Đằng sau câu chuyện về lô cá ngừ đầu tiên sang Nhật Bản
Tháng 8/2014, sản phẩm cá ngừ đại dương (CNĐD) nguyên con của tỉnh Bình Định lần đầu tiên lên máy bay xuất sang thị trường Nhật. Sự kiện “9 thùng CNĐD” đã hé mở cho thấy cung cách làm ăn thời hội nhập… không hề dễ dàng.
Chuyến buôn “lỗ chỏng gọng”
Điều đáng quan tâm, chi phí đưa số cá trên sang Nhật là 66.592.328 đồng, cao hơn hẳn giá mua vào (121,5%); trong đó chi phí vận chuyển hàng không (2 chặng) chiếm 40,26%; tại Nhật thì phí lưu kho, vận chuyển ngắn, thuế chiếm gần 32% tổng chi phí. Tóm lại, chưa tính công xá, thương vụ này đã bị lỗ vốn 7.815.378 đồng!
Sao khó “ăn” thế?
Còn ông Masakazu Shoga - chuyên gia thủy sản của Công ty Kato Office (TP.Osaka) thì… động viên: “Lô cá 10 con xuất thẳng sang Nhật có chất lượng tốt hơn nhiều so với cá mà ngư dân Bình Định đánh bắt theo kiểu truyền thống. Thân cá có nhiều màu sắc, mắt cá sáng hơn, tuy nhiên, vẫn chưa đạt chất lượng người Nhật yêu cầu. Lần này số lượng cá đạt chuẩn tuy ít nhưng chúng tôi đánh giá cao sự cố gắng của các bạn. Mong rằng ở những lần sau, 100% số cá đánh bắt sẽ được tiêu thụ ở thị trường Nhật”.
Gian nan đổi vận “bò gù”
Ngư dân Nam Trung Bộ vẫn quen gọi cá ngừ đại dương là cá bò gù. Xuất phát từ Phú Yên năm 1994, nghề câu bò gù đã trở thành thế mạnh đặc trưng của ngư dân 3 tỉnh Nam Trung Bộ (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) trong suốt 20 năm qua. Dù chưa tìm được “giá trị đích thực” nhưng CNĐD vẫn là 1 trong 3 mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Những ngày biển động giáp tết cũng là chính vụ của vùng trọng điểm nghề CNĐD Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn, Bình Định) tất bật vào mùa biển mới. Anh Nguyễn Quê (33 tuổi) - thuyền trưởng tàu cá BĐ-96776 cho biết, câu CNĐD kiểu mới rất mệt nhọc và “lâu đồng tiền”. Cụ thể, câu kiểu cũ chỉ 3 - 5 phút/con, còn kiểu mới phải mất 10 - 15 phút/con. Kiểu cũ chỉ cần “kéo nhanh, đập đầu, ướp đá” là xong; còn kiểu mới phải “mềm nắn, rắn buông” để không giảm chất lượng thịt cá, rồi phải qua công đoạn thông não, xả huyết, cắt vây đuôi, mổ nội tạng, ngâm hạ nhiệt… Nói chung, “quá sức râu ria”; trong lúc trên tàu lúc nào cũng có sẵn 8 - 10 bộ câu kiểu “lâu nay”…
Còn nhớ, sau 3 chuyến biển thực hiện câu CNĐD kiểu Nhật, ông La Tình (44 tuổi) - chủ 4 tàu CNĐD tại Tam Quan Bắc nói với phóng viên NTNN: “Tháng tới, tôi ra tàu câu chuyến thứ 4 theo công nghệ Nhật. Nếu không hiệu quả, chắc phải… “bỏ của chạy lấy người”, trở lại kiểu câu đèn truyền thống. Bởi câu và bảo quản cá kiểu Nhật quá phức tạp, sản lượng và lợi nhuận lại kém hơn hẳn kiểu làm lâu nay”. Tuy nhiên, dần vào lúc CNĐD trúng vụ, ông Tình nói: “Hiện chúng tôi đã quen dần với việc đánh bắt bò gù kiểu Nhật. Thế nhưng hiện chỉ mỗi Bidifisco mua cá đi Nhật, chúng tôi vẫn ngại chuyện bị ép giá...”.
Ông Tình và ông Quê là 2 trong 5 chủ tàu được tỉnh Bình Định cấp bộ thiết bị câu kiểu Nhật (250 triệu đồng/bộ), được huấn luyện cụ thể phương pháp sử dụng và có sản phẩm trong “10 con đi Nhật”. Theo các ngư dân, giá cá câu đèn truyền thống hiện được thị trường mua ở mức 100.000 đồng/kg; trong lúc cá câu kiểu Nhật chỉ được mua ở mức 120.000 đồng/kg, mà sản lượng đánh bắt kiểu Nhật luôn chỉ bằng 1/3 kiểu câu đèn truyền thống…
Trong khi đó, làm việc tại Bình Định, ông Hirosuke Kato - Chủ tịch HĐQT Công ty Kato Office (Nhật) cho biết đã nắm bắt “sâu sắc” những vướng mắc trong quá trình thực hiện tham vọng nâng cao giá trị CNĐD của tỉnh này. Thời gian qua, nhiều chuyên gia thủy sản của công ty đã liên tục kết nối, làm việc với các cơ quan chức năng và ngư dân Bình Định. Họ giải đáp cặn kẽ những thắc mắc của bà con về việc câu theo công nghệ Nhật, đặc biệt là tìm cách để nâng cao giá mua CNĐD chất lượng tốt, thu hút ngư dân tham gia vào mô hình đánh bắt mới. “Doanh nghiệp hai bên phải tìm cách để ít tốn kém chi phí nhất khi đưa cá sang Nhật bán. Có như vậy, mới đảm bảo hiệu quả kinh tế, mới mua cá của ngư dân với giá cao hợp lý” - ông Kato nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định: “Vấn đề cốt yếu ở đây là phải mua cá của ngư dân với giá tương xứng. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa người sang Nhật tập huấn để có thể trực tiếp thẩm định được chất lượng CNĐD tại tỉnh, mạnh dạn mua giá cao ngay tại chỗ. Thay đổi một nếp nghĩ, nếp làm là bài toán hóc búa nhưng tất cả đang kiên trì để có đáp số”. |
Theo Hùng Phiên