Đảo nợ chưa hẳn xấu!
(Dân trí) - Theo ông Lê Đức Thuý, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, đảo nợ thông qua chương trình hỗ trợ lãi suất chưa hẳn xấu, bởi nó giúp doanh nghiệp trả khoản nợ cũ với lãi suất cao, giảm gánh nặng tài chính và giúp ngân hàng hạn chế nợ xấu.
Một số ý kiến cho rằng, 96% tín dụng cho vay hỗ trợ lãi suất hiện nay là đảo nợ, đánh giá của ông về vấn đề này?
Các ý kiến lo ngại là đúng vì nó tạo ra cơ hội đó, còn để thực hiện được hay không thì tôi chưa kết luận. Nhưng nếu có thì tôi cũng ủng hộ.
Mặc dù tăng trưởng tín dụng của 2 tháng đầu năm chỉ có 1,28%, tức là tăng trưởng tín dụng thực bao gồm cả tín dụng hỗ trợ lãi suất lẫn tín dụng không hỗ trợ lãi suất có khoảng 16 - 20 nghìn tỷ, nhưng riêng giải ngân gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất đã lên đến gần 150 nghìn tỷ.
Điều này chứng tỏ tăng trưởng tín dụng thực không lớn như giải ngân gói kích cầu và rất nhiều người vay, kể cả doanh nghiệp hay cá nhân, đã trả được nhiều khoản nợ cũ và họ vay khoản vay mới theo chuẩn của hỗ trợ lãi suất.
Cái lợi đối với doanh nghiệp và người vay là trả đi được những khoản nợ cũ với lãi suất cao có nguy cơ không trả được nợ và có thể vay mới ít nhất để duy trì hoạt động.
Còn về phía ngân hàng tránh được những hậu quả có thể có của nợ xấu nếu doanh nghiệp không trả hết nợ và vẫn tiếp tục huy động vốn để cho vay mới, dù chưa phải là nhiều nếu xét về tổng lượng tín dụng trong nền kinh tế.
Liệu có hay không việc không kiểm soát được các nguồn vốn vay do đảo nợ vào những khoản tài chính như chứng khoán sẽ làm cho lượng vốn bị đọng lại?
Ông Lê Đức Thuý. |
Cái này không loại trừ. Tôi không có căn cứ cụ thể để vội vàng kết luận, nhưng điều đáng lo là đúng và nên cẩn trọng để đừng để người ta lạm dụng hỗ trợ này nhằm duy trì hoạt động kinh doanh không có lợi hoặc duy trì những hoạt động của những khoản kinh doanh mà vốn nó không thể tồn tại được.
Nhiều người đánh giá gói kích cầu đã hiệu quả nhưng chưa đủ để khôi phục nền kinh tế, chính vì vậy cần bàn đến đợt kích cầu thứ 2. Theo ông điều này có hợp lý và cần thiết?
Ủy ban Giám sát Tài chính đã từng kiến nghị với Chính phủ và Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ là ở các nước, kích cầu không chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Chúng ta hỗ trợ lãi suất để cho vay chỉ tối đa 8 tháng là không đủ.
Ví dụ như Trung Quốc và một số nước trên thế giới, những gói kích cầu lớn của họ định là 2 năm. Chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ nên nghĩ đến những gói kích cầu tiếp theo thì mới có thể ngăn chặn được tốt hơn sự suy giảm, phục hồi sớm hơn tăng trưởng kinh tế.
Ông dự báo thế nào về khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ của Việt Nam thời gian tới?
Chúng ta kích cầu trong điều kiện lạm phát cao và mới tạm chững lại. Nếu tính cả năm 2008, lạm phát vẫn trên 20%. Chúng tôi dự báo lạm phát 2009 có thể nằm ở mức 5 - 9%, tuỳ từng tình hình cụ thể.
Vì vậy, chúng ta không có nhiều khả năng để nới lỏng chính sách tiền tệ như một vài nước. Nếu nới lỏng không khéo, chúng ta sẽ phải quay lại chống lạm phát khi nguy cơ giảm phát vừa qua.
Ngoài ra, chính sách tài khoá nếu kích cầu thì phải bội chi. Nếu chúng ta chi tiêu không hiệu quả, không kịp thời, không đủ mức độ , tác dụng có thể kém đi, giá phải trả đắt lên. Có thể là bội chi ngân sách cao mà lại không khắc phục được suy giảm kinh tế.
Hiện tại, ngân hàng và doanh nghiệp đều muốn giải ngân nhanh gói kích cầu. Theo ông, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giám sát hoạt động này thế nào để tránh sai mục đích?
Tôi không còn là thống đốc cho nên điều này phải hỏi ông thống đốc NHNN. Tôi nghĩ rằng không chỉ NHNN, các Bộ, ngành liên quan (kể cả các bộ ngành sản xuất) phải chỉ đạo doanh nghiệp mình tranh thủ sự hỗ trợ chứ không phải lợi dụng sự hỗ trợ để trục lợi. Còn các cơ quan thi hành phải cố gắng bảo đảm đúng qui định để tránh sơ suất.
Tôi phải nói rằng, một hoạt động lớn như vậy không thể tránh được sai sót chỗ này, chỗ khác, nơi này nơi khác. Nhưng đừng vì những điểm tiêu cực nhỏ mà phủ nhận tác dụng lớn; đừng thổi phồng để có những xử lý quá làm thui chột đi nhiệt tình kinh doanh trong bối cảnh khó khăn này.
- Xin cám ơn ông!
An Hạ