Đắt như... phở Tết
Mở hàng ngay từ mùng 1, mùng 2 Tết, nhiều hàng phở tại Hà Nội đang hét giá đắt gấp 3 lần ngày thường.
(Ảnh minh họa)
Năm nay, do phải ở lại Hà Nội để trực nên anh Phan thường phải ăn phở cho tiện. Anh kể, năm nào cũng vậy, mấy ngày trực Tết chi phí ăn uống đều rất tốn kém. Do là đàn ông, nhà trọ lại xa nên anh Phan hay ngủ lại cơ quan, trông nom đồ đạc luôn. Vì vậy, phở là món ăn quen thuộc dịp Tết của anh.
“Tết năm nào cũng vậy, giá phở ở Hà Nội tăng đến chóng mặt, năm ngoái mỗi bát phở ngày Tết cũng tính giá cao ngất ngưởng, tới 40.000 đồng/bát, năm nay còn cao hơn nhiều so với năm ngoái. Nhưng không ăn phở thì tôi cũng không biết ăn gì, ăn gì mấy ngày này cũng đắt”, anh Phan nhăn nhó.
Vừa đi lễ ở chùa về, vợ chồng chị My và 2 cậu con trai ghé vào một hàng phở trên phố Kim Liên gọi 4 bát phở và một đĩa quẩy. Ăn xong, cả gia đình chị được phen tá hỏa khi chủ quán hét tới 300 nghìn đồng. Như vậy, tính ra mỗi bát phở cũng có giá 70.000 đồng, cao gấp 3 lần ngày thường.
Tết năm nay do thời tiết rét đậm, rét hại nên các chủ cửa hàng mở cửa muộn hơn mọi năm, cũng chính vì thế, nên giá phở cũng đắt hơn so với những năm trước.
Mặt khác, do giá các nguyên liệu đầu vào như: gà, ngan, cá, xương,… cũng tăng cao nên giá thành mỗi bát phở cũng bị đội lên cao hơn so với ngày thường.
Ngày Tết, ít hàng quán, do vậy mỗi bát phở có giá từ 50.000 – 60.000 đồng, đắt gấp đôi, gấp ba lần ngày thường.
Bác Ba, chủ quán phở phố Đội Cấn (Hà Nội) tính toán, 1kg thịt bò thăn ngoài chợ hiện có giá 220.000 – 250.000 đồng, tăng gần 50.000 đồng so với ngày thường. Các mặt hàng khác như: gà, ngan, tim, gan, bầu dục, cá cũng tăng giá tương tự. Vì vậy, giá mỗi bát phở như vậy, tính ra không phải là quá đắt.
Đa số khách hàng ăn những ngày đầu năm mới là các bạn trẻ đi vui chơi hay lễ chùa, những nhân viên phải trực Tết, những lao động tỉnh xa vẫn phải làm việc trong dịp Tết.
Ngoài ra, nhiều gia đình do đã chán với các đồ ăn ngày Tết, nên cũng tìm đến phở như một món ăn đổi vị, tạo cảm giác ngon miệng cho bữa ăn.
Phở đắt nhưng người tiêu dùng dường như vẫn vui vẻ chấp nhận bởi đây là món ăn đã rất quen thuộc với người Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, theo các chủ hàng phở, giá phở chỉ tăng cao như vậy trong mấy ngày Tết, sau đó khi giá cả các mặt hàng đã ổn định như dịp trước Tết thì giá phở cũng sẽ áp dụng như mức giá cũ.
“Giá nguyên liệu đầu vào giảm thì giá phở cũng sẽ giảm, còn giá cao như hiện nay thì chúng tôi vẫn buộc phải bán đắt”, bác Ba cho biết.
Theo Châu Anh
VTC