Đáng báo động tại Trung Quốc: Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp đạt kỷ lục

Hạnh Vũ

(Dân trí) - Đây đang là mối quan tâm lớn bởi dự kiến có khoảng 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng trong năm nay tại Trung Quốc.

Theo Bloomberg, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục là 20,4% trong tháng 4. Điều đó cho thấy nền kinh tế nước này vẫn đang gặp khó khăn trong việc thu hút lao động mới ngay cả khi lực lượng lao động nói chung giảm. Bloomberg nhận định đây là một dấu hiệu nguy hiểm đối với Trung Quốc.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết vào mùa hè năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt kỷ lục là 19,9% bất chấp việc tỷ lệ thất nghiệp chung giảm 5,2%.

Fu Linghui - người phát ngôn của NBS, phát biểu trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh: "Cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để ổn định và mở rộng việc làm cho những người trẻ tuổi".

Dữ liệu trên nằm trong số những con số đáng thất vọng được công bố và cho thấy các vấn đề của khu vực tư nhân đang kìm hãm tăng trưởng tại Trung Quốc. Con số thanh niên thất nghiệp đang là mối quan tâm lớn bởi dự kiến có khoảng 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng trong năm nay tại đất nước tỷ dân.

Đáng báo động tại Trung Quốc: Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp đạt kỷ lục - 1

Một hội chợ việc làm tại Trung Quốc (Ảnh: Bloomberg).

Theo thống kê, số người lao động tại Trung Quốc đã giảm hơn 41 triệu trong 3 năm qua. Lý do đến từ thiệt hại liên quan tới đại dịch và sự già hóa của dân số Trung Quốc.

Dữ liệu được công bố vào đầu năm nay của NBS cho biết số lượng người Trung Quốc có việc làm vào năm 2022 là khoảng 733,5 triệu. Trong khi đó, con số này vào năm 2019 là 774,7 triệu.

Theo Ngân hàng Thế giới, chênh lệch giữa 2 con số này tương đương với toàn bộ lực lượng lao động của Đức (khoảng 44 triệu người) vào năm 2021.

Tờ Reuters đưa tin dữ liệu công bố ngày 16/5 cho thấy tăng trưởng sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tháng 4 của Trung Quốc thấp hơn dự báo, cho thấy nền kinh tế này đã mất thêm động lực vào đầu quý II.

Ngoài ra, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản - trụ cột chính của nền kinh tế Trung Quốc, đã giảm 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi giảm 7,2% trong tháng 3, theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu chính thức. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc các nhà đầu tư vẫn còn thận trọng.

Theo dữ liệu của NBS, sản lượng công nghiệp tại Trung Quốc đã tăng 5,6% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng về mức tăng 10,9% của các nhà phân tích của Reuters dù nó đánh dấu tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng 9/2022. Trong khi đó, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc tăng 18,4%, tăng mạnh từ mức tăng 10,6% vào tháng 3.

Bruce Pang - chuyên gia tại tập đoàn dịch vụ bất động sản Jones Lang Lasalle, cho biết: "Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái nhưng với tốc độ chậm hơn do sự phục hồi chậm".

Ngoài các điều kiện nhu cầu trong nước và toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc còn phải đối mặt với ảnh hưởng từ sự thất bại gần đây của các ngân hàng phương Tây, chi phí vay nợ toàn cầu cao và cuộc xung đột Nga - Ukraine. Nợ trong nước cao và thị trường bất động sản vẫn chưa ổn định cũng là những mối lo ngại khác.

Tỷ lệ tuyển dụng vẫn đang ở mức thấp trong bối cảnh các công ty thận trọng về tình hình tài chính của mình. Zhiwei Zhang - chuyên gia tại công ty quản lý tài sản Pinpoint Asset Management, gọi đây là "dấu hiệu đáng lo ngại". "Một số nhà nghiên cứu thị trường đã kêu gọi cần có thêm các biện pháp như phát phiếu giảm giá để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước. Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn khoảng 5% vào năm nay sau khi bỏ lỡ mục tiêu năm ngoái", Zhang cho biết thêm.

Theo Bloomberg