1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Dấu ấn Lý Xuân Hải trong 7 năm trên ghế CEO ACB

(Dân trí) - Ngày 23/8, ngân hàng Á Châu (ACB) ra thông báo TGĐ Lý Xuân Hải đã chính thức từ nhiệm, khép lại mối “lương duyên” kéo dài 15 năm. Trong thời gian này, dấu ấn ông Hải tạo được tại ACB là khá rõ nét.

Được bổ nhiệm vào “ghế nóng” TGĐ của ngân hàng Á Châu khi mới vừa tròn 40 tuổi, con đường doanh nghệ của ông Lý Xuân Hải có thể được xem là khá thuận lợi. Về với ACB năm 1996 với cương vị Phó giám đốc chi nhánh Hải Phòng, chỉ mất 2 năm vị tiến sỹ Toán - Lí đại học Tổng hợp quốc gia Belarus đã được cất nhắc lên vị trí giám đốc chi nhánh.
 
Ông Lý Xuân Hải
Ông Lý Xuân Hải

4 năm sau ông được điều động về hội sở giữ chức Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc tài chính, một vị trí “nóng” tại bất kỳ ngân hàng nào. Năm 2002, khi thị trường chứng khoán trong nước mới đang thành hình, ông đã được giao trọng trách TGĐ công ty chứng khoán của ngân hàng Á Châu. Đến tháng 6/2005 thì ông đã là TGĐ của ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam tính theo tổng tài sản.

Kể từ đó đến nay, ACB luôn đạt được mức tăng trưởng cao với khả năng sinh lời được thể hiện qua chỉ tiêu lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) luôn ở mức trên 30% (ngoại trừ năm 2010 tỷ lệ này là 28,9%). Cá biệt như năm 2007 tỷ lệ này lên tới 53,8% hay năm 2006 là 46,8%. Từ năm 2006 đến 2011, tổng tài sản của ACB cũng tăng gấp hơn 6 lần (từ 44.347 tỷ đồng lên 281.019 tỷ đồng).

Xét trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới nổ ra năm 2008 với dư âm kéo dài sang năm 2009, tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều thay đổi từ “nóng” sang “lạnh” bất ngờ, thì đây là những thành công không thể phủ nhận. Ông Lý Xuân Hải với vai trò “người cầm gậy chạy đầu của một cuộc chạy tiếp sức” như ông từng trả lời báo giới, đã có đóng góp lớn.

Là người đứng đầu một ngân hàng lớn, những khác với những người thích đại ngôn, ông Hải khéo léo trong phát ngôn và tiếp xúc báo giới. Trong một buổi phỏng vấn mới đây, khi phóng viên hỏi bí quyết để giữ hòa khí với các cổ đông sáng lập như Trần Mộng Hùng, Phạm Trung Cang hay Nguyễn Đức Kiên, ông Hải đã đáp lại: “Câu hỏi như vậy không đúng rồi. Đúng ra phải hỏi những con người đầy cá tính ấy vì sao lại cho tôi sự may mắn làm người cầm cây gậy chạy đầu trong cuộc chạy đua tiếp sức hôm nay của ACB chứ”. 

Hay như trước câu hỏi về vai trò của cá nhân mình trong sự phát triển của ngân hàng, ông cũng chỉ nhận mình là một phần của cỗ máy ấy, một “diễn viên” đã được phân vai trong cả một bộ phim lớn. “Vai trò cá nhân của tôi cũng như của bao con người ACB khác: vai đã được phân và “diễn viên” phải đóng tốt, cố gắng thực hiện tốt chức năng của mình trong “cỗ máy ACB”.

Khi còn đương nhiệm, vị nguyên TGĐ của ACB này khẳng định bí quyết để chế ngự được lòng tham và sự sợ hãi khi ở trong nghề kinh doanh tiền tệ đó là phải biết sợ, biết tham lam một cách hợp lý. “Để chiến thắng sự sợ hãi phải biết tham lam một các hợp lý, tức luôn giữ sự khách quan, vận dụng trí tuệ trong tiếp nhận và xử lý thông tin để tận dụng các cơ hội thường rất ngắn hạn trong khó khăn”.

Sau khi rời ghế CEO ACB, ông Hải đang đối mặt với một giai đoạn khó khăn trong cuộc đời khi bị khởi tố với tội danh "Cố ý làm trái....". Những hành vi sai trái, nếu có, sẽ được pháp luật làm rõ và xử lý. Song những dấu ấn mà ông Hải tạo ra trên chiếc ghế "nóng" tại ACB trong 7 năm qua cũng đáng để giới tài chính Việt Nam nhắc tới như một nhà quản lý có tài.

Hoàng Tùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm