Đấu thầu giá điện mặt trời: Chia sẻ rủi ro để tìm giá thấp?

(Dân trí) - Bộ Công Thương cho biết đang xem xét khuyến nghị của các chuyên gia việc chia sẻ rủi ro cho các nhà đầu tư để có giá bán điện thấp trong đấu thầu điện mặt trời.

Đấu thầu giá điện mặt trời: Chia sẻ rủi ro để tìm giá thấp? - 1
Việt Nam sẽ đấu thầu điện mặt trời.

Văn phòng Chính phủ mới đây đã thông báo kết luận cuộc họp của Thủ tướng về giá điện mặt trời áp dụng sau ngày 1/7/2019.

Điểm đáng chú ý là Chính phủ giao Bộ Công Thương nghiên cứu cơ chế đấu thầu giá điện mặt trời. Như vậy, giá điện mặt trời sau ngày 30/6/2019 (thời điểm Quyết định 11/2017 hết hiệu lực) sẽ không chia theo vùng, hay áp dụng phương án một giá điện cho tất cả vùng như phương án trình trước đây của Bộ Công Thương.

Theo phương án mới này, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thống nhất cơ chế đấu thầu phát triển điện mặt trời, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/12.

Trao đổi với Dân trí, ông Đỗ Đức Quân - Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã cho biết rõ hơn về vấn đề này.

Xin ông cho biết, Bộ Công Thương đã có kế hoạch gì về cơ chế đấu thầu các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời?

Về cơ chế đấu thầu các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất và sớm báo cáo.

Hiện nay, Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), đang hỗ trợ Bộ Công Thương nghiên cứu cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời.

Qua nghiên cứu sơ bộ của tư vấn, nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng cơ chế khuyến khích giá bán điện cố định trong thời gian đầu, sau đó dần chuyển sang hình thức đấu thầu.

Về báo cáo cơ chế đấu thầu, WB đề xuất 02 hình thức thực hiện. Hình thức đấu thầu thành công tại Campuchia tương ứng với đề xuất hình thức thứ 2 của WB và tương tự đề xuất của ADB.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia, để có thể có kết quả đấu thầu là giá bán điện thấp thì Nhà nước cần chia sẻ các rủi ro cho nhà đầu tư về hạ tầng sạch, hợp đồng mua bán điện có bảo lãnh Chính phủ về bao tiêu, chuyển đổi ngoại tệ...

Bộ Công Thương đang nghiên cứu các đề xuất này xem có phù hợp với các quy định hiện hành của Việt Nam không, có cần điều chỉnh hay ban hành bổ sung quy định pháp lý không, khả năng áp dụng thực tế tại Việt Nam... để báo cáo Thủ tướng trong thời gian sớm nhất.

Vỡ quy hoạch điện mặt trời, Bộ Công Thương nói gì?

Trong kết luận của Thủ tướng mới đây nêu rõ, quy mô công suất điện mặt trời bổ sung quy hoạch rất lớn so với dự kiến trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong khi đó nội dung tính toán và cập nhật cơ cấu nguồn điện hệ thống điện quốc gia chưa được Bộ Công Thương thực hiện đầy đủ, kịp thời; công tác quản lý quy hoạch phát triển điện mặt trời của Bộ Công Thương còn thiếu tính khoa học và thực tiễn, công tác dự báo còn nhiều yếu kém. Ông có thể nói rõ hơn về nguyên nhân để xảy ra tình trạng này?

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030 (QHĐ VII điều chỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 18/3/2016 (Quyết định số 428/QĐ-TTg) đặt ra mục tiêu phát triển điện mặt trời ở mức 850 MW vào năm 2020, 4.000 MW năm 2025 và 12.000 MW năm 2030.

Tại thời điểm lập và phê duyệt quy hoạch điện VII điều chỉnh (năm 2016) chưa tính đến kịch bản phát triển bùng nổ điện mặt trời trong giai đoạn đến năm 2020 do cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời được ban hành vào tháng 4/2017.

Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ đã tạo động lực mạnh thu hút các nhà đầu tư đề xuất nhiều dự án điện mặt trời bổ sung quy hoạch.

Tính đến cuối năm 2018, Bộ Công Thương đã nhận được các đề xuất bổ sung quy hoạch của Ủy ban nhân dân các tỉnh: tổng số 360 dự án điện mặt trời đề xuất bổ sung quy hoạch với tổng quy mô công suất khoảng 24.000 MW; đã phê duyệt bổ sung quy hoạch 135 dự án với tổng công suất khoảng 10.400 MW.

Thực tế tỷ lệ điện mặt trời trong cơ cấu nguồn vẫn thấp hơn so với khả năng phát triển thực tế đến năm 2025.

Trong bối cảnh Quy hoạch điện 8 mới bắt đầu triển khai xây dựng, tỷ lệ điện mặt trời đến năm 2020 cao hơn so với mục tiêu đề ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, để đảm bảo cung cầu điện, Bộ Công Thương đã thường xuyên báo cáo Chính phủ về rà soát Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, tình hình bổ sung quy hoạch nguồn năng lượng tái tạo và cân đối cung cầu điện.

Gần đây nhất, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cập nhật tính toán cơ cấu nguồn hợp lý và tình hình bổ sung quy hoạch các dự án điện, trong đó Bộ Công Thương đã tính toán cơ cấu nguồn đến năm 2025.

Theo cơ cấu nguồn điện mà Bộ Công Thương báo cáo, để đảm bảo cân đối đủ điện trong bối cảnh nhiều nguồn điện lớn chậm tiến độ, việc phát triển hơn nữa nguồn điện mặt trời đến năm 2025 là giải pháp có thể thực hiện nhanh, đáp ứng tiến độ vận hành ngay từ năm 2021.

Nguyễn Mạnh (Ghi)