1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đáng ngại nhất là tình trạng “trì lạm”!

(Dân trí) - Vừa trì trệ vừa lạm phát là một hiện tượng cực kỳ khó trị vì nó vô hiệu hóa tất cả các công cụ, chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá. Do đó phải kiểm soát cho được vấn đề tăng giá, không thể để mức tăng giá bình quân mỗi tháng 0,7%.

Đại biểu Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM đã đưa ra những phân tích trên trong buổi thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội ngày 27/5.
 
Theo TS. Trần Du Lịch, nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu phục hồi tuy rất yếu, nếu xét về diễn biến tình hình của các tháng từ tháng 2 đến tháng 5. Do khả năng phục hồi sự suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ diễn ra yếu ớt và trong nhiều năm nên nền kinh tế của ta rất dễ rơi vào tình trạng phục hồi nhưng chậm, có nghĩa là trì trệ.
 
Chính vì thế, ông Lịch cho rằng, vấn đề còn nghiêm trọng hơn tái lạm phát, nếu chúng ta không kiểm soát được giá cả để năm 2009 chỉ số tăng giá trên 10%, trong điều kiện kinh tế chỉ tăng trưởng 4 - 5%.
 
Đáng ngại nhất là tình trạng “trì lạm”! - 1
TS Trần Du Lịch: "tỉ lệ bán thất nghiệp sẽ tăng rất cao" (Ảnh: Việt Hưng).
 
Khi đó chúng ta thực sự rơi vào tình trạng, hiện tượng mà ông gọi là “trì lạm”, tức là vừa trì trệ vừa lạm phát. “Đây là một hiện tượng cực kỳ khó trị vì nó vô hiệu hóa tất cả các công cụ, chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá”, ông Lịch phân tích.
 
Ông Lịch đề nghị phải quyết liệt điều chỉnh chỉ tiêu tăng giá tức CPI dưới 10% và kiểm soát cho được, không để mức tăng giá bình quân mỗi tháng 0,7%. Đây là một điều kiện rất quan trọng để ngăn chặn tình trạng trì lạm của nền kinh tế.
 
Ông Lịch cũng đưa ra cảnh báo về khả năng thu hút vốn đầu tư sẽ rất chậm và diễn ra 2 tình huống hoặc là không hấp thụ được hoặc là sử dụng không hiệu quả. Đặc biệt, theo ông phải coi chừng dòng vốn không chảy vào đầu tư mà chảy vào đầu cơ.
 
Hiện nay chúng ta “bơm” cả hai kênh, tức kênh tín dụng ngân hàng, kênh ngân sách và nếu không kiểm soát kĩ tình trạng trên sẽ diễn ra.
 
Vấn đề đáng ngại nữa được ông Lịch dự báo là tỷ lệ bán thất nghiệp sẽ tăng rất cao. Bởi lẽ, nếu kinh tế tăng trưởng dưới 6% một năm chúng ta không có khả năng giải quyết hơn 1 triệu lao động đến tuổi mỗi năm cộng với lao động từ nông thôn.
 
Theo ông Lịch, đây là vấn đề rất quan trọng, nhưng trong báo cáo của Chính phủ chưa thấy quan tâm, chưa điều chỉnh rõ ràng, chưa có phân giải, lí giải năm 2009 giải quyết việc làm bao nhiêu.
 
Riêng về việc sử dụng gói kích cầu liên quan đến bội chi ngân sách, ông Lịch quan điểm, vấn đề không phải là bội chi 7%, 8% hay 6% GDP. Quan trọng nhất hiện nay là tình trạng thiểu phát cho phép dùng công cụ tài khóa mở rộng để tăng đầu tư, để giải quyết bài toán tăng đầu tư vào các cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
 
Vấn đề lớn nhất của tăng bội chi theo ông Lịch là phải “sài” đúng mục đích, đúng đối tượng, bảo đảm như mục tiêu Chính phủ là vào hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vào nông thôn.
 
Từ đó, vị đại biểu này ủng hộ việc tăng bội chi, nhưng tăng có điều kiện. Ông tiếp tục kiến nghị Quốc hội thông qua bội chi ngân sách phải kèm theo những điều kiện của bội chi, tức chi vào cái gì, chi đúng mục tiêu, đúng mục đích và đặc biệt là không tăng việc chuyển nguồn qua năm sau.
 
Cấn Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm