Đặt cỗ tận Tây Bắc, ship hàng 300 km về Thủ đô mở tiệc
Không chỉ là hàng sạch, nhiều người Hà Nội giờ còn thích hương vị các món ăn do chính bà con Tây Bắc chế biến. Thế nên, một số món ăn vùng cao được bà con nấu xong, đóng gói rồi đưa lên xe ô tô xuôi về Hà Nội ngay trong ngày để giữ nguyên hương vị nóng hổi của chúng.
Chiều thứ 6, vừa nhận được con cá nướng được bọc một lớp giấy bạc cẩn thận bên ngoài, chị Đường Ngọc Khánh ở Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội) liền mở ra và khoe: "Đi mấy trăm cây số mà về đến đây cá nướng Pa Pình Tộp vẫn còn ấm nóng, thơm phức".
Chị Khánh kể, thực ra đây là cá rô, giá cũng chỉ 130.000 đồng/con, không có gì là cao sang. Thế nhưng, chúng đặc biệt ở chỗ được chính tay bà con vùng Tây Bắc tẩm ướp hơn chục loại gia vị dân tộc và nướng bằng củi nên ăn thơm ngon, thớ cá chắc, ngọt thịt. Nói chung cảm giác vị rất riêng khi chấm với loại nước chấm của bà con gửi kèm. Chị đã ăn bao nhiêu nhà hàng ẩm thực Tây Bắc ở Hà Nội cũng không thấy vị như vậy.
Chị cho biết, mấy năm gần đây, sợ thực phẩm bẩn, phần lớn rau củ, thịt cá chị đều chọn mua của bà con vùng Tây Bắc. Khoảng nửa năm nay, ngoài gạo, rau xanh, thịt lợn, thịt gà hay các loại đặc sản khô như nấm hương, măng, miến,... chị còn chuyển qua mua nhiều món ăn do chính đồng bào dân tộc phía Bắc chế biến.
Chị Đinh Thị Nguyện Hà ở Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cũng vừa đặt xong con vịt quay 7 vị Cao Bằng. Chị nói: "Vịt Cao Bằng nuôi bằng ngô, lúa. Thịt được ướp với 7 loại gia vị cho ngấm mới đem lên quay. Quay xong lớp ra bên ngoài bóng màu cánh gián. Khi ăn thấy vị ngon của miếng thịt mềm, vị ngọt của mật ong rừng hòa cùng vị cay cay, thơm nồng của các loại gia vị. Nghĩ thôi đã thấy thèm mà phải chờ đúng 2 ngày nữa mới có".
Không chỉ vịt quay Cao Bằng là món khoái khẩu, chị Hà chia sẻ, danh sách các món ăn sẵn Tây Bắc nhà chị hay ăn phải đến cả chục loại, từ cá nướng, vịt quay, gà nướng mắc khén cho đến cơm lam, xôi thịt, thậm chí cả mấy món đơn giản như đu đủ ướp, củ cải muối chị cũng nhờ người mua rồi chuyển từ Cao Bằng về Hà Nội.
Mấy lần đi công tác Tây Bắc, mặc dù đã cố học cách chế biến món ăn theo kiểu của bà con vùng cao, song kể cả khi đã làm đúng theo công thức, món ăn vẫn không thể ngon được như vậy.
"Thỉnh thoảng nhà có khách, mâm cơm nhà tôi còn toàn các món ăn Tây Bắc đặt sẵn. Trong đó, có món là đồ ăn đông lạnh, có món chuyển từ Tây Bắc về, bày ra đĩa vẫn ấm nóng", chị nói. Mâm cơm toàn đồ ăn Tây Bắc nên nhiều khi, chị tưởng tượng mình đang đi du lịch và ngồi ở nhà sàn, thưởng thức toàn đặc sản của vùng. Song, để có cá nướng, vịt quay, thêm món xôi thịt nướng và đu đủ ướp chua ngọt trong mâm cơm chị cũng tốn gần triệu bạc.
Ngay cả món đu đủ ướp, củ cải muối Tây Bắc cũng được chuộng mua
Anh Nguyễn Tiến Thể, chủ một cửa hàng đặc sản Cao Bằng ở Hai Bà Trưng (Hà Nội), cho hay: “Hôm nay là ngày vịt quay 7 vị Cao Bằng về, hàng đi 300km mới xuống tới Thủ đô nhưng mở ra vẫn nóng hôi hổi”.
Anh cho biết, ngoài các loại rau củ, thực phẩm tươi sống, anh bán rất nhiều loại đồ ăn chín của Tây Bắc do nhu cầu của người dân Thủ đô ngày càng nhiều.
Theo đó, các món ăn được chế biến trực tiếp trên Tây Bắc, sau đó bà con đóng gói (kèm nước chấm) cho vào thùng xốp chuyển thẳng về Hà Nội để anh trả khách đã đặt trước. Cụ thể vịt quay Cao Bằng 300.000 đồng/con, cá nướng Tây Bắc giá 100.000-150.000 đồng/con tùy loại, gà nướng mắc khén 370.000 đồng/con, đu đủ ướp 60.000 đồng/kg, xôi nếp thịt nướng 150.000 đồng/suất, cơm lam 10.000 đồng/ống,...
Nói nghe có vẻ đơn giản, nhưng theo anh Thể, đa phần các món ăn Tây Bắc vận chuyển về Hà Nội đều để dùng luôn trong ngày và cần ấm nóng để giữ được hương vị. Thế nên, anh chỉ đặt bà con làm theo đúng số lượng khách đã đặt, không lấy dư.
Hơn nữa, anh cũng lên thực đơn, chia ra mỗi hôm chỉ về một món. Đơn cử, hôm nay về 60 chú vịt quay, mai về cá nướng, ngày kia về cơm, xôi,... Phải chia ra thì hàng về mới ship được luôn cho khách, chứ nếu về ồ ạt, tồn từ sáng đến tối mới ship được hết thì mất ngon, nhất là các món cần ăn nóng như vịt quay, gà nướng, cá nướng - anh cho hay.
Chị Nguyễn Thị Hòa ở Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội), cũng nhận xét, dân sành ăn Hà thành giờ rất thích ẩm thực Tây Bắc, thậm chí cả bát dưa muối cũng do bà con dân tộc làm. Hồi đầu năm, chị chỉ đứng ra gom đơn mua hộ chị em thân thiết, song càng ngày càng nhiều người hỏi mua nên chị chuyển sang bán cá nướng Tây Bắc, gà nướng mắc khén và vịt quay Cao Bằng.
“Cứ 2 ngày về một lần, dao động trên dưới 100 con gà, vịt. Một tuần tôi bán được khoảng 300 con các loại”, chị Hòa tiết lộ.
Theo Như Băng
VietnamNet