Đằng sau sự kiện Việt Nam điện đàm cùng bộ tứ kim cương

Công nhân Việt Nam thích làm việc tại các nhà máy gần nhà trong khi công nhân Trung Quốc chấp nhận làm xa hàng ngàn km trong một thời gian dài.

Trong nỗ lực tránh phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Trung Quốc (TQ), các nước đang lên kế hoạch thành lập “mạng lưới kinh tế thịnh vượng” bằng cuộc đối thoại nhóm “Bộ tứ kim cương” (nhóm QUAD). Bộ tứ này bao gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ. Vừa qua, QUAD đã có cuộc điện đàm không chính thức với Việt Nam (VN), Hàn Quốc và New Zealand.

Trong góc nhìn của mình, TS Burkhard Schrage, khoa Kinh doanh và quản trị ĐH  RMIT VN, đánh giá đây là cơ hội cho VN tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam nên cạnh tranh bằng sự khác biệt

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về cơ hội của VN khi được mời tham gia cuộc điện đàm với bộ tứ kim cương về việc chống dịch Covid-19 và phục hồi sau dịch?

Đằng sau sự kiện Việt Nam điện đàm cùng bộ tứ kim cương - 1

+ TS Burkhard Schrage: TQ vẫn là nguồn nhập khẩu chính cho các nước trong bộ tứ kim cương với tỉ lệ 16%-25% tổng nhập khẩu. Điều này tạo ra một số sự phụ thuộc kinh tế làm giảm đi tầm ảnh hưởng về mặt kinh tế, chính trị và ngoại giao của các nước này.

VN là ứng cử viên rất tốt để giúp bộ tứ kim cương giảm bớt sự phụ thuộc vào TQ. Đây là một quốc gia có nguồn nhân lực dồi dào với kỹ năng tốt, thiết lập được khá nhiều hiệp định thương mại tự do, một nền kinh tế linh hoạt có thể đáp ứng nhanh chóng tốc độ đổi mới sản phẩm.

Điều quan trọng đằng sau lời mời VN tham gia thảo luận cùng bộ tứ kim cương không chỉ nằm trong động lực kinh tế mà còn ở chỗ các thành viên có cùng các mục tiêu về chính sách thương mại. VN còn phụ thuộc vào hàng nhập khẩu TQ hơn cả các nước trong bộ tứ kim cương, do đó VN có các lợi ích tương đồng các thành viên trong nhóm này.

Các nước như Ấn Độ, Indonesia đang cạnh tranh rất mạnh với VN để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dịch chuyển bằng cách chuẩn bị cơ sở hạ tầng, đi chào mời trực tiếp các doanh nghiệp Mỹ vào đầu tư… Vậy VN nên đi theo bước này hay tạo ra sự khác biệt nào, thưa ông?

+ Để cạnh tranh, tôi cho rằng VN cần phải làm nhiều hơn cả việc chuẩn bị một cơ sở hạ tầng tốt. Vì đầu tư hạ tầng là cần thiết nhưng không phải là lợi thế cạnh tranh có tính khác biệt.

Sự khác biệt nằm trong các nhân tố như đề ra các quy định khuyến khích đầu tư có năng suất cao, hướng đến đầu vào sản xuất và kinh doanh chất lượng cao, tinh tế trong việc phục vụ nhu cầu khách hàng. Đặc biệt, tính khác biệt còn nằm ở tính sẵn có các nhà cung cấp lẫn các ngành công nghiệp phụ trợ.

Khi VN có các nhân tố khác biệt này so với Ấn Độ và Indonesia thì chắc chắn có lợi thế cạnh tranh quốc gia. Chẳng hạn, các trang trại cà phê VN có năng suất khoảng 2,3 tấn/ha, là một trong những nước có năng suất cao nhất, trong khi Indonesia chỉ khoảng 1 tấn. Như vậy, VN có lợi thế hơn Indonesia trong việc thu hút dòng vốn FDI trong ngành công nghiệp cà phê.

Đằng sau sự kiện Việt Nam điện đàm cùng bộ tứ kim cương - 2

Nhiều ông lớn nước ngoài tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Trong ảnh: Công nhân Samsung với điện thoại thông minh sản xuất tại nước ta. Ảnh: SS

Vẫn còn nhiều rào cản “đại bàng” đến làm tổ

Gần đây các nhà đầu tư đều bày tỏ tin tưởng, coi VN là điểm đến an toàn nên có cơ hội đón sóng đầu tư hậu Covid-19. Song để thu hút các “đại bàng” đến làm tổ không dễ, thưa ông?

+ Hãy xem xét quyết định gần đây của Apple chọn VN để sản xuất chiếc tai nghe AirPods. Đây là một kế hoạch đã thực hiện dài hơi trước đó chứ không phải bột phát. Từ năm ngoái, các nhà cung ứng của Apple gồm GoerTek, Luxshare Precision Industry và Inventec đã chạy đua xây dựng nhà máy tại VN.

Đáng chú ý hơn, Merry Electronics, nhà cung cấp linh kiện âm thanh quan trọng cho AirPods, cũng đang xây dựng một địa điểm sản xuất gần các nhà cung ứng trên tại VN. Như vậy, Apple đang dần hoàn thiện chuỗi cung ứng âm thanh tại VN, do đó gia tăng đáng kể giá trị gia tăng, dịch chuyển từ “Assembled in Vietnam” (lắp ráp tại VN)sang “Made in Vietnam” (sản xuất tại VN).

Khi VN đã có công nghệ và năng lực sản xuất các tai nghe chất lượng cao, không có lý do nào không hấp dẫn các nhà sản xuất tai nghe khác đến VN. Đây chỉ là một ví dụ.

Trên thực tế đã có các cụm công nghiệp đủ các lĩnh vực đã được hình thành hay chớm nở tại VN. Bằng việc xem xét các cụm công nghiệp này và hiểu được thế mạnh cạnh tranh của chúng cả hiện tại lẫn tương lai sẽ là cơ sở để Chính phủ tập trung vào việc thu hút dòng vốn FDI.

TQ là một công xưởng lớn. Nếu VN đón làn sóng đầu tư dịch chuyển từ TQ sang, VN cần lưu ý điều gì?

+ Có rất nhiều điều quyến rũ các tập đoàn đa quốc gia chuyển nhà máy từ TQ sang VN. Chẳng hạn, chi phí nhân công tại VN chỉ khoảng 3 USD/giờ, thấp hơn một nửa so với TQ là 6,5 USD/giờ. VN có nhiều hiệp định thương mại tự do và nền giáo dục tốt.

Tuy nhiên, còn rất nhiều rào cản để vượt qua TQ. Điển hình, lực lượng lao động TQ lớn hơn 14 lần so với VN. Thêm nữa là sự khác biệt về văn hóa. Các công nhân VN thích làm việc tại các nhà máy gần nhà, trong khi công nhân TQ chấp nhận làm xa hàng ngàn kilomet trong một thời gian dài. Vì khả năng này cũng giúp giải thích một phần hình thành những khu vực sản xuất lớn tại các thành phố TQ như Thâm Quyến hoặc Quảng Châu.

Chẳng hạn, nhà máy Foxconn tại Thâm Quyến có đến 300.000-450.000 công nhân làm việc cũng nhờ vào lực lượng lao động chấp nhận đi làm xa. Nhà máy có kích cỡ sản xuất lớn phản ánh một nền kinh tế quy mô để tăng tính cạnh tranh. Và do đó, TQ dẫn đầu thế giới về sản xuất khi chiếm đến 70% sản lượng hay 85% năng lực sản xuất đèn Giáng sinh.

Khó có thể tưởng tượng VN có thiết lập một nhà máy tương tự về quy mô lớn đến vậy. Tuy nhiên, như tôi đã phân tích ở trên, VN vẫn có thể thay thế TQ là cơ sở sản xuất cho các tập đoàn đa quốc gia dựa trên lợi thế riêng có của mình. Tôi rất lạc quan VN đóng vai trò quan trọng gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Xin cám ơn tiến sĩ.

Nhân công giá rẻ không còn là lợi thế hàng đầu

Liệu rằng với hướng đi mới từ bộ tứ kim cương để tái cấu trúc chuỗi cung ứng, VN có khả năng thoát khỏi cái bẫy gia công, vốn chỉ hưởng rất ít giá trị gia tăng?

+ Trước đây, VN nhắm đến những nhà đầu tư nước ngoài muốn tìm kiếm chi phí lao động thấp. Song với xu hướng các nhà máy tự động hóa ngày càng gia tăng đầy hấp dẫn thì chi phí lao động trở nên không đáng kể, mà chính kỹ năng lao động mới là nhân tố để các FDI lựa chọn điểm đến đầu tư.

Với việc giảm bớt yếu tố nhân công giá rẻ, VN cần có chương trình phù hợp để nền kinh tế tăng trưởng một cách ổn định và bền vững. Nói cách khác, nâng cao kỹ năng và tay nghề lực lượng lao động là một tiền đề cơ bản để nắm bắt giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đi liền với đó là những cải cách chính sách, mà cần sự tham gia của các bên từ chính quyền, khu vực tư đến người lao động.

Tuy nhiên, tôi có chút băn khoăn về tính thực thi các khía cạnh khác như cải cách gia tăng tính minh bạch, cải thiện hiệu suất khu vực công, hay những nỗ lực cải cách thể chế vẫn còn chậm.

Lập tổ công tác đặc biệt đón nhà đầu tư

Thủ tướng Chính phủ mới đây đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt với một tư duy mới để đón sóng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài đang chuyển hướng mạnh mẽ sau dịch Covid-19. Thủ tướng giao bộ trưởng Bộ KH&ĐT chủ trì cùng lãnh đạo một số cơ quan.

“Khi các nước đang cạnh tranh quyết liệt, chúng ta phải có các ưu đãi mang tính cạnh tranh. Thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường, đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao...” - Thủ tướng nói.

Trên thực tế, doanh nghiệp nhiều nước đã tính đến phương án chuyển đầu tư ra khỏi TQ nhằm đa dạng hóa nguồn cung, giảm thiểu rủi ro. Đơn cử hai gã khổng lồ là Google và Microsoft đang chuyển một số dây chuyền sản xuất từ TQ sang VN. Bên cạnh đó, một số ông lớn khác như Amazon, Home Depot… bắt đầu coi VN là một trong những điểm đến. 

 
Theo Phương Minh
Pháp luật TPHCM