Dân trồng chè vẫn nghèo chỉ tại... “văn hóa trà”?
(Dân trí) - “Nói đến chè là nói đến văn hóa trà. Nhưng dường như cái gì có dính đến “văn hóa” là nghèo? Ta phải làm sao giữ được văn hóa trà mà vẫn làm giàu từ ngành chè được,” ông Đoàn Xuân Hòa, Cục phó Cục chế biến, Thương mại NLTS và Nghề muối nhận định.
Để bàn giải pháp cho ngành chè phát triển bền vững, nhiều nhà quản lý, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã có những đánh giá và đề xuất giải pháp về sản xuất, quản lý kinh doanh chè theo hướng an toàn và bền vững tại Hội nghị quốc tế Chè Việt Nam 2013 khai mạc sáng nay 08/10 tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị ông Hòa cho rằng ngành chè vẫn là một trong 10 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Hiện nay chè được trồng ở 34 tỉnh thành cả nước với diện tích khoảng 125.000 ha, thu hút khoảng 3 triệu lao động tham gia. Tuy nhiên giá trị của ngành chè còn thấp chỉ đạt kim ngach xuất khẩu khoảng 200 triệu USD/năm, một con số rất khiêm tốn so với xuất khẩu hồ tiêu.
“Bây giờ không phải lúc nói nhiều đến quy mô sản xuất hay thành tích to hay nhỏ mà là phải thay đổi cơ chế để đảm bảo phát triển bền vững,” ông Hòa nhấn mạnh.
Theo ông Hòa, hiện nay ngành chè vướng phải một vấn đề là “trên bảo dưới không nghe” vì nhiều chính sách đưa ra không thực hiện được trong khi vẫn thiếu các quy chế đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất và chế biến chè.
“Cơ chế của ngành chè hiện nay đang phát triển theo hướng ta làm cái ta có thay vì làm cái thị trường cần. Ta mới hăng hái phát triển thị phần chứ chưa quan tâm đầy đủ đến thị hiếu của thị trường,”
Cũng theo ông Hòa, việc cấp phép kinh doanh chè đang diễn ra tràn lan nên số lượng nhà máy chè mọc lên như nấm với 455 nhà máy và hơn 200 đầu mối xuất khẩu, mỗi cơ sở chỉ xuất khẩu được 500 tấn/năm, điều này đi ngược với xu thế sản xuất công nghiệp tập trung.
“Hiện nay có một nghịch lý là chúng ta có sản lượng chè đứng thứ 5 thế giới nhưng giá trị xuất khẩu lại chỉ đứng thứ 10. 80% giá trị của ngành chè thế giới nằm ngoài các nước sản xuất chè vì chất lượng chè của ta còn thấp. Trong khi ta xuất khẩu chè với giá 1,45 USD/kg thì nhiều nước châu Âu nhập khẩu chè về rồi xuất khẩu với giá gần 10 USD/kg.”
Cùng trồng chè nhưng thu nhập của người dân rất khác nhau giữa các vùng. Thu nhập người trồng chè ở Lâm Đồng đạt 180 USD/ha nhưng ở Bắc Cạn chỉ đạt 15 USD/ha và Thái Nguyên là 30 USD/ha. Ở miền Bắc người trồng chè không sống bằng chè mà lại trồng rừng để có thêm thu nhập dẫn đến sự thiếu bền vững của ngành sản xuất chè.
Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Quốc Vọng cho rằng Việt Nam đang đánh giá chất lượng chè bằng mắt thường và điều này là không chính xác. Chất lượng chè phải được đánh giá bằng máy móc với các con số khoa học cụ thể. Ở Nhật Bản đã sử dụng máy móc hiện đại vào việc đánh giá chất lượng chè, và theo đó chè có điểm AF trên 50 là chè chất lượng cao.
Ông Flavio Corsin, đại diện của Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH) cho rằng ngành chè Việt Nam đang vướng vào một cái vòng luẩn quẩn: số lượng nhà máy chế biến chè tăng nhanh dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến, họ sẵn sàng mua nguyên liệu với bất kỳ chất lượng nào khiến người dân không muốn cố gắng sản xuất sản phẩm chất lượng tốt hơn nên chất lượng sản phẩm ngày một giảm, đồng nghĩa với đó là thu nhập của nông dân đi xuống, do đó thiếu đầu tư cho mở rộng sản xuất dẫn đến khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế thấp.
Thay đổi quan hệ sản xuất, lấy nông dân làm trọng tâm
Theo ông Hòa, để cải thiện tình hình và nâng cao thu nhập của người dân thì điều cốt yếu là phải tái cơ cấu ngành chè theo hướng thị trường, phát triển sản xuất chè dựa trên lợi thế từng vùng và có cơ chế hỗ trợ tài chính với người trồng chè và xuất khẩu chè. Cần chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sàn sản xuất tập trung, quy mô lớn và ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất chế biến nhưng vẫn đảm bảo các yếu tố phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm từ châu Phi để khuyến khích người dân tự giác trong sản xuất và gắn kết với doanh nghiệp.
TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp – nông thôn (IPSARD), cho rằng khó khăn của ngành chè hiện nay là do quan hệ sản xuất chưa phù hợp, do đó cần tổ chức nông dân theo hình thức hợp tác xã hoặc hội sản xuất và gắn két nông dân với doanh nghiệp để xây dựng một chuỗi ngành hàng chuyên nghiệp.
Bộ NN&PTNN đang thực hiện dự án xây dựng Ban điều phối ngành hàng cà phê với sự tham gia của nông dân, doanh nghiệp, các tổ chức nước ngoài và các cơ quan quản lý nhà nước theo tỷ lệ công – tư 50-50 và sẽ ra mắt trong 2 năm tới. Ngành chè nên học hỏi và làm theo mô hình này của ngành cà phê vì cả 2 ngành đều gặp những vướng mắc tương tự nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh.
“Đã đến lúc đưa nông dân về vị trí trọng tâm và gắn kết doanh nghiệp với nhau nhằm phát huy tiềm năng của nền nông nghiệp Việt Nam và nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo giá bán tốt và lợi nhuận cao hơn cho người dân. Hiện ngành nông nghiệp là ngành đi đầu tiên trong đổi mới và sẽ là ngành đầu tiên thành công trong quá trình tái cơ cấu kinh tế,” ông Sơn khẳng định.
Thảo Nguyên