1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hà Tĩnh:

Đầu ra ế ẩm, đồng loạt doanh nghiệp khai thác đá lay lắt chờ phá sản

(Dân trí) - Do gặp khó khăn về đầu ra, hàng chục doanh nghiệp khai thác đá ở quanh khu vực KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh) nợ 113 tỷ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Nhiều doanh nghiệp hiện quá khó khăn, chờ phá sản.

Khốn đốn vì đầu ra

Sau khi được cấp quyền khai thác mỏ đá 5 ha ở phường Kỳ Liên (TX Kỳ Anh) vào năm 2013, hoạt động được một thời gian gắn liền với cao điểm xây dựng Dự án cảng biển, nhà máy thép của Formosa, Công ty TNHH Vật liệu xây dựng 6879 đã phải ngừng khai thác. Lý do là công ty gặp khó khăn về đầu ra.

Từ năm 2018 tới nay, công ty này mới khai thác, nhưng hoạt động cũng hết sức cầm chừng.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc công ty cho biết, mỗi ngày, công ty xay được nhiều nhất là 1.000 tấn, nhưng bán rất chậm. Để duy trì hoạt động, công ty sử dụng bột đá sản xuất gạch không nung, cung cấp cho doanh nghiệp san lấp mặt bằng.

Dù đã rất nỗ lực, nhưng theo ông Ngọc, sản lượng khai thác, cấp cho thị trường không đáng bao nhiêu.

“Thực sự lúc này doanh nghiệp chịu quá nhiều áp lực, nhất là lãi vay, lương công nhân và các chi phí hoạt động khác. Không hoạt động cũng không được, nên công ty vẫn phải sản xuất cầm chừng nhằm cho công nhân có việc làm, máy móc đỡ hư hỏng”, ông Ngọc buồn bã cho biết.

Tương tự, năm 2013, Công ty TNHH Xây lắp và khai thác vật liệu xây dựng Thanh Nam (gọi tắt là Công ty Thanh Nam) được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp quyền khai thác khoáng sản đá theo giấy phép 1589/GP - UBND với diện tích 12ha, trữ lượng 12 triệu tấn ở phường Kỳ Long (TX Kỳ Anh).

Đầu ra ế ẩm, đồng loạt doanh nghiệp khai thác đá lay lắt chờ phá sản - 1

Cảnh vắng lặng tại công trường khai thác đá của Công ty Thanh Nam

Tuy nhiên, suốt nhiều năm sau đó, công ty này không tiến hành khai thác.

Từ năm 2018 tới nay, Công ty Thanh Nam mới tiến hành khai thác. Hoạt động cũng rất cầm chừng, sản lượng không đáng kể.

“Trong năm 2019, công ty chỉ khai thác khoảng 7.000 tấn giúp cho đơn hàng xuất khẩu của một đơn vị khác. Từ đầu năm 2020 tới nay chưa có hoạt động khai thác gì”, anh Trịnh Đình Dũng, quản lý máy móc của Công ty Thanh Nam cho biết.

Đầu ra ế ẩm, đồng loạt doanh nghiệp khai thác đá lay lắt chờ phá sản - 2

Hàng tồn bãi chất cao tại nhiều bãi chứa của các doanh nghiệp khai thác đá ở Kỳ Anh

Theo anh Dũng, nếu công việc thuận lợi, sẽ có 2 - 3 giàn xay với 13 nhân công làm việc nhưng nay ở mỏ chỉ có một giàn xay và 8 lao động. Và hiện giàn xay cũng không hoạt động, công nhân đang sửa sang máy móc, phương tiện.

Nói về nguyên nhân, anh Dũng cho biết: Do khó khăn về đầu ra, đá khai thác không bán được dẫn tới hoạt động của công ty gặp nhiều khó khăn. Công ty đấu thầu mỏ đá với kỳ vọng cung cấp vật liệu cho một doanh nghiệp lớn ở địa bàn nhưng sau đó không thành công. Còn thị trường nội địa thì lượng tiêu thụ không đáng bao nhiêu".

Trước những khó khăn gặp phải, các doanh nghiệp đang cố gắng tìm đầu ra cho sản phẩm, trong đó tập trung vào thị trường nước ngoài qua hình thức xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện chỉ mới một số ít doanh nghiệp tiếp cận được với thị trường này và khối lượng xuất đi cũng rất hạn chế. Một số thì tận dụng nguyên vật liệu để mở rộng các hình thức sản xuất, kinh doanh khác.

Theo tìm hiểu của Dân trí, trên địa bàn TX Kỳ Anh hiện có 18 mỏ đá, trong số này chỉ có 5 mỏ đang hoạt động, còn 13 mỏ chưa khai thác hoặc đã ngừng hoạt động.

Còn tại huyện Kỳ Anh, trong số 15 mỏ đá thì có tới 10 mỏ không khai thác.

Nợ thuế cả trăm tỷ đồng

Do gặp khó khăn về hoạt động sản xuất kinh doanh, nên số tiền các doanh nghiệp khai thác đá ở TX Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản rất lớn.

Theo thống kê của Cục Thuế Hà Tĩnh, tổng số tiền cấp quyền mà các doanh nghiệp khai thác đá ở 2 địa bàn này nợ lên tới 113 tỷ đồng, trong đó TX Kỳ Anh 74 tỷ, huyện Kỳ Anh 39 tỷ.

Đáng nói là ngoài nợ thuế rất lớn, hiện nhiều doanh nghiệp khai thác đá đã rút khỏi địa bàn tỉnh Hà Tĩnh khiến ngành thuế đang rất “đau đầu” truy thu nợ tiền cấp quyền khai thác mỏ.

Có thể điểm danh những doanh nghiệp nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lớn ở TX Kỳ Anh, gồm: Công ty TNHH Xây lắp và khai thác VLXD Thanh Nam 21,7 tỷ đồng, Công ty CP Khoáng sản Việt Gia 13,2 tỷ đồng, Công ty CP Lạc An 10,8 tỷ đồng, Công ty CPXD Trung Hậu 8,4 tỷ đồng; ở huyện Kỳ Anh có Công ty CP SXKD VLXD Hà Tĩnh 15,8 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư - Xây dựng Hưng Thành Đạt 6,1 tỷ đồng, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Hoàng Anh 3,8 tỷ đồng, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Lĩnh Cường Thịnh 3,7 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư xây dựng và khai thác mỏ Trường Thọ 3,1 tỷ đồng ...

Theo lãnh đạo các doanh nghiệp, nếu thực trạng khó khăn về đầu ra hiện nay không được Nhà nước hỗ trợ, tháo gỡ, thì doanh nghiệp sẽ khó trụ vững trong dài hạn, việc đổ vỡ chỉ còn là vấn đề thời gian.  

Hà Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm