Đau đầu vì “điệp khúc” thiếu điện

Sau khi phương án tiết giảm điện trong 6 tháng mùa khô năm 2011 được áp dụng, các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN - KCX) lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, với áp lực một bên từ doanh nghiệp và một bên từ “nhà đèn”.

Đau đầu vì “điệp khúc” thiếu điện - 1
Thiếu điện là tình trạng chung và đã trở thành “điệp khúc” mỗi khi mùa khô đến.
 
Nói về tình trạng thiếu điện, tại cuộc họp giao ban các KCN – KCX phía Nam diễn ra cuối tuần qua, ông Phan Thành Phi, Trưởng ban Quản lý các KCN Long An cho biết, tại hầu hết các KCN ở địa phương hiện nay đều xảy ra tình trạng thiếu điện.

 

Cụ thể, mỗi doanh nghiệp bị cúp điện trung bình 2 lần/tuần. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp phản ứng việc họ không được phía điện lực giải thích, thông báo thời gian cúp điện, dù đã liên tục gọi vào đường dây nóng.

 

Thực tế đó đã dẫn đến tình trạng sản xuất bị ngưng trệ và doanh nghiệp không thể chủ động được kế hoạch sản xuất. Trong khi đó, việc trang bị máy phát điện chạy diesel thường xuyên là không thể vì chi phí rất cao.

 

Ông Đỗ Đức Dục, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cáp quang và Phụ kiện Việt Đức (tại KCN Long Hậu, Cần Giuộc, Long An) cho biết, hầu như ngày nào cũng xảy ra tình trạng rớt cao áp và cứ mỗi lần như vậy, nhà máy mất đi 20 triệu đồng. 

 

Ông Đoàn Hồng Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Long Hậu, chủ đầu tư KCN Long Hậu cho biết: “Khó khăn là tình trạng điện không ổn định, do vậy ảnh hưởng trực tiếp đến nhà đầu tư trong khu vực”.

 

Theo thống kê của KCN Long Hậu, năm 2010, toàn khu đã sử dụng hơn 11 triệu KW điện do Điện lực Cần Giuộc cung cấp và 5 triệu KW điện tự phát. Con số này trong năm nay dự tính sẽ tăng 40% do có thêm 8 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động.

 

Dù không đầu tư nhà máy phát điện như trường hợp KCN Phú Mỹ hay Amata, đại diện KCN Long Hậu cũng cho biết, họ đang áp dụng giải pháp hợp tác với Tổng công ty Điện lực miền Nam để xây trạm biến áp 110/22KV trong khu mở rộng.

 

Cũng lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan không kém là KCN Amata (Đồng Nai). Đầu tuần trước đã diễn ra một cuộc họp căng thẳng giữa Ban lãnh đạo Công ty TNHH Điện lực Amata Biên Hòa và các doanh nghiệp sử dụng điện để tìm giải pháp cho vấn đề thiếu điện. Theo đó, “nhà đèn” đưa ra quan điểm chỉ đảm bảo cung cấp điện nếu nhà sản xuất đồng ý cắt giảm nguồn điện sử dụng xuống 92% so với mùa cao điểm tháng 11/2010.

 

Tuy nhiên, ông Huỳnh Ngọc Phiên, Tổng giám đốc KCN Amata Việt Nam cho rằng, việc này không dễ đi đến thỏa thuận và thực hiện, bởi KCN Amata cũng gặp khó trong việc yêu cầu EVN nâng hạn ngạch (KCN này đang cung cấp cho khách hàng thông qua hai nguồn điện chính: nguồn nội bộ với công suất 13 MW và từ lưới điện quốc gia 64 MW).

 

Vấn đề thiếu điện càng được đẩy lên khi ông Lê Minh Châu, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (địa phương có nhiều phụ tải công nghiệp nặng) cho biết, các KCN tại Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu điện. Ông Châu khẳng định, nguyên nhân của tình trạng này không phải từ các dự án thép như nhiều thông tin đã đưa.

 

Tuy nhiên, khi được hỏi về việc xử lý các dự án thép vượt quy hoạch tại địa phương này, ông Châu thừa nhận: “Bà Rịa – Vũng Tàu đã nhiều lần bị “thổi còi” do cấp phép các dự án thép vượt quy hoạch, nhưng địa phương cũng không thể thu hồi vì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi nhà đầu tư và môi trường đầu tư của tỉnh. Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ không cấp mới dự án thép để tiết giảm điện, song với các dự án ‘vượt quy hoạch’, nhà đầu tư đang làm thủ tục xin Bộ Công thương bổ sung dự án vào quy hoạch chung ngành thép đến năm 2020”. Vậy thử hỏi, nếu tất cả các dự án thép này đi vào hoạt động thì “bài toán năng lượng” sẽ được giải quyết như thế nào?”.

 

Trên thực tế, thiếu điện là tình trạng chung và đã trở thành “điệp khúc” mỗi khi mùa khô đến. Ông Phan Thành Phi (Ban quản lý KCN Long An) cho rằng, điện năm nào cũng thiếu, năm sau lại thiếu nhiều hơn năm trước, do đó, cùng với việc tiết giảm của doanh nghiệp, Chính phủ và ngành điện cần có giải pháp để thay đổi cơ chế đầu tư, kinh doanh điện nhằm giải quyết tình trạng “đau đầu vì điện” như hiện nay.

 

Theo Hải Âu - Quang Duy

Báo Đầu tư