Dân Trung Quốc mất hứng với gà rán KFC

(Dân trí) - Nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc không phải là thách thức duy nhất đối với hãng đồ ăn nhanh KFC tại thị trường đông dân nhất thế giới. Mức độ cạnh tranh tại Trung Quốc đang trở nên khốc liệt hơn, trong khi người tiêu dùng ngày càng “kén cá chọn canh”.

Theo hãng tin

Theo hãng tin Reuters, tuần trước, hãng mẹ của KFC là Yum Brands đã lên tiếng cảnh báo rằng, doanh thu tại các nhà hàng của hãng tại Trung Quốc có thể giảm 4% trong quý 4 năm nay, bất chấp một vài chỉ số kinh tế của nước này như niềm tin người tiêu dùng và doanh thu bán lẻ có sự khởi sắc. Kể từ khi đưa ra cảnh báo trên, giá cổ phiếu của Yum đã “bốc hơi” 11%.

Các cuộc phỏng vấn người tiêu dùng ở Thượng Hải và Bắc Kinh cũng như bình luận (comment) trên mạng Weibo của Trung Quốc (tương tự như mạng Twitter) cho thấy, nhiều người không hài lòng với việc KFC liên tục tăng giá trong mấy năm gần đây. Người tiêu dùng cũng không hào hứng với những thay đổi mà KFC thực hiện với thực đơn bản xứ.

“Các sản phẩm mới của họ thật tệ, không được ngon như trước”, cô Queen Hu, 24 tuổi, một tư vấn viên về kiểm toán cho biết. Khi còn học đại học, cô ăn KFC thường xuyên, nhưng giờ chỉ ăn 2-3 lần mỗi năm.

Trung Quốc là thị trường đóng góp hơn một nửa doanh thu và lợi nhuận hoạt động của Yum, nên trong cuộc họp với nhà đầu tư diễn ra vào ngày 6/12 này, Yum chắc chắn sẽ phải trả lời những câu hỏi khó liên quan tới tình hình kinh doanh tại Trung Quốc. Yum hiện là công ty điều hành nhà hàng nước ngoài lớn nhất tại Trung Quốc, với khoảng 4.800 cửa hiệu, chủ yếu là KFC.

Ngoài những nhận xét bất lợi từ phía người tiêu dùng, gần đây Yum còn gặp bất lợi từ tin đồn thất thiệt liên quan tới chất lượng đồ ăn. Một phát ngôn viên của Yum đã lên tiếng phủ nhận những thông tin báo chí được cho là “không đúng sự thật” vào cuối tháng 11 nói rằng, nhà cung cấp 1% lượng thịt gà mà KFC sử dụng ở Trung Quốc sử dụng chất phụ gia độc hại trong thức ăn cho gà.

Cơ quan chức năng của Trung Quốc cũng đã phủ nhận tin đồn trên và tuyên bố, chất lượng thịt gà từ nhà cung cấp nói trên là an toàn.

An toàn thực phẩm hiện đang là một chủ đề nóng ở Trung Quốc. Gần như ngày nào báo chí ở nước này cũng đưa tin phát hiện chất độc hại trong thực phẩm. Bởi thế, khi một thương hiệu nước ngoài được coi là chất lượng cao ở Trung Quốc như KFC bị đồn là sử dụng nguyên liệu không đảm bảo, người tiêu dùng có phản ứng rất mạnh mẽ.

 “Các công ty thực phẩm nước ngoài mạnh là vì người tiêu dùng tin tưởng họ, tin đồ ăn của họ là an toàn. Nhưng giờ thì họ cũng có vấn đề như các công ty Trung Quốc. Như thế, họ tăng giá là chẳng phù hợp chút nào”, cô Hu bức xúc nói.

Sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các đối thủ khác, bao gồm những “đại gia” đến từ Mỹ như McDonald’s, Starbucks và Subway cũng là một nguyên nhân khác khiến KFC gặp khó tại Trung Quốc.

Chưa kể, các chuỗi đồ ăn của Trung Quốc và các nước châu Á khác càng làm cuộc cạnh tranh này “tăng nhiệt”. Trong số này phải kể tới hãng gà rán Dico của Đài Loan, chuỗi nhà hàng mì Nhật Ajisen, hay một loạt chuỗi cửa hiệu đồ ăn nhanh của Trung Quốc như Golden Jaguar, Yonghe King và Country Style Cooking…

Giám đốc điều hành David Novak của Yum vẫn tin tưởng rằng, năm 2013 sẽ là một năm ăn nên làm ra đối với hãng tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quý 2/2013, Yum sẽ gặp không ít khó khăn nếu muốn duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu 2 con số như đã đạt được trong quý 2 của những năm gần đây.

Phương Anh
Theo Reuters