DMagazine

Đầu tư cổ phiếu như Hà Nội đi Hải Phòng, người tự lái, người đặt Limousine

(Dân trí) - Chuyên gia Nguyễn Minh Tuấn ví đầu tư chứng khoán như đi từ Hà Nội đến Hải Phòng, người đi xe tuyến, người tự lái… quan trọng nhất là đến đích an toàn và tốn ít thời gian.

Đầu tư cổ phiếu như từ Hà Nội đi Hải Phòng, người tự lái, người đặt xe Limousine

Chuyên gia Nguyễn Minh Tuấn ví đầu tư chứng khoán như đi từ Hà Nội đến Hải Phòng, người đi xe tuyến, người tự lái… quan trọng nhất là đến đích an toàn và tốn ít thời gian.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Minh Tuấn - nhà sáng lập TOPI, đồng thời là CEO tại AFA Capital - trò chuyện với Dân trí xoay quanh chủ đề lựa chọn kênh đầu tư trong bối cảnh nguy cơ lạm phát hiện hữu. 

Ai cũng thích hỏi những câu hỏi cụ thể nhưng chuyện đầu tư thì chẳng ai giống ai cả

Chắc hẳn thời gian qua ông nhận được rất nhiều câu hỏi về chủ đề đầu tư gì trong thời lạm phát? 

- Đầu tư gì khi lạm phát là một chủ đề chúng tôi từng đưa ra và rất được quan tâm. Tại thời điểm đó, lãi suất của Mỹ cũng như lạm phát của Việt Nam vẫn đang trong tầm kiểm soát.

Thông thường, mọi người sẽ rất thích hỏi những câu cụ thể về trường hợp của mình, kiểu: Tôi có cái này, tôi có cái kia, tôi định mua thế này được không hay bán cái kia được không? Lý do là mọi người biết tình trạng của mình và mặc định người khác hiểu tình trạng của mình. Điều này cũng bình thường thôi, vì mức độ phổ biến về tài chính cá nhân ở Việt Nam vẫn chưa cao.

Chúng tôi sẽ giải thích vấn đề đầu tư gì khi lạm phát theo từng giai đoạn.

Thứ nhất, chúng ta phải hiểu thế nào là đầu tư, với chúng tôi thì đầu tư sẽ không sử dụng vốn vay. Nếu như bạn kinh doanh thì bạn sẽ sử dụng vốn vay kinh doanh, ví dụ dùng margin kinh doanh cổ phiếu, vay kinh doanh bất động sản hoặc vay sử dụng cho mục tiêu sinh hoạt…

Đầu tư cổ phiếu như Hà Nội đi Hải Phòng, người tự lái, người đặt Limousine - 1

Ông Nguyễn Minh Tuấn (bên phải) chia sẻ với Dân trí về nguy cơ xảy ra lạm phát tại Việt Nam, phân tích cơ hội và rủi ro của từng kênh đầu tư ở thời điểm hiện tại.

Nhưng đi đầu tư thì người ta phải có kế hoạch tài chính trước, mà thường thì chúng ta chưa quen với việc đó. Chúng ta phải biết thu và chi của chúng ta là bao nhiêu và phần thừa mới đem đi đầu tư. Hiểu như vậy thì chúng ta sẽ có tầm nhìn dài hạn. Thời hạn tối thiểu của đầu tư phải là 3 năm, còn trung bình sẽ là 5 năm.

Còn đầu tư gì? Ở đây chúng ta có rất nhiều lớp tài sản tài chính khác nhau, tôi có thể chia ra làm 2 loại: một là tài sản tài chính, sẽ có tiền gửi tiết kiệm, vàng, trái phiếu, cổ phiếu và đâu đó sẽ có tiền ngoại tệ như USD, EUR... Ở phía bên này chúng ta có bất động sản, như nhà mặt phố, đất nền, biệt thự nghỉ dưỡng, chung cư, condotel…

Khi chúng ta nói đến đầu tư gì thì chúng ta chỉ nên giới hạn lại trong tài sản tài chính, vì tài sản bất động sản là khái niệm khá rộng.

Một số người có nhắc đến lạm phát, theo ông thì lạm phát đã tới Việt Nam chưa? 

- Quan điểm của tôi thì lạm phát đang là vấn đề lớn trên thế giới nhưng ở Việt Nam thì nó bắt đầu xuất hiện, chủ yếu do vấn đề về xăng dầu và chúng ta đang nhập khẩu lạm phát. Quy mô nền kinh tế Việt Nam gần 400 tỷ USD nhưng quy mô xuất nhập khẩu gần 700 tỷ USD. Có nghĩa rằng nếu đâu đó trên thế giới đang có lạm phát thì chúng ta đang nhập khẩu lạm phát về Việt Nam.

Khi chúng ta nhìn thấy lạm phát thì phản ứng đầu tiên là sợ hãi. Tuy nhiên, chúng ta phải đặt trong bối cảnh GDP của Việt Nam đang thế nào. Nếu lạm phát tăng mà GDP tăng có nghĩa nền kinh tế đang ở giai đoạn tăng trưởng, còn lạm phát tăng mà GDP giảm thì có nghĩa là đình lạm.

Trong đầu tư có 2 biến số vĩ mô là lạm phát và GDP. Tình trạng của Việt Nam thì lạm phát tăng và GDP cũng tăng. Chúng ta vừa có số liệu của tháng 6 và GDP đang tăng tốt, có nghĩa rằng chúng ta chưa đến giai đoạn bị suy thoái, và nếu thị trường tài chính có sự điều chỉnh thì đây là cơ hội tốt để đầu tư dài hạn.

Đầu tư cổ phiếu giống đi từ Hà Nội đến Hải Phòng vậy, có nhiều cách để đi

Vậy quan điểm của ông với các kênh đầu tư như thế nào? Nhiều người e ngại gửi tiết kiệm vì lãi suất ngân hàng hiện khoảng 6-7%/năm, trong khi mức lạm phát khoảng 4% thì tài sản dường như không tăng thêm giá trị?

- Thứ nhất, vàng thông thường chỉ chiếm khoảng 5-10% danh mục, nếu lạm phát hay không thì vẫn nên có. Vàng là công cụ để phòng, chống lạm phát và là bộ đệm để khi các thị trường khác bị giảm sâu thì vàng chính là lớp bảo vệ. Có thể thấy rằng khi thị trường chứng khoán giảm mạnh thì vàng vẫn đứng im. Tất nhiên là thời gian gần đây có sự co hẹp lại về giá vàng, tuy nhiên, tôi vẫn nhìn rằng vàng là lớp tài sản phòng thủ và bảo vệ.

Với tiền gửi, giai đoạn này tôi đang nhìn thấy khá nhiều rủi ro trên thị trường, nên nếu là tôi thì sẽ tăng tỷ trọng tiền gửi của mình lên.

Đầu tư cổ phiếu như Hà Nội đi Hải Phòng, người tự lái, người đặt Limousine - 2

Theo lời khuyên từ chuyên gia. vàng là lớp tài sản phòng thủ và bảo vệ, lúc nào cũng nên có trong danh mục đầu tư (Ảnh: Tiến Tuấn).

Tôi rất muốn chia sẻ rằng trước khi đi đầu tư thì mỗi người phải có kế hoạch tài chính. Nếu như bạn là người ưa an toàn thì bạn sẽ để phần lớn tài sản của mình dưới dạng tiền gửi. Hoặc nếu bạn là người ưa tăng trưởng mạnh thì phần lớn tài sản của bạn sẽ là lớp tài sản rủi ro như cổ phiếu, thậm chí là tiền mã hóa.

Tôi thuộc hồ sơ rủi ro tăng trưởng, trong giai đoạn này khi tôi nhìn thấy nguy cơ thì tôi sẽ tăng tỷ trọng tiền tiết kiệm lên đâu đó khoảng hơn 30%, vàng khoảng 10%. Phần còn lại tôi vẫn có một danh mục trái phiếu, tại vì nó mang lại nguồn thu ổn định cho tôi, như vậy trái phiếu sẽ chiếm khoảng 30%, phần còn lại sẽ là cổ phiếu.

Ông có thể chia sẻ thêm về hai kênh đầu tư trái phiếu và cổ phiếu?

- Quan điểm của tôi với những người đang có công việc ổn định mà muốn gia tăng tài sản của mình thì nên nghiên cứu chứng chỉ quỹ, quỹ mở, trái phiếu.

Thế còn cổ phiếu thì sao? Trong cổ phiếu thì tôi cũng chia ra rất nhiều lớp. Tôi chia sẻ một ẩn dụ như thế này: Đầu tư cổ phiếu cũng giống như chúng ta đi từ điểm A đến điểm B, ví dụ đi từ Hà Nội đến Hải Phòng.

Nó sẽ có mấy cách đi. Cách thứ nhất là anh ra bến xe và mua vé, tất cả mọi người đều đi chuyến đường đó, đi một phát là đến nơi luôn, tất nhiên là anh sẽ không dừng lại ở giữa đường được. Cách thứ hai là anh có thể thuê lái xe, anh có thể dừng chỗ này, dừng chỗ kia, rất thoải mái. Và anh có biết được là ông lái xe kia như thế nào. Cách thứ ba là anh tự lái, anh phải tự có xe này, anh phải tự đổ xăng này, anh phải học luật này...

Thế thì trong thị trường cổ phiếu cũng tương tự như vậy. Cái mà tôi gọi là xe tuyến đấy, đó chính là các ETF, chúng ta không cần quá nhiều kiến thức mà chỉ cần mua ETF, thị trường tăng thì danh mục của chúng ta sẽ tăng và thị trường giảm thì sẽ giảm tương ứng.

Quan điểm của tôi là với những người mà không có nhiều kinh nghiệm ở trên thị trường và công việc bận rộn thì nên nghiên cứu ETF, vì ETF sẽ giúp chúng ta không phải theo dõi thị trường và với nền kinh tế có mức tăng trưởng đều đặn 6-7%/năm thì tôi tin chắc về dài hạn, đây là một cách đầu tư rất hiệu quả và chúng ta không phải mất nhiều thời gian.

Đầu tư cổ phiếu như Hà Nội đi Hải Phòng, người tự lái, người đặt Limousine - 3

Mỗi người sẽ lựa chọn cách "đi từ Hà Nội đến Hải Phòng" khác nhau, quan trọng là đến đích và đỡ tốn thời gian (Ảnh: Hải Long).

Cách thứ hai là có tài xế riêng, đó chính là những nhà quản lý quỹ thì anh có thể đầu tư vào quỹ mở. Các quỹ mở thì sẽ có rất nhiều hãng xe khác nhau, anh có thể lựa xe Limousine hoặc là xe riêng của tài xế. Tôi nghĩ rằng sẽ tốt cho những người không có thời gian.

Thứ ba đó là tự lái thì tôi nghĩ rằng khả năng lái xe mỗi người khác nhau, khẩu vị rủi ro khác nhau, anh thì thích đi xe phân khối lớn, anh thì thích đi xe bình thường. Thế thì quan trọng nhất là liệu chúng ta có đến đích hay không, quan điểm của tôi rằng mọi người hãy cố gắng đến đích một cách an toàn nhất và đỡ mất thời gian nhất.

Danh mục thì nên có hai phần là xe tuyến, tức là mua ETF và chứng chỉ quỹ, phần tự đầu tư thì tôi nghĩ nó sẽ tỷ lệ thuận với mức độ chuyên môn của anh.

"Dọn dẹp nhà cửa" trước "cơn bão" lạm phát

Ông cũng đã đánh giá về từng loại tài sản đầu tư giai đoạn này, tôi tò mò nếu xét về thứ tự ưu tiên, ông sẽ sắp xếp các loại tài sản trên như thế nào, hay chính là theo tỷ trọng đầu tư của ông?

- Trong giai đoạn này, tôi sẽ tăng sự an toàn lên rất cao. Danh mục của tôi có 10% vàng và phần tiền gửi của tôi 30% đã thể hiện sự phòng thủ của tôi rồi. Về phần trái phiếu, trong thời điểm mà nếu chúng ta phân tích lạm phát có khả năng xảy ra, lãi suất có thể tăng thì lãi suất của trái phiếu sẽ khá cố định và không phải là một khoản đầu tư khôn ngoan. Nhưng nếu đầu tư vào chứng chỉ quỹ, quỹ mở, trái phiếu với thời gian trên 2 năm thì tôi vẫn giữ tỷ trọng như cũ và sẽ giảm dần tỷ trọng cổ phiếu.

Còn cổ phiếu sẽ có 2 lớp ngành là cổ phiếu phòng thủ và cổ phiếu mang tính chất chu kỳ. Cổ phiếu phòng thủ là những cổ phiếu mà khi lạm phát hoặc kinh tế suy giảm, sẽ biến động rất thấp như cổ phiếu ngành điện, nước.

Tất nhiên mỗi người sẽ có khẩu vị rủi ro khác nhau, theo ông, trước áp lực lạm phát như hiện nay thì việc phòng thủ có phải là cách tốt nhất không?

- Khi đi đầu tư, tôi phân tích rất kỹ từ vĩ mô và tôi đang nhìn thấy rằng vĩ mô thế giới đang trong tình trạng tiêu cực. Thế còn vĩ mô của Việt Nam, với nguồn lực của chúng ta hiện tại thì đang ở mức trung tính, chưa đến mức tiêu cực nhưng cũng rất khó để có thể nói là khả quan.

Chính vì vậy, phương thức của tôi là phải bảo toàn tài sản của mình. Chúng ta phải quản lý gia sản của mình, khi mà thị trường có vấn đề thì chúng ta phải "dọn dẹp nhà cửa trước khi cơn bão đến, giằng dây cột lại". Để nếu bão đến thì chúng ta được an toàn, còn nếu bão không đến, thì chúng ta cũng đâu có mất gì đâu và chỉ có sự giảm tốc độ tăng trưởng.

Nội dung: Văn Hưng