1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Dấu hỏi về trách nhiệm của các “ông lớn”

Mùa đại hội cổ đông năm nay, một số doanh nghiệp niêm yết đã gặp tình huống dở khóc dở cười do cổ đông nhà nước không đi họp hay dùng quyền phủ quyết với các lý do khá "trời ơi".

Kết quả là đại hội không đủ điều kiện tiến hành, hay vẫn tiến hành nhưng không thông qua được các nội dung quan trọng (đồng nghĩa với việc phải triệu tập lại). Điều này gợi nên câu hỏi lớn về trách nhiệm người đại diện sở hữu vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp niêm yết.

Các "ông lớn" bất ngờ nói không

Một sự kiện khó hiểu vừa xảy ra ở CTCP Đồ hộp Hạ Long (CAN). Ngày 9/4, Công ty tổ chức ĐHCĐ thường niên, nhưng hơn 9h mới chỉ có 42 cổ đông có mặt, đại diện cho gần 700.000 cổ phần, tương ứng với tỷ lệ 13,84% số cổ phần có quyền biểu quyết. Dĩ nhiên, Ban tổ chức phải tuyên bố hủy bỏ đại hội và tổ chức lại vào đầu tháng 5. Tuy nhiên, sự cố gây bất ngờ lớn với nhiều cổ đông có mặt là người đại diện vốn nhà nước (nắm giữ gần 28% cổ phần) đã vắng bóng không lý do. Đại diện này cũng không ủy quyền cho người khác tham dự đại hội.

Dù rằng, kể cả vị yếu nhân kia xuất hiện thì số cổ phần của cổ đông tham dự đại hội của CAN cũng chỉ xấp xỉ 42%. So với cột mốc 65% ở lần triệu tập đầu tiên, ĐHCĐ của CAN vẫn chưa đủ điều kiện tiến hành. Nhưng sự vắng mặt của cổ đông nhà nước này bức xúc cho cổ đông nhỏ, khi họ mất công, mất việc tới đại hội rồi ra về tay trắng. Bên cạnh đó là các băn khoăn về trách nhiệm, nghĩa vụ của cổ đông lớn.

Đầu tháng 4, ĐHCĐ năm 2011 CTCP Vận tải biển và bất động sản Việt Hải (VSP) cũng gây nên một bất ngờ, nhưng theo chiều hướng khác. Ban đầu, đại hội của VSP suôn sẻ khi chỉ 40 cổ đông có mặt nhưng đại diện hơn 80% số cổ phần có quyền biểu quyết. Trong đại hội, "sóng gió" nhè nhẹ nổi lên khi ông Phạm Thanh Sơn đại diện 37,56% vốn góp của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) cho biết, chỉ tham dự chứ không thể biểu quyết thông qua các tờ trình. Đại diện Vinashin nêu lý do ông chưa nhận được tài liệu ĐHCĐ của VSP để trình lãnh đạo Vinashin xem xét trước và cho ý kiến. Ngay lập tức, bà Nguyễn Thị Phương Uyên, thành viên HĐQT VSP phản đối. Lý do là tài liệu dự họp đã được đưa lên trang web Công ty từ 10 ngày trước. Vì vậy, rất khó tin chuyện đại diện của Vinashin không nắm được nội dung của đại hội.

Những tưởng, sự việc khép lại sau đó thì kịch tính bất ngờ xảy ra ở thời điểm biểu quyết. Đại diện của Vinashin liên tục dùng quyền phủ quyết với các tờ trình quan trọng. Điều đáng quan tâm là các nội dung này đều được 39 cổ đông có mặt tại chỗ hoàn toàn nhất trí. 1 chống lại 39, nhưng với tỷ lệ đồng ý chỉ đạt 62,44% (Luật Doanh nghiệp quy định từ 65% trở lên), đại hội VSP đã không thể thông qua nhiều nội dung trọng yếu: báo cáo kết quả kinh doanh năm 2010 và kế hoạch kinh doanh năm 2011; báo cáo Ban kiểm soát; tờ trình thông qua phương án phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ và chi trả cổ tức; tờ trình kế hoạch thù lao HĐQT và Ban kiểm soát năm 2011; tờ trình Chủ tịch HĐQT kiêm chức danh Tổng giám đốc… Cuối cùng, ĐHCĐ của VSP chấp nhận kết thúc "mở" với kết luận "hạ màn" từ đại diện cổ đông lớn: về xin lại ý kiến Tập đoàn và sẽ có câu trả lời cho Công ty trong vòng 7 ngày.

Người đại diện phần vốn nhà nước tại CTCP Điện tử Tân Bình - Viettronics TanBinh (VTB) cũng khiến nhiều cổ đông nhỏ tới dự đại hội bị một phen chưng hửng. Theo tài liệu được đưa lên trang web, VTB dự kiến trình ĐHCĐ kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng. Mục đích huy động vốn là đầu tư bất động sản. Thế nhưng, tại đại hội, tờ trình nội dung tăng vốn bỗng dưng biến mất! Trước thắc mắc của cổ đông, Ban chủ tọa giải thích, người đại diện trên 51% vốn nhà nước (Tổng công ty Điện tử và Tin học Việt Nam - VEIC) chưa cho ý kiến, bởi vậy đại hội không bàn tới nội dung này. Cuối cùng, ĐHCĐ của VTB vẫn thông qua chủ trương chung là đầu tư bất động sản, nhưng chưa bàn tới việc tăng vốn.

Câu hỏi về trách nhiệm

Hiện tại, người đại diện 27,75% vốn nhà nước tại CAN là Tổng công ty Thủy sản Việt Nam. Giải thích về lý do đại diện này vắng mặt tại ĐHCĐ, ông Phạm Mạnh Hoạt, Chủ tịch HĐQT CAN cho biết, Tổng công ty đang bố trí lại nhân sự nên có thể vì việc này mà đại diện sở hữu vốn nhà nước không thể tham dự và cũng quên không ủy quyền cho ai khác. Tuy nhiên, giải thích này vẫn khó có thể bao biện cho trách nhiệm của cổ đông lớn, đặc biệt là người đại diện vốn nhà nước. Cần nhắc lại, năm ngoái, ở lần triệu tập ĐHCĐ lần thứ nhất, số cổ đông của CAN có mặt chỉ chiếm 52,25% số cổ phần. Chỉ ở lần tổ chức thứ hai, đại hội mới có thể tiến hành theo luật định.

Tại VSP, sau ĐHCĐ, bên ngoài hành lang, nhiều cổ đông bán tán về cách thức sử dụng quyền phủ quyết của cổ đông lớn. Điều hoài nghi về tính khách quan như lý do xuất phát từ việc đại diện của Vinashin không đồng ý với nhiều nội dung quan trọng, nhưng dễ dàng thông qua phương án chuyển cho VSP hơn 5,16 triệu cổ phiếu VSP để thanh toán khoản nợ 155 tỷ đồng. Cần nói thêm, khoản nợ này xuất xứ từ việc cách đây vài năm khi VSP thuê Vinashin đóng mới hai con tàu. Khó khăn về tài chính đã khiến trong một thời gian dài Tập đoàn không thể thực hiện và chấp nhận trao đổi tài sản. Tuy nhiên, xét ra đây lại là một thương vụ hời cho Vinashin tại thời điểm hiện nay. Giá cổ phiếu VSP khi đó xấp xỉ 19.000 đồng/CP và Tập đoàn bất ngờ tìm được người mua với giá cao hơn giá thị trường trên 50%!

Theo thông lệ, trước khi họp ĐHCĐ, các thành viên HĐQT, thậm chí cổ đông lớn, NĐT tổ chức bên ngoài thường nhóm họp phiên trù bị để chuẩn bị tốt nhất các nội dung nhằm giúp đại hội thành công. Tuy nhiên, sự "trái nắng trở trời" của các ông lớn trong một số đại hội gần đây cho thấy điều ngược lại. Sự cố xảy ra xuất phát từ việc các cổ đông "VIP" xem nhẹ trách nhiệm hay điều này báo hiệu các vết nứt khi cổ đông lớn có các toan tính khác nhau?

Theo Giang Thanh
Đầu tư Chứng khoán

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm