Đâu là lợi thế đối với ASEAN khi giá dầu giảm?
(Dân trí) - Các chuyên gia phân tích từ Ngân hàng HSBC đã đặt vấn đề như vậy tại Báo cáo vĩ mô các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa phát hành hôm nay (27/4/2015).
HSBC cho rằng, lạm phát trong khu vực ASEAN sẽ tăng khi giá dầu hồi phục cuối năm nay
Kết quả hoạt động khá thất vọng buộc HSBC giảm mức dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2015 đối với Malaysia, Singapore và Thái Lan.
Tuy nhiên, Khối phân tích của HSBC cho rằng, vẫn còn “ánh sáng cuối đường hầm” khi áp lực giá cả đang suy giảm nhanh. Theo chu kỳ, việc giảm giá hàng hoá, đặc biệt là xăng dầu, đang đẩy chỉ số CPI toàn phần (cũng như CPI cơ bản ở Singapore) đi xuống vì năng lượng chiếm một tỷ lệ lớn trong rổ hàng hoá tính CPI.
Indonesia, Malaysia và Thái Lan đã tận dụng cơ hội để cắt giảm trợ cấp xăng dầu, hạn chế việc chuyển phần giá cả hàng hoá thấp hơn cho người tiêu dùng và CPI toàn phần, áp lực giá cả nói chung cũng đang giảm tại các nước này. Tuy nhiên, theo HSBC, lạm phát đi xuống không hoàn toàn do xăng dầu mà còn do tác động từ hoạt động tăng lương đang hạ nhiệt và các khoản nợ tăng thêm ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng nhu cầu. Điều này đã tạo cơ hội cho các ngân hàng trung ương ASEAN cân nhắc việc nới lỏng các điều kiện tiền tệ thêm nữa để kích cầu nội địa.
HSBC dự báo không có lạm phát 0% trong năm 2015. Lạm phát toàn phần của Indonesia sẽ được nâng lên trung bình khoảng 6,5% trong năm 2015 do các tác động cơ bản của việc giá xăng dầu tăng trong tháng 11 vừa rồi. Chỉ số CPI Malaysia, Philippines và Việt Nam cũng được cho sẽ vẫn nằm trong mục tiêu đề ra.
Tổ chức này cũng đưa ra nhận định, lạm phát đã giảm mạnh trong quý IV/2014 và quý I/2015. Tuy nhiên, những phần lõm là ở quý II và quý III. Do vậy, HSBC kỳ vọng, lạm phát toàn phần sẽ tăng sau đó khi giá xăng dầu có sự tăng nhẹ (từ mức 55USD/thùng hiện nay lên 65USD/thùng vào cuối năm 2015). Trong khi nguồn cung sẽ có sự đột biến (chi phí thực phẩm hay giá xăng dầu) thì những hiệu ứng cơ bản sẽ đặc biệt xấu trong quý IV/2015.
Trong trường hợp giá xăng dầu tăng mạnh, Thái Lan sẽ dễ chuyển phần giá tăng này lên lạm phát toàn phần nhất, và Singapore là nước ít chịu ảnh hưởng nhất. Ngược lại, việc Maylaysia và Indonesia bỏ trợ cấp xăng dầu sẽ làm hạn chế những hiệu ứng cơ bản vì những hiệu ứng này không hưởng lợi gì từ việc giá xăng dầu giảm. Tương tự, nhu cầu trong nước ở Malaysia đang chậm lại có khả năng tạo thế đối trọng với việc giá cả hàng hoá và thuế dịch vụ tăng lên, mà điều này thông thường có khuynh gây ra những áp lực giá cả để tăng cường và có thể hạn chế các cơ hội mà NHNN Malaysia cắt giảm lãi suất.
Nhìn chung, HSBC tin rằng triển vọng về lạm phát không tăng nhanh sẽ hỗ trợ các ngân hàng trung ương trong khối ASEAN nới lỏng các điều kiện tiền tệ cho cả năm 2015. Sau khi đã cắt giảm một đợt lãi suất trong quý I/2015, HSBC dự báo NHNN Thái Lan sẽ sẵn sàng trong năm 2015. Tuy nhiên Indonesia sẽ cắt giảm thêm lãi suất chính sách khoảng 0,25% trong quý II/2015 trước khi tạm dừng. Lạm phát thấp và tăng trưởng yếu cũng kích thích NHNN Malaysia hạ lãi suất chính sách của mình thêm 0,25% để đạt mức 3% trong quý II/2015. Việt Nam cũng có vẻ thích mức lãi suất thấp hơn để hỗ trợ khả năng cạnh tranh xuất khẩu.
Bích Diệp