Dân vùng Vịnh ngày càng chuộng rau quả Việt Nam
(Dân trí) - Nếu doanh nghiệp Việt Nam biết thay đổi đúng hướng trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu và tận dụng lợi thế sẵn có (những loại hoa quả đặc sản) thì tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang thị trường GCC là không nhỏ.
Thời gian quan, xuất khẩu hàng rau quả luôn đạt mức tăng trưởng cao khoảng trên 30%/năm, nhưng lại bị phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống lớn như Trung Quốc (30%), Nhật Bản (5%), Hàn Quốc (4%), Đài Loan (2%)…. Nguyên nhân là do thói quen trong canh tác các sản phẩm rau quả, trong giao dịch buôn bán và nhất là do năng lực thu hoạch và bảo quản yếu kém trong khi hàng rau quả lại là mặt hàng dễ hư hỏng.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2013, xuất khẩu hàng rau quả mới chỉ sang được 13/15 thị trường khu vực Trung Đông với tổng kim ngạch đạt 20,7 triệu USD. Trong số đó, Ả-rập Xê-út là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt trên 9,0 triệu USD, tiếp đến là Các Tiểu vương quốc A rập thống nhất (UAE) với kim ngạch 7,5 triệu USD. Hai thị trường này chiếm gần 80% xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang các nước vùng Vịnh (GCC).
Năm 2014, hàng rau quả của Việt Nam tiếp tục được xuất khẩu sang 13/15 thị trường khu vực Trung Đông này với tổng kim ngạch đạt 40,9 triệu USD. Riêng xuất khẩu sang 6 thị trường GCC đạt kim ngạch đạt 31,9 triệu USD, chiếm 78% kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Đông. Đáng chú ý là xuất khẩu rau quả sang UAE và Ả-rập Xê-út đều tăng rất nhanh, với kim ngạch lần lượt là 14,2 và 12,7 triệu USD. UAE đã vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam trong khu vực.
Theo số liệu của Trung tâm thương mại quốc tế, năm 2013 các nước GCC nhập khẩu khoảng 5.457 triệu USD trị giá các mặt hàng rau của quả, hoa cây cảnh. Trong đó mặt hàng trái cây chiếm tỉ trọng lớn nhất chiếm 62% tổng kim ngạch nhập khẩu rau, củ, hoa quả.
Xét về quy mô thị trường trong 6 thị trường GCC thì UAE và Ả-rập Xê-út là hai thị trường nhập khẩu rau, củ quả lớn nhất khi chiếm lần lượt là 45% và 31% tổng kim ngạch, những nước còn lại chiếm dưới 10%. Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng trưởng thì thị trường Ả-rập Xê-út lại có kim ngạch nhập khẩu tăng trưởng nhanh nhất đặc biệt là các loại hoa, cây cảnh và trái cây. Nguyên nhân là do xu thế mở cửa ngày càng rộng, lượng lao động người nước ngoài tại Ả-rập Xê-út nhiều hơn nên việc nhập khẩu hoa quả được tăng cường để phục vụ không chỉ người bản địa.
Nhìn chung, tuy xuất khẩu rau quả sang thị trường các nước GCC có những tiến triển tích cực nhưng tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu rau quả sang khu vực này vẫn còn rất khiêm tốn xét trên cả góc độ năng lực xuất khẩu của Việt Nam và nhu cầu nhập khẩu các loại rau, hoa, quả của các nước GCC. Cụ thể, năm 2014, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang GCC chỉ chiếm khoảng 2,67% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Nếu so sánh với nhu cầu nhập khẩu của các nước GCC thì tỉ lệ này lại càng nhỏ hơn. Tính chung cả khu vực thì các nước GCC nhập khẩu 0,59% rau quả các loại từ Việt Nam. Đối với từng nước, tỉ lệ này là: Ả-rập Xê-út (0,74%), UAE (0,57%), Cô-oét (0,64%), Ca-ta (0,24%), Ba-ranh (0,58%), Ô-man (0,10%).
Nguyên nhân của việc xuất khẩu rau quả sang thị trường các nước GCC chưa thực sự khởi sắc là do doanh nghiệp và nông dân Việt Nam chưa xây dựng được quy trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, đặc biệt là các tiêu chuẩn liên quan đến tôn giáo; do thói quen trong canh tác các sản phẩm rau quả, trong giao dịch buôn bán và nhất là do năng lực thu hoạch và bảo quản yếu kém trong khi hàng rau quả lại là mặt hàng dễ hư hỏng. Ngoài ra, rau quả Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều nước có nền nông nghiệp phát triển hoặc có khoảng cách địa lý thuận lợi như: Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Thái Lan…
Vụ thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á cho rằng, nếu doanh nghiệp Việt Nam biết thay đổi đúng hướng trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu và tận dụng lợi thế sẵn có (những loại hoa quả đặc sản) thì tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang thị trường GCC là không nhỏ. Sự hiện diện của 03 cơ quan Thương vụ trên tổng số 6 nước GCC cũng sẽ là cầu nối hữu hiệu để cung cấp các thông tin thị trường, tiêu chuẩn chất lượng và doanh nghiệp nhập khẩu bản địa cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Bên cạnh đó, các hãng hàng không lớn như Emirates, Etihad, Saudi, Qatar đều đã mở đường bay thẳng nối Việt Nam với Ả-rập Xê-út, UAE, Ca-ta. Đây là một điều kiện thuận lợi trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng rau quả, đặc biệt là một số trái cây đặc sản của Việt Nam như vải thiều, nhãn lồng, thanh long sang các thị trường nói trên và các nước lân cận.
Phương Dung