Đầu tư ồ ạt kiểu Trung Quốc - Kỳ 1: “Chúng tôi có rất nhiều tiền“
Không chỉ tư nhân mà những công ty Trung Quốc cũng đang đổ tiền vào việc "mua sắm" trên toàn thế giới.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Tuy nhiên, hệ thống chính trị Trung Quốc với các chính sách đối ngoại “kỳ lạ”, cùng tỉ lệ đói nghèo ở mức cao, phân hóa xã hội lớn đã làm dấy lên lo ngại làn sóng mua sắm của Trung Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực tới cân bằng chính trị toàn cầu. Đặc biệt là sự mất cân bằng này sẽ khác rất nhiều so với khủng hoảng kinh tế do sự suy yếu của kinh tế Nhật gây ra vào cuối những năm 1980.
Việc “trùm tái chế” Trung Quốc Chen Guangbiao tuyên bố muốn mua tờ báo nổi tiếng The New York Times của Mỹ đã thể hiện rất rõ ràng cho tham vọng đầy kiêu ngạo và sự thiển cận của “giới giàu xổi” ở Trung Quốc. Chưa kể nếu xem qua danh thiếp “tự sướng” của triệu phú này, nhiều người sẽ rất sốc với các danh xưng rất “nổ” như: “Người có ảnh hưởng lớn nhất Trung Quốc”, “Nhà lãnh đạo đạo đức Trung Quốc”, “Hình mẫu Trung Quốc nổi tiếng và được yêu thích nhất”...
Tuy nhiên, các đế chế truyền thông không phải là mục tiêu chính của “giới giàu xổi” Trung Quốc, mà các mặt hàng xa xỉ phẩm trên toàn thế giới mới là mục tiêu hấp dẫn nhất để họ thể hiện “đẳng cấp”. Như việc người giàu nhất Trung Quốc - lãnh đạo tập đoàn Dalian Wanda Group mua bức tranh Claude et Paloma của Picasso tại nhà đấu giá Christie ở New York với giá 28 triệu USD - gấp đôi giá ước tính, đã thể hiện rất rõ điều này.
Vậy rốt cuộc những kẻ siêu giàu Trung Quốc này là ai mà có đủ sức gây “sóng gió” trên thương trường quốc tế như vậy?
Việc Chen Guangbiao với tham vọng mua New York Times, là “trùm phế liệu” có tài sản gần 1 tỉ USD nhưng vẫn chưa thể chạm tới top 10 người giàu nhất Trung Quốc đã thể hiện sự giàu có của giới này. Được biết người giàu nhất Trung Quốc là Wang Jianlin - lãnh đạo tập đoàn Wanda Group có tài sản lên tới 14,1 tỉ USD. Trong khi người giàu thứ hai là Zong Qinghou - chủ tịch hãng giải khát Wahaha - từng là người giàu nhất Trung Quốc có tài sản khoảng 11,2 tỉ USD. Và giàu thứ ba là Li Yanhong - người sáng lập trang tìm kiếm Baidu nổi tiếng nhất Trung Quốc với tổng tài sản 11,1 tỉ USD.
Họ đều là những tỉ phú dưới 60 tuổi và dù có sử dụng quan hệ để cạnh tranh bất bình đẳng, nhưng thành tựu của họ cũng rất ấn tượng. Tham vọng và tư duy tư bản của họ - vốn là điều bị cấm đoán trước đây, lại đang là điều được chính phủ ủng hộ. Và họ đã góp phần tạo nên sự phát triển của thế hệ người giàu mới nổi mạnh mẽ nhất mà thế giới từng chứng kiến.
Không chỉ tư nhân mà những công ty Trung Quốc cũng đang đổ tiền vào mua sắm trên toàn thế giới như kế hoạch của Lenovo nhằm mua lại Bộ phận phần cứng smartphone của Google, Motorola. Hiện Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ vẫn đang xem xét thông qua. Nếu thành công, thỏa thuận trị giá 2,91 tỉ USD này sẽ trở thành khoản tiền mua công nghệ lớn nhất mà một công ty tư nhân Trung Quốc từng tiến hành.
Tuy nhiên, dù rất ấn tượng nhưng khoản đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa thấm vào đâu nếu so với các khoản đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước và chính phủ Trung Quốc. Trong chuyến thăm Trung Á gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Xi Jinping (Tập Cận Bình) đã đảm bảo sẽ cho vay 56 tỉ USD để thúc đẩy việc xây dựng đường ống và phát triển khai thác khí đốt.