Cần Thơ:
“Đất vàng” trồng cỏ xuyên thế kỷ
(Dân trí) - TP Cần Thơ có nhiều khu đất nằm ở vị trí đắc địa nên được mệnh danh là “đất vàng”. Để xứng tầm, đất vàng toàn được quy hoạch cho các dự án “hoành tráng” thế nhưng sau nhiều năm với nhiều lần thay đổi quy hoạch đất vẫn nguyên trạng “hoang vu”.
Công trình 8 tầng “ngự” trên giấy 8 năm
Một khu đất vàng tại TP Cần Thơ khá nổi tiếng với thâm niên “nuôi cỏ” là khu đất xây dựng dự án Trung tâm Điện ảnh-Dịch vụ văn hóa Cần Thơ (TT ĐA-DVVH) được UBND TP phê duyệt từ năm 2003.
Khu đất này có vị trí hết sức đẹp rộng chừng 1.300m2 ngay góc đường Võ Văn Tần - Phan Đình Phùng, trung tâm thành phố. Ý tưởng xây dựng TT ĐA-DVVH được manh nha từ đầu năm 2001.
Theo kế hoạch công trình cao từ 8 - 11 tầng này sẽ có một kiến trúc hoành tráng xứng tầm, thế nhưng đã 8 năm trôi qua kể từ khi Công ty Cổ phần Điện ảnh Cần Thơ (chủ đầu tư) rào khu đất lại và dựng lên bảng vẽ mô hình dự án, đất vàng vẫn nằm im cho cỏ mọc.
Lý do đơn giản: Công ty phát hành phim và Chiếu bóng Cần Thơ (tiền thân của Công ty Cổ phần Điện ảnh Cần Thơ bây giờ) là một đơn vị quốc doanh vì thế ngoài việc nắm trong tay “đất vàng”, công ty không có khả năng tài chính để đảm đương nổi dự án.
Mãi đến năm 2007, công ty tiếp tục trình thiết kế TT ĐA-DVVH lên các sở, ban, ngành liên quan nhưng không được thông qua. Đa số các ý kiến phản bác cho rằng: là một công trình văn hóa mà tỷ lệ diện tích dành cho điện ảnh, văn hóa quá khiêm tốn so với dành cho việc kinh doanh, dịch vụ ngoài văn hóa và cho thuê văn phòng…
Tuy nhiên, thay vì điều chỉnh dự án theo sự góp ý của các cơ quan chức năng, Công ty Cổ phần Điện ảnh Cần Thơ lại tiến hành các thủ tục mở rộng dự án gần 500m2 về phía đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa tạo thành khu đất có 3 mặt tiền Võ Văn Tần-Phan Đình Phùng-Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Điều này khiến khả năng thực thi dự án càng khó khăn. Trong thời gian chờ đợi, khu đất vàng tiếp tục… xanh cỏ.
Nơi đặt biểu tượng cũng thành đồng cỏ
Khu đất vàng tại khu vực vòng xoay công viên nước phường Cái Khế, quận Ninh Kiều (vị trí đẹp nhất hiện nay ở TP Cần Thơ) có diện tích 2,3 ha. Theo quyết định phê duyệt đồ án qui hoạch năm 1996 thì vòng xoay này được chọn là nơi đặt biểu tượng của thành phố.
Đến năm 1999, khi điều chỉnh lại qui hoạch thì khu vực này vẫn giữ nguyên như vậy và còn giá trị cho đến ngày hôm nay. Bên cạnh đó, để thực hiện việc qui hoạch xây dựng biểu tượng này, chính quyền địa phương đã tiến hành giải tỏa đền bù đối với hàng chục hộ dân sinh sống lâu năm nơi đây.
Người dân chấp nhận vì mục đích chung của chính quyền địa phương khi thu hồi đất để xây dựng biểu tượng nhưng biểu tượng đâu chẳng thấy, chỉ thấy công ty làm hàng rào và trương lên dòng chữ “Trung tâm phức hợp khách sạn quốc tế Hoàng Anh Mekong, tiêu chuẩn năm sao”.
Vào năm 2005, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tây Nguyên (nay là Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai Tây Nguyên - HAGLTN) “nhắm” miếng đất vàng này và gửi công văn đến lãnh đạo địa phương. Mục đích của HAGLTN là xin xây tháp đôi 25 và 30 tầng.
Ngày 25/4/2005, thường trực UBND TP Cần Thơ đã chấp thuận chủ trương giao 26.890m2 đất của vòng xoay cho công ty thuê trong 70 năm với số tiền 30 tỉ đồng.
Trước đó ngày 12/4/2005, Sở Tài chính đã có công văn số 513 về việc xác định giá khởi điểm để tổ chức đấu giá vòng xoay cồn Cái Khế nhưng “khu đất vàng” này không được đưa ra đấu giá mà lại được giao cho HAGLTN thuê, gây bức xúc trong dư luận.
Tuy nhiên, do chậm triển khai thực hiện dự án, mặt khác Sở TNMT TP Cần Thơ cũng chưa có quyết định cho HAGLTN thuê đất nên chủ trương giao đất của “khu đất vàng” này đã bị thu hồi.
Cho đến bây giờ toàn bộ “khu đất vàng” này vẫn um tùm lau sậy, nhiều người dân đã lấn chiếm để mở quán buôn bán.
Nhật Trường