lỗ.
Bằng cách tự sản xuất đồng thời liên kết, hỗ trợ các hợp tác xã, hộ nông dân dưới sự giám sát, kiểm soát chất lượng chặt chẽ, nhà bán lẻ này không chỉ đảm bảo được nguồn nông sản sạch cung cấp cho người tiêu dùng mà vẫn tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất nông nghiệp khác cùng phát triển, hướng tới mục tiêu phát triển mô hình nông nghiệp bền vững, góp phần lan tỏa văn hóa sản xuất nông nghiệp sạch tại Việt Nam. Tuy nhiên, câu chuyện đầu tư làm nông sản chắc chắn phải xác định là trường kỳ và thực sự khó nhằn. Nếu đơn vị nào chỉ chăm chăm vào lợi nhuận trước mắt sẽ khó mà làm được.