Đánh thuế thu nhập trên lãi tiết kiệm: Lợi ít hại nhiều!
(Dân trí) - Theo Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân vừa được Bộ Tài chính công bố thì nhà nước sẽ đánh thuế trên phần lãi thu được của người gửi tiền tiết kiệm ngân hàng. Quy định này hiện đang được dư luận rất quan tâm và gây nhiều tranh cãi.
Lý do phải thu thuế từ lãi suất tiết kiệm
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, người chủ trì và trực tiếp tham gia ban soạn thảo dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân thì quy định này được đưa ra nhằm bảo đảm tính công bằng xã hội. Bất kỳ ai có thu nhập trong mức chịu thuế đều phải nộp 1 phần nghĩa vụ với nhà nước.
“Bởi nếu không đánh thuế vào phần lãi gửi tiết kiệm thì những người làm công ăn lương, có thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/tháng đã phải đóng thuế. Trong khi một người có thu nhập từ tiền lãi gửi tiết kiệm hàng chục triệu mà không nộp thuế” - ông Trung lý giải.
Theo dự thảo thì thuế suất đối với đối tượng này dự kiến là 5% và ước tính tổng số tiền gửi tiết kiệm của một cá nhân phải lên đến 700 - 800 triệu đồng trở lên thì mới phải nộp thuế.
Lợi bất cập hại
Tuy nhiên ngay khi dự luật được công bố, dư luận đặc biệt là giới ngân hàng tỏ ra lo ngại bởi quy định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của họ. Nhiều ý kiến còn cho rằng, trên thực tế quy định này sẽ rất khó thực hiện bởi các lý do sau.
Nền kinh tế quốc dân sẽ bị ảnh hưởng
Một thực tế mà ngay Thứ trưởng Trương Chí Trung cũng phải thừa nhận đó là đối tượng có tiền gửi tiết kiệm thường là những người không có cơ hội kinh doanh, đầu tư nên họ “buộc phải” gửi tiết kiệm để lấy lãi tiêu dùng theo kiểu “ăn chắc mặc bền”.
“Nếu bây giờ nhà nước quyết định thu thuế trên phần lãi đó, rất có thể nhiều người dân sẽ không đem tiền gửi vào ngân hàng nữa mà họ sẽ chuyển sang tích trữ bằng các hình thức khác như đầu tư bất động sản, chứng khoán, trữ vàng hoặc USD…” - đại diện 1 ngân hàng cho biết.
Để huy động được vốn nhàn rỗi trong dân, từ đầu năm đến nay các ngân hàng liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi để thu hút khách, thế nên nếu thông qua dự thảo này thì chắc hẳn đây sẽ là 1 gáo nước lạnh dội vào hoạt động kinh doanh của họ.
Hơn thế, nhìn về tầm vĩ mô, tiền trong dân không được lưu thông khiến hiệu quả quay vòng vốn thấp, tình thế này buộc các ngân hàng tiếp tục chạy đua “cuộc chiến” khuyến mãi rồi tăng lãi suất huy động. Mà ai cũng có thể hiểu tăng lãi suất huy động sẽ đồng thời với việc tăng lãi suất cho vay. Và lẽ đương nhiên giá cả sinh hoạt leo thang kéo theo đồng tiền mất giá.
Thuế chồng lên thuế
Trong khi chúng ta đang tìm cách hạn chế đến mức thấp nhất hiện trạng “thuế đánh chồng lên thuế” thì nếu dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân được thông qua chắc chắn hiện tượng này tiếp tục xảy ra.
Dự thảo quy định tất cả các hoạt động kinh doanh phát sinh thu nhập sẽ phải chịu thuế. Như vậy một người dân mua, bán một căn nhà, hay một mảnh đất thì sẽ phải chịu một khoản thuế thu nhập bất thường từ chuyển đổi bất động sản là 25%. Sau đó, người dân mang chính khoản tiền bán nhà, đất đi gửi tiết kiệm thì lại tiếp tục bị đánh thuế thu nhập 5% nữa.
Như vậy trong trường hợp này có hiện tượng “thuế chồng thuế” ngay tại một sắc thuế. Vấn đề đặt ra là cần phải nghiên cứu toàn diện để loại bỏ tính trùng trước khi thông qua để tránh thiệt thòi cho người dân.
Thiếu tính khả thi
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc “với khoản tiền lớn, người gửi có thể “lách luật” bằng cách chia thành nhiều tài khoản khác nhau?” thứ trưởng Trương Chí Trung khẳng định: ban soạn thảo đã lường trước được vấn đề này.
Ông Trung đưa ra giải pháp dự kiến sẽ áp dụng là khấu trừ tại nguồn của các sổ tiết kiệm khi người dân đem gửi. Đến kỳ tính lãi, ngân hàng sẽ tổng hợp lại để tính thuế, còn nếu chưa đạt đến con số 700 - 800 triệu đồng thì sẽ trả lại khoản khấu trừ đó.
Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng khi áp dụng cách trên sẽ rất khó đối với trường hợp người dân chia nhỏ tài khoản rồi gửi tại nhiều ngân hàng hoặc cho nhiều người thân đứng tên hộ. Đấy là còn chưa loại trừ trong một chừng mực nào đó ngân hàng cung cấp dịch vụ vì mục đích huy động vốn họ sẽ không cung cấp bí mật khách hàng.
Minh Tuấn - Thanh Ngọc