1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Đầu tư khu đô thị: Chủ đầu tư hết thời “tay không bắt giặc” !

(Dân trí) - Với quy định trong Nghị định 11 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị, các chủ đầu tư phải chứng minh được khả năng tài chính ít nhất là 15% tổng mức đầu tư dự án trước khi bắt tay vào một dự án khu đô thị cụ thể.

Dự án bỏ hoang tại huyện Mê Linh, Hà Nội
Dự án bỏ hoang tại huyện Mê Linh, Hà Nội
 
Theo đó, Nghị định 11 được ký vào ngày 14/1 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3 quy định cụ thể về điều kiện là chủ đầu tư dự án: Đối với chủ đầu tư là cơ quan nhà nước, phải có chức năng phù hợp với việc thực hiện dự án; có đề xuất dự án hợp lý, phù hợp quy hoạch và kế hoạch triển khai phát triển khu đô thị.

Đối với chủ đầu tư là doanh nghiệp, phải có đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp phù hợp với việc thực hiện dự án và đủ điều kiện theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản (nếu dự án có sản phẩm kinh doanh); Có vốn đầu tư thuộc sở hữu của mình không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư của dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha, không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị;

Đối với các dự án còn lại, chủ đầu tư phải có vốn đầu tư thuộc sở hữu của mình không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của dự án.

Vốn đầu tư thuộc sở hữu của chủ đầu tư quy định nêu trên phải là vốn thực có của chủ đầu tư tính đến năm trước liền kề với năm chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư phát triển đô thị được thể hiện trong báo cáo tài chính của chủ đầu tư và phải được kiểm toán độc lập xác nhận. Trường hợp doanh nghiệp và hợp tác xã mới thành lập thì phải có văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Thời gian gần đây, nhiều tiếng nói cho rằng các dự án khu đô thị, dự án bất động sản được cấp phép theo “kiểu xin cho” mà không có khả năng tài chính thực hiện dẫn tới tình trạng tại các thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh các dự án bỏ hoang mọc lên tràn lan. Trong cuộc họp tổng kết ngành xây dựng ngày 16/1, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội xây dựng cho rằng các địa phương bị lợi ích nhóm chi phối dẫn tới việc mất kiểm soát các dự án với cung cầu thị trường.

“Rất tiếc rằng trong thời gian vừa qua do phân cấp quá lớn cho địa phương, do thả nổi thị trường, thiếu kiểm tra tồng hợp nên Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã cấp phép tràn lan khá nhiều dự án không phù hợp với thị trường, tình hình kinh tế địa phương, dẫn tới cung vượt cầu, kể cả tổng số lẫn các loại hình dự án”, ông Hùng nói.
 
T.Chí