Đập Tam Hiệp: Khuất tất từ khâu phê duyệt
Hầu hết những người phản đối dự án cho rằng Quốc hội đã mặc định chấp thuận thông qua dự án Đập Tam Hiệp trước cả khi bỏ phiếu. Thậm chí, một số ý kiến chỉ ra rằng dự án Đập Tam Hiệp đã được phê duyệt trước khi Quốc hội họp khá lâu.
Đập Tam Hiệp và tham vọng “nghìn năm” của Bắc Kinh
Được xây dựng trên con sông dài nhất Trung Quốc, Đập Tam Hiệp là tham vọng của chính phủ Bắc Kinh trong việc xây dựng trạm thủy điện lớn nhất thế giới, cung cấp nguồn năng lượng sạch với giá rẻ cho thị trường tỷ dân; đồng thời ngăn chặn những trận lũ lụt khủng khiếp trên sông Dương Tử vốn đã trở thành nỗi trăn trở của nhiều triều đại Trung Quốc.
Thời điểm mới khởi công, dự án được kỳ vọng sẽ bao gồm nhà máy thủy điện với công suất 17.680 mW điện, tức gần gấp rưỡi so với nhà máy thủy điện đập Itaipu lớn thứ hai thế giới tại Brazil. Con đập hoàn thành có chiều cao 185m, rộng 1.983m với diện tích mặt hồ chứa là 1.060km2, công suất 39.300 triệu m3 nước và tốc độ dòng chảy tối đa 100.000m3/s.
Trận lụt nghiêm trọng năm 1991 khiến hàng chục triệu người Trung Quốc mất nhà và hơn 3.000 người tử vong đã trở thành động lực chính thôi thúc Trung Quốc khởi động dự án. Ước tính, thiệt hại trực tiếp từ trận lũ lụt tháng 9/1991 lên tới 1/4 tổng ngân sách quốc gia Trung Quốc trong năm đó. Trong lịch sử, lũ lụt luôn là vấn nạn hàng đầu của các triều đại, gây thiệt hại nặng nề về người và của. Tình hình lũ lụt trên sông Dương Tử thậm chí đã ngày càng trở nên nghiêm trọng kể từ những năm 1980 do nạn phá rừng, xói mòn đất và hàng loạt hệ lụy mà con người gây ra.
Bên cạnh đó, đập Tam Hiệp cũng là tham vọng của chính quyền Bắc Kinh về việc tạo ra nguồn năng lượng sạch khổng lồ. Trong bối cảnh các nguồn năng lượng nhiệt than trở nên khan hiếm và ngày càng bị hạn chế do tác động môi trường quá lớn, Trung Quốc cần những dự án khổng lồ như thủy điện đập Tam Hiệp để tạo ra nguồn cung năng lượng dồi dào, thúc đẩy các kế hoạch phát triển công nghiệp quốc gia.
Các chuyên gia khi đó đã nhận định rằng bất kỳ kế hoạch sản xuất thủy điện nào khác cũng không đủ để cung cấp điện đáp ứng các mục tiêu của Bắc Kinh nếu không có đập Tam Hiệp. Vị trí địa lý thuận lợi của đập cũng giúp phân phối điện lên phía Bắc đến Bắc Kinh, xuống phía Nam đến Quảng Châu và mở rộng về phía Tây dọc thung lũng Dương Tử.
Nhiều “khuất tất” trong quá trình phê duyệt dự án đập Tam Hiệp
Sau những trận lũ lụt gây hậu quả nặng nề trên sông Dương Tử, năm 1951, chính quyền Trung Ương Trung Quốc đã ra lệnh nghiên cứu và xây dựng một con đập như giải pháp giải quyết tình trạng này. Năm 1953, Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông tiếp tục lặp lại ý tưởng này trong lời phát biểu rằng: “Thay vì dành nhiều nỗ lực xây dựng các hồ chứa trên các nhánh sông mà vẫn không thể ngăn chặn lũ lụt, tại sao không tập trung mọi nỗ lực đó để xây dựng đập chặn đứng lũ tại Tam Hiệp?”.
Từ năm 1955-1957, các nhóm kỹ sư có sự hỗ trợ của Liên Xô đã tiến hành khảo sát khắp các thung lũng của sông Dương Tử. Kèm theo đó là hàng loạt tranh luận giữa các học giả, chuyên gia, nhà phê bình về việc có nên xây dựng đập Tam Hiệp hay không. Thứ trưởng Bộ Điện lực Li Rui khi đó dẫn đầu phe phản đối, trong khi Người đứng đầu Văn phòng kế hoạch Dương Tử đảm nhận vị trí biện hộ cho dự án. Các tổ chức, đơn vị ủng hộ dự án bao gồm Văn phòng Kế hoạch sông Dương Tử, Bộ Bảo tồn nước, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và các tỉnh hạ nguồn Dương Tử. Trong khi đó, Bộ Điện lực, Bộ truyền thông và tỉnh Tứ Xuyên duy trì ý kiến phản đối.
Trong thập niên 60 trở đi, nỗ lực xây dựng đập Tam Hiệp đã bị đình trệ và dần rơi vào quên lãng khi nền kinh tế Trung Quốc đối diện khủng hoảng thời Cách mạng Văn hóa. Cùng với đó, căng thẳng Trung - Xô (1969-1970) đã thổi bùng nỗi lo sợ rằng Liên Xô sẽ biến đập Tam Hiệp thành mục tiêu quân sự nếu chiến tranh nổ ra, khiến dự án tạm rơi vào quên lãng.
Đến mãi năm 1978, ý tưởng về đập Tam Hiệp mới một lần nữa được đưa ra bàn luận sau 2 thập kỷ ngủ yên. Năm 1980, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã đến thăm Tam Hiệp, dẫn đầu cuộc khảo sát và tham vấn của hàng loạt nhóm chuyên gia nước ngoài từ Mỹ, Nhật Bản, Brazil đến Canada.
Dự án chính thức được đưa ra tranh luận trước Quốc hội để bắt đầu quá trình phê duyệt vào ngày 3/4/1992, sau khi Đại hội Nhân dân Trung Quốc thông qua dự án Kiểm soát lũ lụt trọng điểm Tam Hiệp. Mặc dù 2/3 đại biểu đã bỏ phiếu thông qua nhưng số phiếu phản đối cũng được cho là lớn kỷ lục. Nhiều nguồn tin giấu tên sau đó tiết lộ các quan chức cấp cao trong Quốc hội đã tự động phê duyệt các dự án trước khi đưa ra tranh luận.
Hầu hết những người phản đối dự án cũng cho rằng Quốc hội đã mặc định chấp thuận thông qua dự án này trước cả khi bỏ phiếu. Thậm chí, một số ý kiến chỉ ra rằng dự án Đập Tam Hiệp đã được phê duyệt trước khi Quốc hội họp khá lâu. Và phiên họp Quốc hội năm 1992 thực chất chỉ để… quyết định tên cho dự án.
Cựu thứ trưởng Bộ Điện lực, nhiều nhà khoa học cao cấp và một số nhà báo đã lên tiếng chống lại sự phê duyệt dự án này. Nhưng tham vọng của một nhóm quan chức chính phủ về việc xây dựng một “siêu đập” trên sông Dương Tử nhằm thúc đẩy kinh tế Trung Quốc phát triển thần tốc đã chiến thắng.
Nhiều ý kiến từ quan chức, chuyên gia, nhà khoa học... phản đối dự án đập Tam Hiệp vì những rủi ro quá lớn
Dân Trung Quốc cũng phản đối đập Tam Hiệp
Ngay cả khi đập Tam Hiệp được Quốc hội phê duyệt và bắt đầu xây dựng, hàng loạt cuộc biểu tình phản đối vẫn nổ ra tại Trung Quốc, đặc biệt tại khu vực tỉnh Hồ Nam. Các cuộc biểu tình chủ yếu do vấn đề di dời cư dân trong một khu vực rộng lớn để làm hồ chứa. Bên cạnh đó, nhiều vụ án tham nhũng - vốn là điều cấm kỵ ít khi được giới truyền thông nhắc đến vào thời điểm đó - cũng làm xấu đi cái nhìn về đập Tam Hiệp.
Một số nhà khoa học từng cảnh báo rằng tình trạng lở đất đã xảy ra phổ biến trong khu vực hồ chứa do sự gia tăng mực nước ngầm gây áp lực lên hồ. Những người này chỉ ra rằng có tới 3 vành đai đứt gãy địa chất gần khu vực hồ chức, với 21 trận động đất hơn 4,75 độ Richter đã được ghi nhận tại khu vực này. Trận động đất cường độ lớn nhất lên tới 6,5 độ Richter. Việc tăng áp lực đáy hồ chứa có khả năng gây ra động đất mạnh hơn nữa. Nhiều minh chứng thực tế trên thế giới cũng chỉ ra rằng hơn 80 hồ chứa vừa và lớn đã xuất hiện loại động đất như vậy.
Tính khả thi kỹ thuật của dự án liên quan đến việc cung cấp năng lượng, phân bổ giao thông đường thủy qua con đập, cấp nước và rất nhiều thiệt hại môi trường khác cũng trở thành chủ đề tranh luận trong nội bộ Trung Quốc.
Nhiều ý kiến phản đối cũng chỉ ra rằng con đập này có thể sẽ phá hủy vẻ đẹp tự nhiên hùng vĩ của khu vực; tốn nhiều thời gian, công sức mà không hiệu quả trong việc ngăn chặn lũ lụt như chính quyền Bắc Kinh tham vọng.
Nhưng với hầu hết giới lãnh đạo Trung Quốc, các quan chức nước này công nhận đập Tam Hiệp là một di sản tích cực, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế trong bối cảnh thiếu hụt năng lượng trầm trọng hơn là mối đe dọa nghiêm trọng như lời cảnh báo.
Theo Thuỳ Dung
Dân Việt