Dân Việt “giàu” lên, vay mua nhà, xe có “cơ” bùng nổ?

(Dân trí) - Cho vay mua/sửa nhà, điện tử điện máy và phương tiện đi lại đang là các loại hình có tỷ trọng lớn nhất trong tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, theo VDSC, việc mở rộng dư nợ tại các khoản vay này đang có một số khó khăn.

Một báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, thị trường tiêu dùng Việt Nam được đánh giá là khá hấp dẫn với tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong những năm gần đây.

Có nhiều yếu tố đóng góp vào sự phát triển của thị trường này, như tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu nhập khả dụng khả quan cũng như sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu trong xã hội.

GDP thực của Việt Nam được dự báo sẽ tăng 91,4% trong giai đoạn 2019 – 2030. Theo Euromonitors, thu nhập khả dụng bình quân đầu người ước đạt trên 40 triệu đồng (1.773 USD) cho năm 2018 và kỳ vọng tăng trưởng trung bình 5,9% mỗi năm từ 2019-2030, kéo theo tăng trưởng tương ứng của chi tiêu tiêu dùng.

Tầng lớp thu nhập trung bình, vốn là nền tảng của tiêu dùng, cũng đang tăng nhanh khi dự báo năm 2030 sẽ có 49% hộ gia đình có thu nhập khả dụng hàng năm từ 5.000 đến 15.000 USD, tăng từ 33,8% vào năm 2018.

Cho vay mua/sửa nhà, điện tử điện máy và phương tiện đi lại đang là các loại hình có tỷ trọng lớn nhất trong tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, theo VDSC, việc mở rộng dư nợ tại các khoản vay này đang có một số khó khăn.

Dân Việt “giàu” lên, vay mua nhà, xe có “cơ” bùng nổ? - 1

Theo VDSC, việc mở rộng dư nợ tín dụng tiêu dùng nói chung sẽ trở nên khó khăn hơn so với giai đoạn trước.

Những thay đổi đáng chú ý về chính sách

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có động thái siết chặt hơn đối với cho vay mua nhà. Trước đây, hệ số rủi ro với các khoản vay cá nhân bảo đảm bằng bất động sản cố định ở mức 50%, tuy nhiên theo quy định tại Thông tư 41, hệ số rủi ro sẽ thay đổi trong khoảng 25%-200% tùy thuộc tỷ lệ bảo đảm (số dư khoản phải đòi/giá trị tài sản bảo đảm) và tỷ lệ thu nhập (số dư phải hoàn trả trong năm/tổng thu nhập trong năm của khách hàng).

Đối với các tổ chức chưa đáp ứng được Thông tư 41, NHNN dự định ban hành Thông tư 36 sửa đổi, trong đó nâng hệ số rủi ro đối với các khoản vay đảm bảo bằng bất động sản có dư nợ gốc trên 1,5 tỷ đồng lên 100-150%.

Đồng thời, NHNN cũng đang lấy ý kiến dự thảo quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tối đa cho phép xuống 30% trong vòng 3 năm tới. Các động thái này về cơ bản dự kiến sẽ khiến vay mua nhà bị ảnh hưởng từ đó ảnh hưởng đến tín dụng tiêu dùng nói chung.

Các khoản vay khác như phương tiện đi lại và điện tử, điện máy cũng chiếm tỷ trọng cao do các ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng đang tiếp cận khách hàng chủ yếu thông qua các kênh bán lẻ hiện đại theo chuỗi hoặc thương mại điện tử, vốn đem lại hiệu quả cao và giúp tiết kiệm được chi phí quản lý. 

Tuy nhiên, sự có mặt của họ tại các kênh chuỗi đang trở nên dày đặc, trong khi nhu cầu tiêu thụ xe máy, điện thoại, điện máy đang dần bão hòa.

Theo dữ liệu của Euromonitor, doanh số hàng điện tử, điện máy năm 2018 giảm còn 11% so với mức bình quân 13,9% trong 5 năm trước. Ngoài ra, VAMM (Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam) cũng ghi nhận mức tăng trưởng số lượng xe máy tiêu thụ chậm lại trong hai năm qua và thậm chí trong quý 1 vừa rồi còn có tăng trưởng âm so với cùng kỳ.

Ngoài các khoản vay trên, các khoản vay có mục đích khác hiện vẫn chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn, một phần do yêu cầu nhiều nguồn lực hơn trong phát triển quan hệ với các nhà cung cấp, tiếp cận với khách hàng và xử lý thủ tục vay.

Trong khi đó, cho vay bằng tiền mặt dự kiến cũng sẽ bị hạn chế khi các cơ quan quản lý đang có ý định siết chặt hơn giải ngân trực tiếp cho khách hàng. Do vậy, theo VDSC, việc mở rộng dư nợ tín dụng tiêu dùng nói chung sẽ trở nên khó khăn hơn so với giai đoạn trước.

Cơ hội nào cho ngân hàng và công ty tài chính?

Khi các tổ chức tín dụng tập trung đáp ứng các nhu cầu vay mua/sửa nhà, điện tử điện máy và phương tiện đi lại, vốn là các phân khúc có nhu cầu lớn, dễ tiếp cận, thì mức độ cạnh tranh sẽ ngày càng trở nên gay gắt do sự tham gia của nhiều đối thủ.

Theo đó, VDSC cho rằng để khai thác tốt hơn xu hướng sắp tới của tín dụng tiêu dùng, cũng như thích ứng với định hướng quản lý của cơ quan nhà nước, các ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng sẽ cần có các phương thức tiếp cận mới.

Về sản phẩm, VDSC cho rằng, các nhu cầu tiêu dùng khác như mua sắm, du lịch, làm đẹp, nội thất, giải trí, bảo hiểm cần được tập trung đáp ứng. Các ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng cần đa dạng hóa danh mục sản phẩm của mình để tiếp cận gần hơn đến các nhu cầu đa dạng, cụ thể của khách hàng.

Về đối tượng khách hàng, do tài chính toàn diện đang là mối quan tâm của các cơ quan quản lý, các tổ chức tín dụng cần chú trọng hơn đến các phân khúc chưa được tiếp cận dịch vụ tài chính như đối tượng thu nhập thấp, vùng sâu vùng xa, vượt qua các kênh truyền thống phổ biến như trước đây.

Bên cạnh đó, chuyên gia VDSC cũng khuyến nghị các ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng nên phát triển dịch vụ ngân hàng đại lý để mở rộng mạng lưới và hợp tác với các công ty viễn thông và công ty Fintech trong việc tiếp cận đến các phân khúc còn đang bỏ ngỏ này.

Mai Chi