Đào được kho báu tượng vàng ròng trăm cân: Tai họa bất ngờ ập đến
Họ phát hiện một tượng Phật bằng vàng, cao 0,9m. Bức tượng nặng đến nỗi phải mất 10 công nhân với dây thừng, ròng rọc mới kéo được nó lên khỏi mặt đất.
Đầu tháng 6/1970, Rogelio Roxas, 27 tuổi - một cựu binh sĩ trong quân đội Philippines, làm nghề sửa chữa ống khóa đã được thẩm phán Pio Marcos, tòa án thành phố Baguio, đảo Luzon, Philippines, cấp giấy phép tìm kiếm kho vàng của tướng Nhật Yamashita - được cho là chôn giấu tại khu vực này trước ngày Thế chiến II kết thúc.
Sau hơn 7 tháng đào bới, ngày 24/1/1971, Roxas tìm thấy một phần kho vàng nhưng tai họa đã ập đến vì thẩm phán Pio Marcos có họ hàng với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos.
Từ một tấm bản đồ
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1960, khi ấy Rogelio Roxas vẫn còn là lính trong quân đội Philippines. Một hôm, ông tình cờ nhìn thấy một thanh niên khoảng 20 tuổi, ốm nặng, nằm ở lề đường gần doanh trại. Lúc biết người này tên là Tamolo, không nhà cửa, không gia đình, không việc làm, Roxas đưa Tamolo vào bệnh viện rồi tự bỏ tiền túi ra chi trả viện phí.
Nửa tháng sau, Tamolo xuất viện. Trò chuyện với Roxas, anh ta kể trong thời gian Phát xít Nhật chiếm đóng Philippines, một sĩ quan quân đội Nhật đã ăn ở như vợ chồng với một thiếu nữ Philippines - là chị ruột của Tamolo. Khi Nhật Bản đầu hàng, anh rể Tamolo bị quân Mỹ bắt làm tù binh còn chị ruột Tamolo, do sợ du kích kháng chiến chống Nhật ngược đãi nên đã trốn đến đảo Cebu. Từ đó, Tamolo không còn nghe tin gì về chị mình nữa.
Biết Tamolo muốn đi Cebu tìm chị, Roxas ngoài việc mua vé tàu thì còn cho anh ta thêm một ít tiền. Cảm động trước nghĩa cử ấy, Tamolo đưa cho Roxas một tấm bản đồ vẽ tay cũ kỹ. Roxas kể: “Theo lời Tamolo thì người anh rể là một trong những sĩ quan có nhiệm vụ chôn giấu kho vàng của tướng Yamashita, cướp được ở Myanmar và một số quốc gia Đông Nam Á khác trong Thế chiến II. Tất cả những người lính tham gia chôn giấu đều bị giết để giữ bí mật. Lúc 2 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki, nước Nhật đầu hàng thì vài ngày trước khi ra trình diện quân đội Mỹ, người anh rể đã đưa tấm bản đồ cho Tamolo, dặn giữ kỹ đợi ngày ông ấy quay lại”.
Vẫn theo Roxas, năm 1949, khi tất cả tù binh được quân đội Mỹ phóng thích, Tamolo mới biết anh rể mình đã chết từ cuối năm 1945 vì sốt rét ác tính. Do không tiền bạc, không nhà cửa, sống nhờ trong một tu viện nên Tamolo không nghĩ đến việc tìm kiếm kho vàng.
Hơn nữa thời điểm ấy, cả Philippines như sôi lên về chuyện kho vàng của tướng Yamashita, dẫn đến một số kẻ cơ hội tung tin rằng mình đang nắm giữ bản đồ chỉ nơi chôn giấu rồi rủ rê người khác góp tiền mua sắm máy móc thiết bị đào bới.
Khi đã góp được một số kha khá, họ ôm tiền bỏ trốn nên nếu Tamolo công khai tấm bản đồ, anh ta dễ bị nghi là lừa đảo. Roxas nói: “Vì vậy Tamolo tặng nó cho tôi với hy vọng một ngày nào đó nếu tôi tìm được, anh ấy cũng có phần”.
Kho báu Yamashita có thật!
Năm 1967, Roxas xin ra khỏi quân đội. Từ đó đến năm 1970, vừa kiếm sống bằng nghề sửa chữa ống khóa, Roxas vừa tìm kiếm vị trí kho vàng. Mãi đến đầu năm 1971, ông mới giải được tất cả những ký hiệu ghi trên tấm bản đồ và biết rằng nó chôn tại một khu vực nằm gần một bệnh viện bỏ hoang ở thành phố Baguio, phía bắc đảo Luzon, Philippines.
Tướng Yamashita, người đã ra lệnh chôn giấu vàng bạc của cải cướp được trong thời gian quân Nhật chiếm đóng Philippines, Myanmar.
Lập tức, một mặt Roxas làm đơn xin khai quật kho vàng của tướng Yamashita và được thẩm phán Pio Marcos, tòa án thành phố Baguio, đảo Luzon, chấp thuận. Mặt khác, ông thuê mướn nhân công gồm toàn những người thân quen trong gia đình rồi tiến hành đào bới. Với một máy phát điện nhỏ để soi sáng, nhóm nhân công chia ca làm việc cả ngày lẫn đêm với các dụng cụ cầm tay như cuốc, xẻng, búa, xà beng…
11 giờ khuya ngày 23/1/1971, Roxas tìm thấy lối vào một đường hầm nằm ở độ sâu 9m dưới mặt đất. Sau khi phá vỡ bức tường bằng gạch, vật đầu tiên mà Roxas nhìn thấy là những bó dây điện bùng nhùng, máy radio truyền tin, vài cái lưỡi lê cùng dăm khẩu súng trường, tất cả đã rỉ sét. Cạnh đó, còn có một bộ xương người trong bộ quần áo quân đội Phát xít Nhật.
Ngày 24/1, nhóm công nhân tiếp tục phá vỡ 2 bức tường bê tông và lần này, họ phát hiện một tượng Phật bằng vàng, cao 0,9m. Bức tượng nặng đến nỗi phải mất 10 công nhân với dây thừng, ròng rọc mới kéo được nó lên khỏi mặt đất.
Ngay đêm hôm ấy, Roxas đưa tượng về nhà mình, giấu trong buồng riêng rồi chụp hình để làm bằng chứng rằng ông là người tìm ra kho báu vì theo luật Philippines lúc bấy giờ, người tìm ra kho báu vô chủ sẽ được hưởng 70%. Theo Roxas, đầu của bức tượng tháo rời ra được, bên trong có một khoảng trống nhỏ, chứa đầy những viên kim cương chưa cắt gọt.
Hôm sau, Roxas cùng nhóm công nhân quay lại đường hầm. Cách nơi tìm thấy bức tượng khoảng 15m, có mấy chiếc thùng bằng thiếc, bên trong lót gỗ, kích thước tương tự như thùng đựng bia lon ngày nay. Khi mở ra, họ đếm được tổng cộng 24 thanh vàng thỏi. Và cũng như bức tượng Phật, Roxas vận chuyển tất cả các thùng vàng về nhà.
Bên cạnh đó, ông còn lấy 1 thanh kiếm Samurai, vài cái lưỡi lê cùng một số vật dụng thường ngày của lính Nhật như chén ăn cơm, bi-đông đựng nước, rồi cho nổ mìn bít kín lối vào vì Roxas biết những gì ông đã lấy, chỉ là một phần nhỏ trong kho vàng của tướng Yamashita.
Trong những tuần tiếp theo, Roxas 2 lần đến tòa án Baguio tìm thẩm phán Pio Marcos để báo cáo kết quả đào bới kho vàng, cũng như xin công nhận phần tài sản hợp pháp của ông nhưng không gặp được Pio Marcos. Để có tiền trả lương công nhân, Roxas bán 7 thanh vàng rồi hứa sẽ thưởng thêm cho họ hậu hĩnh khi ông bán xong tượng Phật.
Đầu tháng 3/1971, Roxas tìm được người mua bức tượng. Đó là Kenneth Cheatham, đại diện cho một công ty Anh quốc. Bằng cách khoan một lỗ nhỏ dưới cánh tay trái của bức tượng rồi đưa đi phân tích, Kenneth Cheatham xác nhận nó bằng vàng nguyên chất với tỉ lệ 99,99%. Một người mua khác là Luis Mendoza cũng kiểm tra bằng cách sử dụng axít nitric. Theo Luis Mendoza, nó là vàng nguyên khối, tỉ lệ trên 99%.
Tai họa
2 giờ 30 sáng ngày 5/4/1971, một nhóm người mặc quân phục đến gõ cửa nhà Roxas ở Aurora Hill, thành phố Baguio. Họ giới thiệu họ thuộc Cục Điều tra hình sự quân đội Philippines rồi hỏi về kho vàng của tướng Yamashita. Khi Roxas đưa ra tờ giấy phép do thẩm phán Pio Marcos ký để chứng tỏ việc làm của ông là hợp pháp thì họ tịch thu tờ giấy này. Lúc anh trai của Roxas phản ứng, họ đánh ông ta bất tỉnh bằng báng súng rồi lấy đi bức tượng Phật, tất cả các thùng vàng và thanh kiếm Samurai.
Vợ chồng cựu Tổng thống Ferdinand Marcos lúc sống lưu vong ở bang Hawaii.
Ngày 18/5/1971, ba sĩ quan Cục Điều tra hình sự quân đội Philippines quay lại, bắt giam Roxas. Họ tra tấn ông bằng cách dí đầu thuốc lá cháy đỏ vào người, đánh bằng dùi cui bọc cao su... để buộc ông phải khai ra vị trí đường hầm chôn giấu kho báu. Bởi lẽ, tất cả những công nhân mà Roxas thuê mướn, ngay khi hay tin Roxas bị bắt, họ trốn sang đảo Mindanao, ẩn náu trong Khu tự trị Hồi giáo nằm dưới quyền kiểm soát của Mặt trận dân tộc giải phóng Moro nên quân đội không thể nào tìm bắt họ được.Lập tức, Roxas gửi đơn kiện lên tòa án thành phố Baguio.
Ngày 19/4/1971, Cục Điều tra hình sự quân đội Philippines gửi trả tòa án Baguio bức tượng Phật nhưng theo Roxas, nó không phải là bức tượng mà ông đã tìm thấy vì nó chỉ được mạ vàng. Hơn nữa, khi so sánh nó với tấm hình ông chụp thì có nhiều chi tiết trên tượng không trùng khớp.
Đến cuối tháng 6, một quan chức vào nhà giam gặp Roxas, tự giới thiệu mình là “đại diện cho Tổng thống Ferdinand Marcos”, đề nghị Roxas chỉ cần ký tên xác nhận bức tượng Phật mà Cục Điều tra hình sự gửi trả tòa án Baguido, chính là bức tượng Roxas đã tìm thấy thì ông sẽ được tha, đồng thời còn được nhận 3 triệu peso (đơn vị tiền tệ Philippines - tương đương 470.000USD thời điểm ấy) nhưng Roxas từ chối.
Đêm 3/10/1971, với kỹ năng của một thợ sửa ống khóa, Roxas mở khóa cửa nhà giam, trốn thoát. Ông bị bắt lại vào tháng 5-1972 rồi tiếp tục bị giam và bị tra tấn để hỏi về vị trí kho vàng, cũng như phải xác nhận bức tượng Phật là vàng giả.
Đòi lại công lý
Tháng 2/1986, Tổng thống Ferdinad Marcos bị lật đổ. Được người Mỹ bảo trợ, Marcos cùng vợ là Imeda chạy đến quần đảo Hawaii sống lưu vong. Theo hồ sơ của Hải quan Mỹ, khi nhập cảnh Hawaii, vợ chồng Tổng thống Marcos mang theo 12 va li và 23 thùng gỗ, bên trong có 413 món đồ trang sức, tất cả đều bằng vàng nạm kim cương, 24 thỏi vàng, 27 triệu peso cùng nhiều đồ vật quý giá khác. Đó là kết quả của sự tham nhũng trong suốt những năm Marcos cầm quyền.
Tháng 3/1988, Roxas nộp đơn khởi kiện cựu Tổng thống Marcos lên tòa án bang Hawaii, Mỹ, vì đã chiếm đoạt bức tượng Phật bằng vàng cùng 17 thanh vàng thỏi do ông tìm được.
Sau gần 2 năm xác minh, tìm hiểu các chứng cứ - trong đó đáng kể nhất là lời khai của Kenneth Cheatham và Luis Mendoza - hai nhà buôn đã lấy mẫu trong tượng để đo độ tinh khiết của vàng, cùng lời khai của những sĩ quan cận vệ cựu Tổng thống Marcos, rằng nhiều lần họ nhìn thấy bức tượng Phật trong tư dinh Marcos, thậm chí một sĩ quan còn cung cấp cho tòa án tấm hình Ferdinand Marcos chụp cạnh bức tượng này. Tiến hành đối chiếu, hội đồng xét xử nhận thấy nó hoàn toàn phù hợp với hình Roxas chụp ngày 24/1/1971.
Ngày 28/9/1989, tại Hawaii, cựu Tổng thống Marcos chết vì suy tim, suy thận. 1 năm sau - 1990 - tòa án Honolulu, bang Hawaii mới chính thức thụ lý vụ kiện. Tháng 9/1993, Roxas qua đời vì bệnh lao - nhưng có thông tin nói rằng ông bị những người vẫn còn trung thành với cựu Tổng thống Ferdinand Marcos ám sát nhằm triệt tiêu vụ kiện.
Thông tin ấy xem ra có cơ sở bởi lẽ vài tháng trước khi chết, Roxas làm thủ tục, ủy quyền cho tổ hợp luật The Gold Budha Coporation thay mặt ông, đòi lại công lý. Mãi đến năm 1996, tòa án Honolulu mới mở phiên xét xử, buộc vợ cựu Tổng thống Marcos là Imeda phải bồi thường cho Roxas 22 tỉ USD.
Ngày 17/11/1998, tòa tối cao bang Hawaii sửa lại bản án của tòa Honolulu. Lần này, vợ Marcos phải bồi thường cho Roxas 41 tỉ USD. Do Imeda kháng án nên ngày 20-2-2000, tòa tối cao bang Hawaii đã tiến hành một phiên điều trần nhằm xác định lại giá trị của bức tượng Phật và 17 thỏi vàng.
Cũng tại phiên điều trần, luật sư Felix Dacanay yêu cầu tòa tối cao ra phán quyết, buộc vợ cựu Tổng thống Ferdinand Macos phải bồi thường cho Roxas thêm 6 triệu USD vì đã bắt giam, tra tấn trái phép.
Ngày 25/11/2015, tòa tối cao bang Hawaii chấp thuận yêu cầu của luật sư Felix Dacanay và tổ hợp luật The Gold Budha Coporation. Ông Ninth Circuit, thẩm phán chủ tọa phiên tòa tuyên bố: “Một phần kho báu của Yamashita đã được Roxas phát hiện rồi sau đó, bị cựu Tổng thống Ferdinad Marcos dùng vũ lực để chiếm đoạt”.
Tuy nhiên luật sư James Paul Linn, thuộc tổ hợp luật The Gold Budha Coporation nói: “Tài sản của vợ chồng Ferdinand Marcos hiện nay chỉ gồm những bất động sản, nhưng nó đã thuộc quyền quản lý và đứng tên bởi Chính phủ Philippines sau ngày ông ta bị lật đổ nên không thể phát mãi. Ông Roxas thắng kiện nhưng bà Imeda Marcos, nay đã 89 tuổi, không còn tiền để bồi thường…”.
Theo các thợ săn kho báu, có khoảng 172 địa điểm ở Philippines được cho là nơi chôn giấu kho vàng của tướng Yamashita, trong đó có 18 tượng Phật bằng vàng, cướp tại Miến Điện (Myanmar hiện nay). Tất cả vẫn nằm đó, đợi ngày xuất hiện…
Theo History/ The Gold Budha/ An ninh thế giới