Dân Trung Quốc "kêu trời" khi chính phủ cấm bán gia cầm sống tại chợ
(Dân trí) - Người dân Trung Quốc vốn chuộng thịt tươi sống nên rất bất bình khi chính phủ ban hành lệnh cấm giết mổ và bán gia cầm sống tại các chợ truyền thống.
Đại dịch Covid-19 được cho là bắt nguồn ở một khu chợ ở thành phố Vũ Hán, nơi có cả những động vật hoang dã như nhím, hươu, dơi được bán và giết mổ tại chỗ để làm thức ăn và thuốc.
Giới chuyên gia nước ngoài cho rằng, chợ truyền thống bán động vật sống tạo điều kiện thuận lợi cho virus lây lan từ động vật sang người, do các khu vực khá gần nhau và thường mất vệ sinh.
Tuy nhiên, đối với phần lớn người dân ở Trung Quốc và trên khắp châu Á, chợ chỉ là nơi để mua thực phẩm tươi sống, như thịt gà, thịt lợn, cá hay rau với giá cả phải chăng.
Chị Chen Yu trước kia thường chỉ cần đi một đoạn ngắn đến khu chợ gần nhà để mua thực phẩm tươi sống. Giờ đây, nếu muốn nấu một món súp như ý hay một con vịt hầm cho bữa ăn tụ họp của gia đình, chị sẽ phải bắt hai chuyến xe buýt xuống siêu thị ở trung tâm thành phố để mua thực phẩm.
“Chợ trong khu nhà ở của tôi bây giờ đã ngừng bán động vật, gia cầm sống rồi. Trước kia, chỉ cần ra chợ, chỉ vào một con vịt hay một con gà, người bán sẽ trực tiếp mổ chúng tại chỗ cho bạn. Ưu điểm ở đây đơn giản là thực phẩm hoàn toàn tươi sống”.
Đa số người tiêu dùng Trung Quốc đều có quan niệm rằng chỉ có các chợ nông sản, hải sản- nơi họ được tận mắt chứng kiến được bày bán và giết mổ mới là tươi sống và các siêu thị thường chỉ có đồ đông lạnh. Giờ đây, những lệnh cấm được ban hành khiến cho người dân Trung Quốc cảm thấy bất bình và không hài lòng.
Thay đổi hành vi
Theo truyền thống, người dân Trung Quốc từ lâu đã ưa chuộng thực phẩm tươi sống, thích đi chợ nhiều lần mỗi tuần để mua thịt, cá và rau thay vì đến siêu thị mua sắm cho cả tuần. Nhưng trong những năm gần đây, theo xu hướng toàn cầu, chợ truyền thống đã dần yếu thế trước sự phát triển của hệ thống siêu thị, đặc biệt là đối với người tiêu dùng trẻ tuổi.
Nhiều gian hàng tạp hóa trực tuyến, với những gã khổng lồ Internet dư giả chống lưng và hệ thống hậu cần được thiết kế thông minh, cũng đang nổi lên nhanh chóng.
Lệnh cấm di chuyển trong đại dịch càng đẩy người dân dần xa khỏi các khu chợ. Các gian hàng tạp hóa trực tuyến trở thành nơi mua sắm thiết yếu hàng ngày khi hầu hết người Trung Quốc buộc phải ở nhà.
Eliam Huang, một nhà phân tích của Coresight, cho biết dịch bệnh buộc người tiêu dùng phải thích nghi với những xu hướng mà, nếu không ở trong hoàn cảnh này, họ sẽ do dự khi thử. “Cuộc khủng hoảng khiến mọi người chuẩn bị tốt hơn cho tương lai công nghệ”, cô nói.
Nhưng hiện tại, việc khuyến khích mọi người ngừng mua sắm ở chợ truyền thống hoàn toàn không phải là một giải pháp khả thi. Kỹ sư môi trường và nhân đạo của Đại học Sydney, Peter Matous, nói rằng chợ truyền thống đóng một vai trò quan trọng trong an ninh lương thực đối với cộng đồng người có thu nhập thấp cả ở Trung Quốc và trên toàn cầu, những người, vì nhiều lý do, không thể mua sắm trực tuyến.
“Xóa bỏ chợ truyền thống có thể khiến người ta ảo tưởng đã giải quyết xong nguyên nhân của tình hình hiện tại nhưng vấn đề thực sự còn sâu xa hơn thế”, ông nói trong một email.
Nhiều chuyên gia nhất trí rằng chấm dứt việc buôn bán động vật bất hợp pháp là biện pháp quan trọng nhất để ngăn chặn đại dịch tiếp theo - và điều đó có nghĩa là phải có những quy định chặt chẽ hơn được thực thi nghiêm ngặt hơn, đặc biệt là ở cấp địa phương.
Chính phủ vào cuộc
Đây không phải là lần đầu tiên các chợ buôn bán gia cầm sống được ra lệnh đóng cửa. Trước đó, dịch SARS năm 2003 có liên quan đến việc buôn bán cầy hương ở tỉnh Quảng Đông.
Sau dịch SARS, chính quyền một số tỉnh cố gắng giải quyết vấn nạn buôn bán động vật hoang dã, cấm bán một số động vật như cầy hương và rắn, nhưng nhiều lệnh cấm không được thi hành hoặc bị lẳng lặng gỡ bỏ.
Ông Chen Xu - một quan chức tại Cơ quan quản lý thị trường nhà nước - cho biết: “Trung Quốc sẽ hạn chế buôn bán và giết mổ gia cầm sống, khuyến khích giết mổ hàng loạt gia cầm sống ở những khu giết mổ theo quy định và dần dần đóng cửa các chợ buôn bán gia cầm sống”.
Ông Chen kêu gọi chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc “tăng cường giám sát an toàn thực phẩm tại các chợ bán buôn nông sản” và “điều tra các rủi ro an toàn tiềm ẩn”, lấy điểm nóng Covid-19 tại chợ đầu mối ở Bắc Kinh Xinfadi làm ví dụ.
“Tại Trung Quốc hiện nay, có hơn 70% thịt, gia cầm, hải sản, trái cây và rau quả vào thị trường thông qua các chợ nông sản bán buôn. Hiện Trung Quốc có hơn 4.100 chợ đầu mối bán buôn trên toàn quốc” - ông nói.
Hương Vũ
Theo Bloomberg