Họp báo: Tăng giá điện có tính đến hỗ trợ cho người nghèo?

(Dân trí) - Chiều nay (1/12), lãnh đạo Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã trả lời một số câu hỏi của báo chí về quyết định tăng giá điện lên mức bình quân 1.710 đồng/kWh kể từ ngày 1/12 (tăng 6,08%).


Đại diện Bộ Công Thương, Cục Điều tiết điện lực và EVN trả lời báo chí

Đại diện Bộ Công Thương, Cục Điều tiết điện lực và EVN trả lời báo chí

Cụ thể, như Dân trí đã đưa tin trước đó, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc điều hành giá bán lẻ điện năm 2017 thì giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh với mức giá mới là 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh). Thời điểm điều chỉnh là từ 1/12/2017.

Bộ Công Thương cho biết, việc điều chỉnh giá bán điện lần này được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra bởi Tổ công tác liên Bộ, trong đó có xem xét đến các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017 theo quy định tại Quyết định số Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán điện lẻ bình quân.

Mức giá cho từng nhóm khách hàng được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ.

Tại cuộc họp, ông Trần Tuệ Quang, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, quy định mới về giá điện thì từng khung giá bán điện cho từng khách hàng như đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh doanh, sinh hoạt,…vẫn tương tự như trước đây.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương: Việc điều chỉnh tăng giá điện cũng dựa trên báo cáo đánh giá về giá thành điện năm 2016, được thực hiện bởi một tổ công tác do Bộ Công Thương thành lập với các đại diện từ Ủy Ban Kinh tế Quốc Hội, đại diện Hội Điện lực, VCCI, Mặt trận tổ quốc VN.

"Tổ công tác sau đó đã có kiểm tra để báo cáo với lãnh đạo Bộ. Sau khi kết thúc kiểm tra báo cáo giá thành thì có thông cáo báo chí gửi đến giới báo chí. Báo cáo này là một trong những cơ sở để quyết định tăng giá điện lần này nhưng không phải cơ sở duy nhất. Cụ thể, căn cứ quyết định 28, quyết định của Thủ tướng Chính phủ khung giá bán lẻ điện 2016 – 2020. Tiếp đó là kết quả kiểm tra giá thành điện năm 2016, cơ sở giá bán lẻ điện do EVN xây dựng. Làm sao để không phải xây dựng phương án tăng giá điện chỉ trong lần này mà xây dựng các phương án phát triển giá điện, xem xét ảnh hưởng đến chỉ số CPI, GDP,…", ông Tuấn nói.

Giá điện tăng có thu hút được thêm vốn đầu tư nước ngoài?

Tại cuộc họp, đại diện các cơ quan báo chí cũng đặt nhiều câu hỏi: Giá điện tăng 6,08% có đảm bảo thu hút đầu tư nước ngoài hay không vì hiện tại các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chê và chưa có nhà đầu tư nào vào?

Theo đại diện VTV, theo căn cứ tăng giá, điện lỗ 2016 nhưng xét tổng thể thì lãi 2.600 tỷ đồng, căn cứ đề xuất tăng giá chỉ phụ thuộc vào tình hình 2016 thôi hay chỉ vì 2016 mà không dựa vào 2014 hay 2015? Cơ sở pháp lý được tăng rồi nhưng có lộ trình hay không hay cứ lỗ lại tăng giá?

Báo Tuổi trẻ TP. HCM đặt câu hỏi: Trong báo cáo kết quả kinh doanh điện của EVN riêng lỗ điện là 593,46 tỷ đồng. Vậy bắt nguồn từ yếu tố nào vì từ giữa năm nhiều nhà máy thủy điện báo lãi và tình hình thủy văn cũng khá tốt? Lộ trình tăng giá điện cũng được nói suốt cả năm rồi nhưng công bố hôm trước hôm sau tăng giá thì hội bảo vệ người tiêu dùng có ý kiến như thế nào? Có phù hợp hay không?

Câu hỏi của báo Lao động: Có đánh giá tác động của việc tăng giá điện không khi gần đây có tăng giá xăng và giờ là tăng giá điện trong thời điểm cuối năm như thế này ?

Chưa trực tiếp trả lời thẳng vào các câu hỏi trên, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Phương án điều chỉnh giá điện lần này cũng đã được Thủ tướng chấp thuận. Đây là các cơ sở pháp lý quan trọng của tiến hành kiểm tra giá bán lẻ điện và tăng giá điện lần này.

Theo ông Tuấn, một trong những cơ chế thu hút đầu tư là điều hành giá điện phải theo những thông số yếu tố đầu vào: Chi phí mua điện từ các đơn vị phát điện trong đó có các yếu tố như tỷ giá, chi phí bán lẻ, chi phí mua điện trên thị trường điện,…

"Khi điều chỉnh cơ chế phù hợp thì tôi tin sẽ thu hút đầu tư vào ngành điện", ông Tuấn trả lời câu hỏi báo chí.

Cũng theo ông Tuấn, bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang tích cực trong thị trường bán buôn cạnh tranh để thu hút đầu tư trong ngành điện.

"Trong cơ cấu nguồn chúng tôi tính toán cho điện gió và điện mặt trời thì trong phương án giá điện 2017 thì điện mặt trời chưa có nhà máy điện nào lớn để phát điện còn điện gió thì đã và đang vận hành và tính toán giá thành 2017. Trong thời gian tiếp theo sẽ đưa vào tính toán giá thành điện gió trong những năm tới, điện gió thì đắt hơn giá điện của chúng ta hiện nay. Về lộ trình, Thủ tướng đã công bố, trong giai đoạn này chúng ta chỉ được điều chỉnh giá điện trong khung giá điện quy định còn tăng ngoài khung thì phải báo cáo Chính phủ", ông này nói.

Giá điện mới sẽ ảnh hưởng thế nào đến người nghèo?

Trả lời các câu hỏi về việc điều chỉnh giá điện có tính tới ảnh hưởng đến người có thu nhập thấp, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết: Theo thống kê 2016, có 5,4 triệu khách hàng tiêu thụ 50-100 kW/h. Với mức sống sinh hoạt hiện nay thì những hộ này còn ít nhưng đây là số liệu chính thức, dưới 50 kW/h thì 4,1 triệu hộ. Tới 200kW/h là 2 triệu hộ.

"Chính phủ hỗ trợ cho các hộ nghèo, chính sách mức 50kW/h của bậc thang đầu tiên, theo đó các hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 51.000 đồng/tháng. Đối tượng nào được hưởng thì theo quy định chung của Nhà nước. Tổng số tiền hỗ trợ là trên dưới 2500 tỷ đồng/năm", ông Tuấn nói.

Về câu hỏi tăng giá điện ảnh hưởng thế nào đến lạm phát, và chi phí sản xuất của doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn nói: "Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ ngành tham gia đóng góp ý kiến thì trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời thì giá điện làm tăng 0,07% giá sản xuất và làm tăng 0,08% CPI trong năm 2017".

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, trong 28,5 triệu hộ dùng điện thì cơ bản số hộ điện 78% dùng dưới 200 số điện. Theo tính toán của các chuyên gia thì CPI bị ảnh hưởng 0,1% còn GDP bị ảnh hưởng 0,166 %.

EVN vẫn còn treo khoản 9000 tỷ đồng lỗ tỷ giá

Theo ông Tuấn, ở thời điểm hiện nay, việc huy động vốn trong nước cho đầu tư phát triển nguồn điện là rất hãn hữu vì room trong ngành điện rất hạn chế hoặc không có.

"Cho nên có khi phải ký hợp đồng bằng ngoại tệ do đó những số dư hoặc sản xuất kinh doanh điện trong năm vẫn có hợp đồng vay bằng ngoại tệ thì vẫn biến động và thường là biến động lên vì tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong 2-3 năm nay vẫn tăng rất đáng kể, các số liệu vẫn tiếp tục tăng lên vì vẫn liên quan đến vay ngoại tệ", ông này nói.

Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, EVN vẫn còn treo 1 khoản 9000 tỷ đồng lỗ do biến động tỷ giá từ nhiều năm trước, đây là một con số rất lớn chưa được phân bổ vào giá thành điện. "Theo yêu cầu thì lỗ phải đưa vào biểu giá điện ngay lập tức nhưng Chính phủ không làm như vậy luôn mà Bộ Tài chính đã đưa vào trong từng năm và có lộ trình cụ thể", ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, khoản tiền EVN bị lỗ 9000 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá mà đưa ngay vào giá bán lẻ điện thì áp lực rất lớn cho nên trong những năm trước đây thì thực hiện theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ là giãn việc đưa chênh lệch tỷ giá vào giá điện, trong lần này chúng ta cũng chỉ mới đưa vào một phần.

"Riêng trong khâu phát điện thì chênh lệch tỷ giá năm trước sẽ được thanh toán trong năm sau và dự đoán 1 phần chênh lệch tỷ giá của năm 2016 và những năm trước cũng đã đưa vào 1 phần và theo lộ trình thì hàng năm sẽ đưa thêm vào biểu giá điện bán lẻ", ông Tuấn nói thêm.

Trả lời bổ sung, ông Nguyễn Cường Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: Lỗ tỷ giá thường xuyên xảy ra cho nên để giảm bớt áp lực thì cần phân bổ tỷ giá ra các năm khác nhau do đó cần dựa vào tình hình kinh doanh các năm để phân bổ cho phù hợp. Trong 2,8 tỷ hộ thì cơ bản số hộ điện 78% dùng dưới 200 số điện. Theo tính toán của các chuyên gia thì CPI bị ảnh hưởng 0,1% còn GDP bị ảnh hưởng 0,68%.

Giá điện hiện nay có minh bạch không?

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một thành viên trong Tổ công tác kiểm tra giá thành điện cho biết, nguyên lý tính giá điện hiện này tính tổng chi phí và tổng sản lượng sau đó chia ra.

"Ở Việt Nam, hiện tại tính như vậy do chưa xây dựng được giá điện cạnh tranh. Sau đó chúng tôi làm việc với các bên, thống nhất các nội dung. Về cơ bản thì EVN sẽ cung cấp cho các thành viên những thông tin ban đầu và thảo luận, chia nhóm. Theo đánh giá cá nhân của tôi thì tổ công tác làm việc nghiêm túc. Cũng có lúc có những thông tin không khớp thì chúng tôi yêu cầu điều chỉnh ngay", ông Đức nói.

Tuy nhiên, theo ông Đức, việc kiểm tra chi phí sản xuất điện đã minh bạch hơn so với trước đây nhưng vẫn có thể minh bạch hơn.

"Hàng năm chỉ có đại diện cho bên mua điện tham gia còn hiện tại khâu quyết định mức giá điện chỉ có bên bán điện tham gia là EVN chứ chưa có bên mua điện tham gia. Hiện tại, theo pháp luật của bí mật Nhà nước thì vẫn có tài liệu phương án giá điện thì vẫn là tài liệu mật, nên có sự tham gia đầy đủ và không nên để cơ chế mật như vậy", ông này nói.

Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng nói gì?

Cuối cuộc họp, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng cho biết: Giá điện tăng không chỉ liên quan trực tiếp đến đời sống người dân mà còn cho doanh nghiệp, nên sẽ ảnh hưởng đến mức giá mặt hàng.

"Giá bán chúng tôi không được tham gia quyết định giá bán, nếu được tham gia thì còn minh bạch hơn vì chúng tôi là đại diện khách hàng. Vì đây là mua bán mà, giá cả thì cần người mua và người bán thỏa thuận, người mua được mặc cả chứ không chỉ riêng người bán đưa ra giá và người mua chấp nhận", ông Hùng bày tỏ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực: "Điều hành giá điện theo yêu cầu thị trường, thì để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đời sống kinh doanh sản xuất trong từng mức độ ảnh hưởng đến các hộ sinh hoạt và đặc biệt là hộ khó khăn thì hiện nay đã được đánh giá, và chúng tôi cố gắng hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đời sống nhân dân".

Cuộc họp báo đã kết thúc vào 15 giờ 30 chiều nay (1/12).

Tác động việc tăng giá điện từ 1/12/2017: Các hộ nhóm kinh doanh dịch vụ tăng chi phí thêm 5,7%, khách hàng sản xuất là 1,4%, khách hàng sinh hoạt là các hộ sử dụng tới 50 kwh/tháng: tăng 3.250 đồng/tháng, tới 100 kwh là 6.600 đồng/tháng, 300 kwh là 23.000 đồng/tháng và tới 400 kwh là 34.800 đồng/tháng. Hiện có 5,4 triệu khách hàng chiếm 22,7% có tiêu thụ từ 50-100 kwh, Có 4,1 triệu hộ tiêu thụ (chiếm 17%) dưới 50 kwh Tới 200 là 5,2 triệu hộ. Tăng giá điện làm tăng 0,07% giá sản xuất và làm tăng 0,08% CPI trong năm 2017

Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách với mức dưới 50 kwh, được hỗ trợ 51 nghìn đồng/tháng. Có khoảng 3,5-4 triệu hộ được hỗ trợ với 2.500 tỷ đồng/năm.

Hồng Vân

Họp báo: Tăng giá điện có tính đến hỗ trợ cho người nghèo? - 2