Đầu tư công nghệ và đổi mới sáng tạo để chuyển dịch năng lượng thành công
(Dân trí) - Nhờ những tiến bộ trong công nghệ và quy mô thị trường, khả năng lắp đặt, bảo trì được cải thiện, giá sản xuất điện mặt trời, điện gió tại Việt Nam ngày càng hợp lý, khả năng sản xuất ổn định, tăng cơ hội trên thị trường.
Công nghệ giúp thúc đẩy tiến trình chuyển dịch năng lượng
Là một trong những quốc gia đi đầu về phát triển năng lượng tái tạo, Đức đã chi gần 1,5 tỷ Euro cho nghiên cứu, đổi mới trong lĩnh vực năng lượng.
Theo công bố báo cáo hàng năm của Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu CHLB Đức, đầu tư của chính phủ vào nghiên cứu năng lượng đã tăng 13% so với năm trước đó, cho thấy cam kết mạnh mẽ của quốc gia này trong việc thúc đẩy chuyển dịch năng lượng và bảo vệ môi trường.
Phát biểu tại diễn đàn "Chuyển dịch năng lượng Việt Nam năm 2024", ngày 27/6, ông Fabian Hartjes, Bí thư thứ hai phụ trách Kinh tế và Ngoại giao khí hậu, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, nhấn mạnh công nghệ là chìa khóa thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng, đồng thời khẳng định: "Những công nghệ đổi mới sáng tạo đã được chứng tỏ là có hiệu quả cao và hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển dịch năng lượng của chúng tôi cũng như nhiều quốc gia khác".
Công nghệ giúp giảm giá thành, tăng cơ hội cho thị trường điện năng lượng tái tạo
Tại diễn đàn, ông Philipp Munzinger, Giám đốc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ, đã đưa ra các dẫn chứng từ dữ liệu của Bloomberg New Energy Finance (Bloomberg NEF) - tổ chức nghiên cứu, tư vấn toàn cầu về lĩnh vực năng lượng sạch cho thấy xu hướng giá điện từ nguồn điện mặt trời và điện gió ngày càng giảm tại Việt Nam. Theo đó, chi phí sản xuất điện quy dẫn (LCOE - Levelized Cost of Electricity) của điện mặt trời tại Việt Nam ngày càng rẻ.
Theo giá thực tế năm 2022 là 53-105 USD/MWh. LCOE của điện gió cũng đã giảm đáng kể, ở mức 65-154 USD/MWh. Nhờ sự tiến bộ trong công nghệ và quy mô thị trường, khả năng lắp đặt, bảo trì được cải thiện, giá sản xuất điện mặt trời, điện gió tại Việt Nam ngày càng hợp lý, khả năng sản xuất ổn định, tăng cơ hội trên thị trường.
Cũng theo vị này, công nghệ sản xuất và lưu trữ điện mặt trời đang dẫn đầu thị trường công nghệ năng lượng tái tạo với quy mô ngày càng mở rộng, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư cũng như góp phần an ninh năng lượng, ổn định lưới điện. Do vậy, công nghệ sản xuất và pin lưu trữ điện mặt trời cần có những chính sách để phát triển.
Việt Nam cần làm gì để cập nhật công nghệ mới hiệu quả?
Ông Nguyễn Mai Dương - Cục trưởng Cục Phát triển Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo, Bộ Khoa học Công nghệ cho rằng để thúc đẩy công nghệ năng lượng tái tạo tại Việt Nam cần sự hợp tác từ 3 phía là các cơ quan quản lý, các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp, cùng sự hỗ trợ từ đối tác quốc tế trong việc chia sẻ kinh nghiệm chuyển dịch năng lượng nhằm giúp Việt Nam tăng cường năng lực nội địa về công nghệ để chuyển dịch năng lượng thành công.
Đánh giá về triển vọng hợp tác đầu tư và chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo với Việt Nam, ông Fabian Hartjes chia sẻ: "Tại Đức, chúng tôi có nhiều doanh nghiệp thành công trong việc tạo ra những công nghệ năng lượng có giá cả phải chăng, phù hợp với thị trường. Chúng tôi đánh giá cao môi trường thu hút đầu tư tại Việt Nam, nhìn thấy những cơ hội kinh doanh tại đây. Các doanh nghiệp Đức sẽ tăng cường đầu tư vào đây và luôn sẵn sàng chia sẻ những công nghệ năng lượng tái tạo với Việt Nam.
Quá trình chuyển dịch năng lượng cần sự hợp tác từ các cơ quan nhà nước, tư nhân. Chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết để trong tương lai chúng ta có nhiều thành công hơn nữa trong quá trình chuyển dịch năng lượng".
Bà Vũ Chi Mai, Giám đốc Dự án Năng lượng sạch, chi phí hợp lý và an ninh năng lượng cho các quốc gia Đông Nam Á (CASE) chia sẻ: "Thông qua sự tài trợ của Chính phủ Đức, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ đang triển khai CASE tại bốn nước bao gồm Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.
Tại Việt Nam, chúng tôi đồng hành cùng Cục Phát triển Công nghệ và Đổi mới sáng tạo thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, tập trung vào việc chuyển giao công nghệ, hỗ trợ Việt Nam nắm bắt xu hướng công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng. Đó không chỉ là ở việc chuyển giao những công nghệ mới mà còn ở năng lực tiếp nhận thông tin, quản lý dự án, nâng cao năng lực sản xuất các linh, phụ kiện, dịch vụ trong chuỗi giá trị".