Đau đầu xử lý hàng ngàn container “bỏ quên”

Hiện, cả nước có hàng ngàn container hàng hóa đủ chủng loại tồn đọng tại các cảng biển chưa giải tỏa được. Trong số này, có những lô hàng đã nằm tại cảng 5-10 năm, gây thiệt hại cho các cảng biển, hãng tàu hàng ngàn tỷ đồng.

Đau đầu xử lý hàng ngàn container “bỏ quên”

 

Tiền tiêu hủy tốn cả trăm tỷ đồng

 

Theo Cục Hải quan Hải Phòng, số lượng hàng quá thời hạn khai hải quan, hàng tồn đọng quá 90 ngày tại các cảng biển Hải Phòng tính tới nay trên 5.000 container. Trong đó có rất nhiều container đã nằm tại các cảng từ 5-10 năm chưa xử lý được.

 

Những lô hàng này chủ yếu là lốp cao su đã qua sử dụng, nhựa phế liệu, sắt thép phế liệu, quần áo, xỉ quặng (dạng cục), màn hình vi tính cũ… biến cảng thành bãi rác. Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại kinh tế, còn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

 

Hầu hết những lô hàng tồn đọng có giá trị thấp, hàng trong danh mục tạm nhập tái xuất, chi phí lưu container, lưu bãi lớn do để tại cảng quá lâu…

 

Mới đây, UBND Hải Phòng đã phải lập tổ công tác chỉ đạo xử lý hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển trên địa bàn thành phố, do Phó Chủ tich thường trực UBND Thành phố làm tổ trưởng.

 

Bà Bùi Thị Hồng Thu, Phó Trưởng phòng Kinh doanh (Cảng Hải Phòng) cho biết, tại cảng còn khoảng 1.000 container hàng tồn đọng từ năm 2006 tới nay, với giá trị thấp. Trong đó, có khoảng 70 container có hồ sơ gửi hải quan, đã mở để kiểm tra, nhưng chưa xử lý được lô nào.

 

Theo bà Thu, tồn đọng chủ yếu hàng gian lận thương mại, khi bị phát hiện chủ hàng bỏ trốn; cảng có công văn yêu cầu nhận hàng, nhiều doanh nghiệp từ chối là chủ hàng. Do vậy, lô hàng phải lưu ở cảng và không xử lý được.

 

“Hàng tồn đọng chiếm diện tích kho bãi, khó khăn cho bố trí hàng mới. Nếu tính các chi phí bốc dỡ, lưu bãi… thiệt hại phải tính bằng nghìn tỷ đồng”, bà Thu nói.

“Hàng tồn đọng hiện chiếm 15% tổng lượng hàng đang lưu bãi tại cảng. Chi phí cảng bị thiệt hại phải hàng nghìn tỷ đồng” - Ông Lê Thành Đỏ, Phó GĐ Cảng Đình Vũ.

 

Ông Lê Thành Đỏ, Phó GĐ Cảng Đình Vũ (Hải Phòng) cho biết, tới tháng 10/2014, cảng còn tồn đọng 646 container (xấp xỉ 1.120 TEU), có thời gian lưu bãi từ trên 90 ngày tới 5 năm.

 

“Hàng tồn đọng hiện chiếm 15% tổng lượng hàng đang lưu bãi tại cảng; chi phí cảng bị thiệt hại phải hàng nghìn tỷ đồng”, ông Đỏ nói.

 

Theo ông Đỏ, hiện các hãng tàu ủy quyền cho cảng làm việc với cơ quan chức năng để xử lý. Các hãng tàu đã đồng ý miễn toàn bộ phí lưu container (thậm chí sẵn sàng gánh một phần chi phí tiêu hủy để giải phóng container), cảng miễn phí lưu bãi… nhưng 2 năm qua (2013, 2014) đã 4 lần họp với cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý được container nào.

 

Theo bà Thu, việc xử lý hàng tồn đọng gặp khó khăn do vướng về kinh phí. Thông tư 15/2014 của Bộ Tài chính (có hiệu lực từ tháng 3/2014, về xử lý hàng tồn đọng tại cảng), quy định kinh phí xử lý hàng tồn đọng đã xác lập quyền sở hữu nhà nước sẽ do cảng và hãng tàu chi trả.

 

“Nhưng nhiều trường hợp chi phí xử lý vượt khả năng tài chính của doanh nghiệp, cảng không đủ khả năng trả”, bà Thu nói.

 

Bà tính toán, để tiêu hủy một container hàng khô mất 100 triệu đồng, với hàng đông lạnh khoảng 150 triệu đồng/container. Chỉ tính riêng 1.000 container tại cảng Hải Phòng, chi phí này đã hơn 100 tỷ đồng.

 

Do đó, bà Thu đề xuất, phải sửa Thông tư 15 theo hướng quy định rõ kinh phí xử lý lấy từ nguồn nào. Nếu kinh phí cảng bỏ ra phải để cảng làm chủ tịch hội đồng xử lý, hàng còn giá trị có thể bán để bù chi phí.

 

Ông Đỏ đề nghị, những lô hàng nào không còn giá trị, chủ hàng không nhận, nhà nước nên bỏ kinh phí xử lý, do đã thu được một phần thuế, phí nhập khẩu.

 

“Bỏ của chạy lấy người”

 

Theo Thông tư 15/2014 của Bộ Tài chính, toàn bộ các chi phí kho, bãi, kho ngoại quan trước ngày Cục trưởng Hải quan ra quyết định xác lập quyền sở hữu nhà nước do chủ hàng hóa chi trả.

 

Trường hợp chủ hàng hóa từ bỏ, từ chối hoặc không chi trả các chi phí cho các cảng, chủ kho bãi, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính; những đơn vị này được phép hạch toán các phần đó vào chi phí doanh nghiệp.

 

Ông Nguyễn Sỹ Tráng, Phó Cục trưởng Hải quan Hải Phòng cho biết, đây là một vấn đề liên quan tới nhiều quy định, chế độ nên đang cố gắng giải quyết. Hiện, phía hải quan đã báo cáo UBND Hải Phòng và Bộ Tài chính xin hướng xử lý.

 

Về vướng mắc hiện nay, theo ông Tráng, quy định còn nhiều cách áp dụng khác nhau, đặc biệt là về kinh phí lấy từ đâu. “Các cảng họ miễn các loại phí bốc dỡ, lưu bãi đã là tốt; cảng lấy đâu ra tiền để xử lý”, ông Tráng nói.

 

Theo Hải quan Hải Phòng, cảng ở đây là điểm trung chuyển chính hàng hóa tạm nhập từ nước ngoài về để tái xuất đi thị trường phía nam Trung Quốc. Hai năm qua, do chính sách về tạm nhập tái xuất thay đổi nhiều; hàng tới cảng nhưng không tái xuất được nên phát sinh số lượng lớn hàng quá thời hạn khai hải quan.

 

Một số doanh nghiệp nhập khẩu theo hình thức chụp giật, không được thì “bỏ của chạy lấy người”. Nhiều lô hàng không tìm được chủ, người vận chuyển từ chối trách nhiệm. Thậm chí, nhiều lô hàng thực chất là rác thải…

 

Tại cuộc gặp giữa doanh nghiệp cảng biển và Bộ GTVT đầu tháng 10 vừa qua, lãnh đạo các cảng biển khác như: Cảng Cát Lát (TPHCM), cảng Bông Sen (TPHCM), cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh)… cho rằng, việc xác lập quyền sở hữu nhà nước mất tới 1-2 năm, dẫn tới hàng hóa ứ đọng ngày càng nhiều. Do đó, các cảng đề nghị Bộ GTVT có hướng hỗ trợ xử lý.

 

Đại diện Bộ Tài chính cho biết đang xem xét để sửa đổi một số quy định. Theo đó, giao cho cảng biển đủ điều kiện có thể tự xử lý một số hàng tồn đọng…

 

Theo Lê Hữu Việt – Đỗ Hoàng

Tiền Phong
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”