Đầu tư nước ngoài: Vẫn chờ “làn sóng đầu tư mới”

Nếu trong 4 tháng còn lại, vốn đầu tư mới đăng ký chỉ đạt như trong tháng 8 thì chắc chắn mục tiêu thu hút 6,5 tỷ USD vốn đăng ký mới trong năm 2006 sẽ không trở thành hiện thực. Và như vậy, “làn sóng đầu tư mới” như nhiều quan chức và chuyên gia đã dự báo vẫn nằm ngoài tầm với của VN.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn thực hiện của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong tháng 8 ước đạt khoảng 350 triệu USD, đưa kết quả chung 8 tháng đầu năm 2006 lên khoảng 2,58 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

 

Tuy nhiên, các chuyên gia kế hoạch và đầu tư cũng lưu ý rằng, con số 350 triệu USD nêu trên chưa phản ánh nỗ lực cao của các chủ đầu tư, cũng như của chính quyền các địa phương, nơi có dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, bởi trong tháng 7, chỉ số này đạt 385 triệu USD.

 

Doanh thu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trưởng, trong tháng 8 ước đạt khoảng 3,1 tỷ USD, vượt trội so với mức thực hiện 2,8 tỷ USD trong tháng 7; tính chung 8 tháng đầu năm 2006 đạt khoảng 18,3 tỷ USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước (tới cuối tháng 7 mới tăng 20,6%).

 

Đạt được mức tăng trưởng cao như vậy là nhờ có thêm nhiều dự án vừa hoàn thành xây dựng cơ bản và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc mở rộng quy mô hoạt động. Và cũng nhờ vậy mà tổng số lao động trực tiếp làm việc trong khu vực đầu tư nước ngoài đã đạt khoảng 1,09 triệu người, tăng thêm khoảng 255.000 người so với cùng kỳ năm trước.

 

Trong khi kết quả sản xuất, kinh doanh đạt cao như vậy thì tình hình thu hút vốn đầu tư mới lại chưa gây được ấn tượng. Về cấp phép mới, trong tháng 8, cả nước chỉ có thêm 18 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký chưa đầy 100 triệu USD, rất thấp so với tháng 7 (28 dự án và 513 triệu USD).

 

Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2006, có 426 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 2,9 tỷ USD, giảm 32,7% về số dự án và chỉ nhỉnh hơn một chút về vốn (tăng khoảng 3%) so với cùng kỳ năm trước.

 

Về bổ sung vốn, trong tháng 8, có 17 dự án được phép bổ sung vốn, với tổng vốn tăng thêm khoảng 185 triệu USD (tháng 7 có 15 dự án và 58 triệu USD); tính chung 8 tháng, có 222 lượt dự án bổ sung vốn, với tổng vốn tăng thêm khoảng 1,095 tỷ USD, cũng đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước (328 lượt dự án và 1,226 tỷ USD).

 

Tính chung, cả vốn cấp phép mới lẫn vốn bổ sung trong 8 tháng đầu năm 2006 mới đạt khoảng 4,06 tỷ USD, gần bằng kết quả của 8 tháng đầu năm 2005.

 

Như vậy, so với dự kiến kế hoạch cả năm 2006, kim ngạch xuất khẩu mới đạt 68% (không kể dầu thô), vốn đầu tư thực hiện mới đạt khoảng 69,8% và vốn đầu tư đăng ký mới (kể cả vốn bổ sung) mới đạt khoảng 62,4%. Rõ ràng, nhiệm vụ của 4 tháng còn lại đang đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của các nhà đầu tư và các cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài thuộc các cấp, bộ, ngành, địa phương.

 

Một quan chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải rằng, số dự án và vốn đăng ký mới trong tháng 8 giảm sút so với tháng 7 và các tháng trước đó là do vướng mắc về thủ tục đầu tư.

 

Sau khi có văn bản tạm thời số 5495/BKH-đầu tư nước ngoài ngày 26/7/2006 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số ách tắc về thủ tục đã được giải quyết, nhưng nhìn chung còn phải chờ Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2005 mới có thể giải quyết tốt hơn các vướng mắc hiện nay.

 

Vì vậy, việc hoàn thiện thể chế và chính sách vẫn đang là đòi hỏi bức xúc hiện nay, trước mắt, các nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp mới cần sớm được ban hành. Đồng thời, cần khẩn trương kiện toàn bộ máy quản lý đầu tư nước ngoài tại các địa phương để đáp ứng yêu cầu phân cấp quản lý.

 

Việc vận động kêu gọi đầu tư tại một số địa bàn trọng điểm, nhất là Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ... cần được tăng cường mạnh mẽ hơn; đồng thời khẩn trương thực hiện việc tăng cường cơ quan đại diện xúc tiến đầu tư tại một số địa bàn trọng điểm.

 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Danh mục dự án quốc gia kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2006-2010 cần sớm được ban hành, theo đó, các địa phương cần rà soát và xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài trên địa bàn của mình với các tiêu chí rõ ràng, minh bạch để nhà đầu tư dễ lựa chọn.

 

Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện văn bản trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về các biện pháp nhằm tạo ra làn sóng đầu tư mới. Và sau khi Chỉ thị được ban hành, việc khẩn trương tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp và công việc nêu trong Chỉ thị sẽ là công tác quan trọng hàng đầu, nhằm sớm khắc phục những yếu kém trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài hiện nay.

 

Theo L.T.Hải

Báo Đầu tư