Dấu hiệu nhiều "đại gia" muốn rút khỏi khách sạn tại Hà Nội

(Dân trí) - Theo nhận định của CBRE, đa số các khách sạn ở hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng công suất và giá thuê đi xuống. Nhiều khách sạn đang chào bán trên thị trường cho thấy dấu hiệu thoái vốn của các chủ đầu tư khách sạn tại đây.

Thống kê của CBRE cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2013, tổng khách du lịch quốc tế lưu trú tại Hà Nội đạt 929.000 lượt người, tăng 21,5% so với 6 tháng đầu năm 2012.

Tuy nhiên, nhìn chung toàn thị trường, công suất thuê chỉ đạt khoảng 57%, giảm trên tất cả các phân khúc từ 3 sao đến 5 sao. Giá thuê phòng trung bình của toàn thị trường khoảng 73 USD/phòng/đêm, giảm 3,5% theo quý và giảm 5,1% theo năm. Trong đó, phân khúc 5 sao giảm 4,4% theo năm và giảm 7,1% theo quý, đạt 98 USD/phòng/đêm.
 
Khách sạn Metropole Hà Nội đã được rao bán 50% cổ phần
Khách sạn Metropole Hà Nội đã được rao bán 50% cổ phần

Diễn biến xấu về giá thuê và công suất thuê dẫn đến doanh thu phòng trung bình (RevPar) giảm tại tất cả các phân khúc. RevPar đạt khoảng 41 USD/phòng/đêm, giảm 4,4% so với quý trước, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình trạng này còn được dự báo sẽ không mấy sáng sủa hơn khi mà theo dự kiến đến cuối năm 2013, tổng cung thị trường khách sạn Hà Nội có khả năng đạt khoảng gần 1 vạn phòng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai dự án lớn nhất gia nhập thị trường là Intercontinental Hanoi Landmark (359 phòng) và JW Marriot (450 phòng).

Theo nhận định của ông Richard Leech – Giám đốc điều hành CBRE, trên thị trường đã cho thấy dấu hiệu thoái vốn của các chủ đầu tư khách sạn tại Hà Nội. Thực tế, đa phần các khách sạn tại Hà Nội gặp phải công suất thuê và giá thuê đi xuống nên nhu cầu bán rất cao.

Đã có khách sạn được chào bán trong thời gian qua, điển hình là Metropole Hà Nội hồi cuối năm 2012. Theo đó, VinaCapital VN đã thuê Cty tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle rao bán 50% cổ phần trong khách sạn Metropole Hà Nội, với giá chào bán tương đương giá trị sổ sách là 58,7 triệu USD.

Mặt khác, không ít khách sạn đang cần cải tạo nâng cấp. Do đó, họ cần nguồn vốn bổ sung từ các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Một số nhà đầu tư nước ngoài cũng đã quan tâm đến những thương vụ này như Lotter từng mua một dự án khách sạn ở Sài Gòn. “Nhưng giá bán nào mới là điều quan trọng.” – chuyên gia này nhấn mạnh.

Trong khi đó, một thông tin không mấy khả quan về nguồn cầu, đó là ngành du lịch Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh bằng một số quốc gia trong khu vực. Ví dụ minh chứng như giá tour 4 ngày 3 đêm đi Campuchia chỉ khoảng 200 USD/ người thì chỉ riêng giá máy bay khứ hồi Hà Nội – Tp.HCM đã lên tới 300 USD. Phí visa cũng vừa được điều chỉnh từ 25 USD/ người lên thành 45 USD/người.

Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu du lịch của khách nước ngoài đến Việt Nam nói chung và phân khúc cho thuê khách sạn nói riêng.

Lan Hương