Dầu ăn nội: Tìm ngách đi riêng, tránh phụ thuộc

Mặc dù đã được áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời, song nếu còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu ngoại nhập thì doanh nghiệp ngoại vẫn áp đảo thị phần dầu ăn tại Việt Nam. Có một doanh nghiệp đang tìm “ngách” đi khác bằng cách tạo vị thế riêng, không phụ thuộc.

Lượng tiêu thụ dầu ăn không ngừng tăng lên trong những năm qua.
 

Theo điều tra do Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công thương tiến hành cho thấy: Sản lượng tiêu thụ dầu ăn có nguồn gốc từ thực vật tại thị trường Việt Nam những năm qua không ngừng gia tăng, với mức tăng trung bình khoảng 75% mỗi năm (từ mức 269.000 tấn/năm 2009 lên gần 569.000 tấn/năm 2012). Trong khi đó, thị phần dầu nội liên tục thu hẹp, từ 52% năm 2009 giảm còn 27% năm 2012, khiến cho lợi nhuận giảm 31%, lực lượng lao động giảm 19%, thiết bị máy móc không được sử dụng hết công suất.

 

Việc áp thuế suất thuế nhập khẩu dầu ăn về 0% từ đầu năm 2012 theo cam kết WTO là nguyên nhân chính khiến dầu ngoại tràn vào nội địa một cách ồ ạt (năm 2010 tăng gần 17%, năm 2011 tăng gần 24%, riêng năm 2012 tăng gần 46%), chiếm lĩnh thị phần ngày càng nhiều (từ 48% năm 2009 tăng lên 73% năm 2012), giá bán ngày càng cạnh tranh (giảm tới 12% trong năm 2012).

 

Dầu ngoại chủ yếu đến từ Malaysia (hơn 81%) và Indonesia (gần 19%), trong đó dầu cọ chiếm tới 565.000 tấn, dầu nành chỉ có 4.000 tấn, đạt tổng giá trị nhập khẩu hơn 592 triệu USD/năm 2012.

 

Trước tình hình đó, theo yêu cầu của Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) và các công ty liên quan, ngày 23/8/2013 Bộ Công Thương đã quyết định áp dụng biện pháp tự vệ 5% trong thời gian tháng 5/2013 – 5/2014 đối với dầu cọ và dầu đậu nành tinh luyện nhập khẩu. Tuy nhiên, hàng rào tự vệ này chỉ mang tính tạm thời và sẽ giảm còn 2% vào tháng 5/2017.

 

Theo thông tin từ Vocarimex, đến đầu năm 2014, hàng ngoại đã chiếm được 86% thị phần. Còn Vocarimex chỉ giữ được 4%; 10% thị phần còn lại chia sẻ cho các doanh nghiệp lớn khác.

 

Do đó, cuộc chiến cạnh tranh và giành lại thị phần ngay trên “sân nhà” của các doanh nghiệp dầu ăn nội không hề đơn giản mà ngày càng cam go. Các doanh nghiệp không thể chỉ trông chờ vào giải pháp bảo hộ của nhà nước mà cần phải tăng sức cạnh tranh bằng chính sản phẩm và giá cả. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp đều có một hướng đi riêng.

 

Ngày 5/8/2013, Công ty CP VinaCommodities tổ chức ký kết phân phối độc quyền dầu ăn Otran với đại diện thương mại 6 nước, gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Myanmar, Lào, Bangladesh và Ghana. Đây có thể coi là đợt phản công đầu tiên của dầu ăn Việt Nam ra thị trường thế giới.

 

Còn Vocarimex thì đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại với quy mô sản xuất dầu thực vật tinh luyện. Kế hoạch năm 2014, công ty này sẽ đầu tư 600 tỷ đồng để bổ sung thêm thiết bị, máy móc cho các nhà máy hiện nay là Nhà máy Dầu thực vật Vocarimex, Dầu Hiệp Phước, Dầu Quảng Ninh, nhằm khai thác tối đa công suất của các nhà máy này. Bên cạnh đó, Vocarimex cũng xây dựng nhà máy tại khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) với công suất 495.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng. Mục tiêu đến cuối năm 2014, Vocarimex sẽ đạt công suất 1,1 triệu tấn/năm.

 

Tuy nhiên, việc phụ thuộc đến 90% vào nguồn nguyên liệu nhập ngoại, nhất là đối với dầu cọ và dầu đậu nành tinh luyện, thì dòng chảy dầu ngoại vẫn không thể cản. Mặt khác, khi giá nhập khẩu nguyên liệu biến động theo hướng tăng, doanh nghiệp nội càng không dễ hạ giá bán để tăng thị phần. Chỉ có một cách là tìm hướng đi riêng mà không phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu này. Đó là cách đi mà Tập đoàn Sao Mai, sở hữu nhãn hàng dầu ăn cao cấp Ranee vừa xuất hiện hồi đầu năm 2014, đang thực hiện.
 
Lượng tiêu thụ dầu ăn không ngừng tăng lên trong những năm qua.
Dầu Ranee khiến cho định nghĩa “dầu ăn là dầu tinh luyện có nguồn gốc thực vật” trong tư duy người Việt hoàn toàn thay đổi.

 

Theo đại diện của Tập đoàn Sao Mai, dầu ăn Ranee là loại sản phẩm được chiết xuất từ cá bằng công nghệ hiện đại hoàn toàn nhập khẩu từ châu Âu. Đây là nguồn nguyên liệu hoàn toàn từ trong nước và gần như không thể có ở ngoài nước, khiến cho định nghĩa “dầu ăn là dầu tinh luyện có nguồn gốc thực vật” trong tư duy người Việt hoàn toàn thay đổi.

 

Phân tích của Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam cho thấy, sản phẩm dầu tinh luyện có chiết xuất từ cá do Tập đoàn Sao Mai có thành phần chủ yếu là 2 loại acid béo Omega-3 EPA và DHA cùng nhiều loại dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể.

 

Ngoài sản phẩm dầu ăn, Tập đoàn Sao Mai còn có thêm dầu đặc, là nguyên liệu dành riêng cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm muốn chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. 

 

Theo đại diện của Tập đoàn này, từ đầu tháng 7/2013, nhà máy tinh luyện dầu cá của Công ty CP Đầu tư và phát triển đa quốc gia (trực thuộc Tập đoàn Sao Mai) đã tiến hành sản xuất thử nghiệm, làm ra 97 tấn thành phẩm mỗi ngày. Thành phẩm gồm 2 loại là dầu đặc (stearin) và dầu lỏng (olein). Dầu đặc cung cấp cho công nghiệp chế biến thực phẩm (mì ăn liền, kem, bơ, chocolate, bánh ngọt cao cấp…). Dầu lỏng phân phối ra thị trường dưới dạng dầu ăn cao cấp (dùng để chiên xào), dầu dinh dưỡng dành cho trẻ em (bổ sung các loại vitamin, acid béo không no cần thiết cho sức khỏe). Đặc biệt, cung cấp nguyên liệu cho các công ty dược phẩm để sản xuất dầu cá viên Omega -3, 6, 9.

 

Rõ ràng, trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt hiện nay, để giành lại thị phần từ tay các doanh nghiệp ngoại là không hề đơn giản. Đây là cuộc chơi của các ông lớn, có thế mạnh về tài chính và công nghệ, các doanh nghiệp nhỏ khó theo kịp bởi họ không thể chạy đua cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, giải pháp tìm nguyên liệu khác thay thế, tránh phụ thuộc cũng là một cách để giành thị phần, thay vì đối đầu trực diện.

 

H.Anh

 

 

 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”