1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Dân Việt Nam rất sợ rủi ro tài chính

(Dân trí) - Thế hệ có độ tuổi từ 20-40 tại Việt Nam là nhóm sợ rủi ro cao thứ nhì theo kết quả một cuộc điều tra tại các nước châu Á Thái Bình Dương. Họ sợ đương đầu nhất với rủi ro tài chính nhưng lại sẵn sàng mạo hiểm hơn với sự nghiệp của mình.

Công ty Tái bảo hiểm Thụy Sĩ (Swiss Re) vừa tiến hành một cuộc điều tra quy mô lớn trên tổng số 13.800 khách hàng tuổi từ 20 đến 40 tại các thành phố lớn của 11 nước châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 4, 5/2011 vừa qua.

Cụ thể là: Úc, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Việt Nam.

Cuộc điều tra này nhằm tìm hiểu và so sánh về thái độ chấp nhận rủi ro của khách hàng trong toàn khu vực, bằng cách sử dụng chỉ số đánh giá mức ưa chuộng mạo hiểm của Swiss Re (CAFRI). Theo đó, Việt Nam xếp hạng áp chót trong đánh giá ưa chuộng mạo hiểm của khách hàng.

Dân Việt Nam rất sợ rủi ro tài chính - 1

Chỉ số CAFRI và xếp hạng các nước trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương năm 2011
(Chỉ số càng cao khi khách hàng càng sẵn sàng chấp nhận rủi ro và ngược lại).

Ông Phạm Xuân Thái, Phó Giám đốc Khối thị trường khách hàng nhận xét: “Xét về tổng thể, nhóm người từ 20 đến 40 tuổi tại Việt Nam rất sợ rủi ro. So với các nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, họ là nhóm ít dám mạo hiểm nhất với những rủi ro liên quan đến sức khỏe và lối sống. Họ cũng sợ đương đầu nhất với rủi ro tài chính (xếp thứ 9/11), tuy nhiên lại sẵn sàng mạo hiểm hơn với sự nghiệp của mình (xếp thứ 5/11)”.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người được hỏi tại Việt Nam là nhóm xếp áp chót trong các nước thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương, khi đề cập đến triển vọng ổn định về tài chính cá nhân trong tương lai.
Dân Việt Nam rất sợ rủi ro tài chính - 2

Một khóa học về tư duy làm giàu tại Việt Nam (Ảnh minh họa: CLB dạy con làm giàu)

Với tỉ lệ cao thứ 2 là 54% người trả lời là gia đình họ có khả năng gặp khó khăn về tài chính trong trường hợp họ đột tử, hoặc bi tai nạn hay thương tật nghiêm trọng, và lý do chính của nó là do không có đủ bảo hiểm.

Đa số người được hỏi tại Việt Nam (74%) bày tỏ quan ngại về khoản tiền họ sẽ phải tự trả cho chi phí y tế khi bị bệnh nặng. Và 63% thì lo ngại rằng mức đóng bảo hiểm nhân thọ/y tế sẽ tăng vượt quá khả năng chi trả của họ trong tương lai. Cả hai số liệu trên đều cao hơn trung bình của khu vực Châu Á Thái Bình Dương với tỷ lệ tương đương cho từng mục là 67% và 58%.

Ông Thái nói thêm “Do lo ngại về rủi ro cao như trên, nên khoảng 60% người được hỏi ở Việt Nam đã trả lời là có kế hoạch mua sản phẩm bảo hiểm trong 12 tháng tới. Hai lý do chính khiến họ mua bảo hiểm là: Mắc bệnh hiểm nghèo (79%) và không có khả năng chi trả viện phí trong thời gian dài (44%)”.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng số đông người được hỏi tại Việt Nam (91%- cao nhất trong khu vực) tìm hiểu các thông tin về tài chính thông qua nhân viên môi giới bảo hiểm. Các kênh thông tin phổ biến khác bao gồm truyền hình (53%), gia đình, bạn bè, đồng nghiệp (47%) và qua mạng internet (46%).

Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm