Đánh thuế “công bằng” với tài nguyên
(Dân trí) - “Cách tính giá tài nguyên mới đơn thuần theo cơ chế thị trường, chỉ tính một phần nhỏ tài nguyên bị mất. Phải công bằng với tài nguyên…” - Chủ nhiệm UB Dân tộc Ksor’ Phước nêu quan điểm trong buổi thảo luận về Luật thuế tài nguyên tại Thường vụ QH hôm nay.
Dự thảo luật thuế tài nguyên đề cập việc mở rộng đối tượng chịu thuế, trong đó có các loại tài nguyên như không khí, gió, kho số, tần số, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh thiên nhiên… Nhiều ý kiến nghi ngại cho rằng việc đưa không khí, gió vào đối tượng chịu thuế không khả thi.
Cơ quan thẩm tra, UB kinh tế - ngân sách, cũng nhận định, các loại tài nguyên như gió, năng lượng mặt trời là năng lượng sạch, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang khuyến khích sử dụng. Kho số, tần số… thì là những lĩnh vực mới, bước đầu được khai thác, nhà nước cũng đang áp dụng thu phí dử dụng. Do vậy, UB đề nghị hiện tại chưa nên bổ sung các đối tượng này vào diện chịu thuế.
Gây tranh luận nhiều hơn cả là nội dung về khung thuế suất. Biểu khung thuế suất trong dự thảo luật giữ như quy định hiện hành với 8 nhóm đối tượng chịu thuế. Khung thuế suất được áp dụng theo các nhóm, không có khung cho từng đối tượng chịu thuế. Chính phủ quyết định mức thuế suất cụ thể tại từng thời điểm đối với từng đối tượng chịu thuế.
Dầu khí là một loại tài nguyên đặc thù cần cơ chế điều chỉnh riêng.
UB kinh tế - ngân sách không tán thành, đề nghị rà soát và luật hoá các đối tượng chịu thuế nhằm bảo đảm tính cụ thể, minh bạch của luật; không quy định một khung chung chung. Cơ quan thẩm tra dự án luật cũng cho rằng, không giao Chính phủ quyết định mức thuế suất mà vấn đề thuộc thẩm quyền của UB thường vụ QH.
Chủ nhiệm UB Dân nguyện Trần Thế Vượng phân tích thêm, nếu cần có sự điều chỉnh ngắn hạn, UB thường vụ vẫn có thể dễ dàng quyết định vì thường vụ họp hàng tháng, thủ tục không có gì phức tạp.
Biên độ khung thuế suất với các loại tài nguyên cơ bản cũng được đánh giá quá rộng (dầu thô 6 - 30%, khoáng sản kim loại 5 - 30%, gỗ 10 - 40%...) có thể tạo sự linh hoạt trong điều hành nhưng lại không chặt chẽ, có thể dẫn đến áp thuế không công bằng.
Chủ nhiệm UB dân tộc Ksor’ Phước không đồng tình ở khía cạnh cách tính giá tài nguyên mới đơn thuần theo cơ chế thị trường, chỉ tính một phần nhỏ tài nguyên bị mất, không tính cả những vấn đề đi kèm.
Ông Phước lấy ví dụ: “Để đưa được 1 cây gỗ ra khỏi rừng, ít nhất 10 cây khác bị chặt hạ. Thái độ của ta thế nào với số cây này, đó cũng là tài nguyên từ rừng. Phải công bằng với tài nguyên, công bằng cho cả đất nước”.
Ông Phước cũng nêu quan điểm, với những loại tài nguyên không tái tạo mức sàn áp thuế phải từ 5% trở lên, không thể có mức 0 - 2% như dự thảo, mức trần cũng phải 40% trở lên.
Tuy nhiên, thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hứa Đức Nhị nêu quan điểm ngược lại. Thuế cao có 2 mặt, hạn chế được hoạt động khai thác nhưng lại “kích thích” lâm tặc vì tư tưởng cố trốn thuế. Ông Nhị nhận xét mức thuế áp cho nhóm hàng gỗ quá cao, kiến nghị hạ xuống mức hợp lý vì đây là loại tài nguyên tái tạo được.
Tương tự, nhóm hàng thuỷ sản tự nhiên, UB thường vụ QH cũng nêu chủ trương tăng mức miễn giảm thuế tài nguyên. Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng mức miễn thuế 5 năm đầu, giảm 50% trong 5 năm tiếp theo đối với tàu đánh bắt xa bờ vẫn chưa khả thi. Miễn hẳn hoặc giảm hẳn 50% thuế, theo ông Hiền để khuyến khích ngư dân tới những vùng biển xa, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Đại diện cơ quan soạn thảo dự án luật, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh xác nhận, không chỉ tàu đánh bắt xa bờ, những vùng chồng lấn trong thăm dò, khai thác dầu khí, hạ thuế, khuyến khích đầu tư cũng để giữ chủ quyền.
P.Thảo