Đấu giá “chợ chiều”, vì sao?
Hàng loạt các phiên đấu giá cổ phần tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HASTC) lẫn Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM lâm vào cảnh “chợ chiều”. Ngay cả các blue-chip cũng bị ế ẩm nghiêm trọng. Vì sao?
Ế 90%
Ngày 24/8, Tổng công ty cổ phần tái bảo hiểm quốc gia (Vinare - mã chứng khoán VNR) tổ chức đấu giá 12,58 triệu cổ phiếu và đã thu được một kết quả đáng buồn khi chỉ có 10 nhà đầu tư (NĐT) tham dự với tổng khối lượng đặt mua chưa tới 6% so với lượng chào bán.
Giá đặt mua cao nhất chỉ đạt 60.100 đồng/cổ phiếu (giá tối thiểu 60.000 đồng/cổ phiếu). Theo dự kiến, phiên đấu giá này sẽ thu về hàng nghìn tỉ đồng cho Vinare nhưng kết quả chỉ thu được khoảng hơn 40 tỉ đồng.
Trước đó, phiên đấu giá 6 triệu cổ phiếu SJS ngày 10/8 diễn ra cũng chỉ có 26 NĐT đăng ký (22 cá nhân, 4 tổ chức) với tổng số lượng đặt mua vỏn vẹn có 489.600 cổ phiếu (chiếm 8,16% khối lượng chào bán). Giá đấu giá thành công bình quân chỉ cao hơn giá khởi điểm đúng 4 đồng (235.004 đồng/cổ phiếu).
Ngày 22/8, HASTC công bố kết quả đăng ký đấu giá của Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Bưu điện (PTC) thì cũng chỉ có khoảng 15% số cổ phiếu đem đấu giá được đặt mua. Điểm đáng lưu ý là đợt đấu giá này đã được Công ty chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp bảo lãnh toàn bộ ở giá khởi điểm là 45.000 đồng/cổ phiếu.
Chỉ cần nhìn vào kết quả đăng ký, các đợt đấu giá trên đã ế trung bình 90% số lượng chào bán (chưa kể những NĐT sẽ bỏ cuộc). Nhiều chuyên gia về chứng khoán dự đoán, các đợt phát hành kế tiếp cũng có thể lâm vào tình trạng tương tự.
Tổ chức phát hành tham, NĐT... thôi
Nhận xét về tình hình ế ẩm của các phiên đấu giá, ông Phan Đức Trung – Giám đốc Công ty quản lý quỹ FPT nhận xét: “Cổ phiếu ế một phần là bởi lý do cung cầu trên thị trường. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cung cầu chênh lệch đến mức không thể bán được cổ phiếu. Vấn đề ở đây là giá khởi điểm ở mức nào”.
Theo ông Trung, cơ hội bán hết lượng cổ phiếu đấu giá vẫn rất nhiều nếu như mức giá khởi điểm ở mức hợp lý. Ông này cũng nêu ra ví dụ, nếu SJS để mức khởi điểm ở mức 180.000 đồng/cổ phiếu thì số lượng người tham gia đấu giá cũng như số lượng cổ phiếu được bán cũng khác đi rất nhiều.
Nhiều chuyên gia về chứng khoán đều có chung nhận xét, với mức chênh lệch nhỏ hơn 20% giữa giá trên sàn và giá đấu giá, sẽ có cực ít NĐT chọn việc đấu giá vì mức giá như vậy là quá rủi ro (phải hàng tháng sau cổ phiếu mua được từ đợt đấu giá mới về tài khoản của người mua).
Tổng giám đốc một CTCK tại Hà Nội thì nhận xét về việc NĐT tẩy chay các cổ phiếu đấu giá có giá khởi điểm cao là: “Tổ chức phát hành tham, NĐT... thôi”.
Nhiều công ty xin hoãn phát hành
Ngoài lý do giá khởi điểm của các đợt đấu giá quá cao khiến cho các đợt đấu giá bị ế ẩm nghiêm trọng, nguyên nhân chủ chốt khác khiến các NĐT không hứng thú là tình hình thị trường khá ảm đạm trong nhiều tháng nay.
Chủ tịch HĐQT một CTCK ngân hàng lớn nêu thêm một lý do: “Các NĐT hiện nay không còn nhiều tiền để đi đấu giá lung tung nữa. Bây giờ họ không thể đem cổ phiếu cũ đi cầm cố để lấy tiền mua tiếp vì vướng Chỉ thị 03, còn tiền nhàn rỗi thì không thể bạ công ty nào cũng đấu giá.
Khá nhiều NĐT đang chờ cơ hội của những doanh nghiệp lớn sẽ phát hành lần đầu như Vietcombank, MobiFone, Ngân hàng Đầu tư... mà không tham dự đấu giá của các công ty ít tên tuổi hơn. Các NĐT tổ chức lớn cũng có suy nghĩ tương tự nên sức cầu của thị trường đối với các đợt đấu giá càng giảm thấp”.
Ngày 24/8, Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội có thông báo cho phép gia hạn Giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng của Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Minh (mã chứng khoán BMI) đến hết ngày 27/9.
Cùng ngày, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng chấp thuận về mặt nguyên tắc cho phép gia hạn việc chào bán của Công ty sản xuất thương mại may Sài Gòn.
Trước đó, 2 công ty rất có tiếng trên thị trường OTC là Công ty bóng đèn Điện Quang và Công ty đầu tư và vận tải Dầu khí (Shinpetrol) đã nộp đơn lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xin hoãn đợt phát hành cổ phiếu vì tình hình thị trường quá ảm đạm.
Theo Hoàng Ly
Báo Thanh niên