Dấn thân chơi bất động sản, nữ đại gia khét tiếng 'chết đắng'

Từ kinh doanh xăng dầu, thi công hạ tầng chuyển qua phát triển dự án bất động sản khiến cho doanh nghiệp rơi vào khó khăn. Lúc này, bước chân ra đã quá muộn.

Bất động sản từng có thời điểm được ví như “gà đẻ trứng vàng” khi hàng loạt công ty trái ngành nhảy sang lĩnh vực này. Việc ồ ạt đầu tư chạy theo lợi nhuận, thiếu chuyên nghiệp có thể khiến các doanh nghiệp “sa lầy” làm ảnh hưởng đến thị trường.

Khá nhiều "ông lớn" tại Việt Nam đang đi vào vết xe đổ như trên nhưng muốn quay về ngành cốt lõi không phải dễ. Bởi lẽ, một khi đã sa lầy vào các ngành kinh doanh phụ, nguồn lực bị tổn hao nặng nề, chưa kể đến tâm lý sợ thay đổi là rào cản lớn cho quá trình tái cấu trúc. Tới nay, khi đã hơn 1 thập kỷ, họ vẫn đang phải chịu hậu quả.

Đứng sau dự án Kenton Node “đắp chiếu” gần 10 năm nay đang được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bán đấu giá là Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên.

Trước khi được biết đến với siêu dự án Kenton Node, Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên là một doanh nghiệp có tiếng tăm trong ngành xây dựng hạ tầng.

Dấn thân chơi bất động sản, nữ đại gia khét tiếng chết đắng - 1

Khối băng thập kỷ của thị trường bất động sản

Cụ thể, ban đầu, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thi công cơ sở hạ tầng, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, chủ yếu là bê tông, đá xây dựng và đá dăm. Chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật của Tài Nguyên là ông Vũ Anh Tâm.

Từ năm 2001, Tài Nguyên tái cấu trúc mô hình sản xuất, kinh doanh và tập trung nguồn tài lực chính vào đầu tư và kinh doanh bất động sản. Hiện tại, công ty tập trung chủ yếu vào đầu tư và xây dựng khu phức hợp căn hộ và văn phòng cho thuê.

Dự án được khởi công từ năm 2009, nhưng đến năm 2011 thì toàn bộ công trình đã ngừng thi công do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng bất động sản 2009-2013. Đến năm 2017, Kenton Residences đã được tái khởi động và đổi tên thành Kenton Node Hotel Complex và được điều chỉnh lại quy hoạch.

Tương tự, chủ dự án căn hộ Habico Tower dát vàng đắt chiếu tại Hà Nội là công ty cổ phần Hải Bình (Habico) một đơn vị kinh doanh thiết bị xăng dầu nhảy qua làm bất động sản.

Đưa ra mức giá bán lên tới 85 tỷ đồng/căn cùng nhiều vướng mắc trong triển khai dự án đã không hoàn thành như tham vọng của chủ đầu tư. Sau nhiều năm, Habico Tower vẫn chỉ là một khối bê tông 9 tầng bỏ hoang, công trường không có hoạt động thi công, cẩu thang, vận tháp cũng không còn. Chủ đầu tư bị nhà thầu, ngân hàng kiện cáo lùm xùm liên quan đến hàng nghìn tỷ đồng đang kẹt trong dự án.

Dấn thân chơi bất động sản, nữ đại gia khét tiếng chết đắng - 2

Loạt dự án mang ra rao bán

Lấn sân sang bất động sản gặp sa lầy phải kể tới Công ty Thuận Thảo của nữ đại gia Phú Yên Võ Thị Thanh. Cú chuyển hướng sang bất động sản đã khiến doanh nghiệp này rơi vào tình trạng nợ nần, thua lỗ triền miên suốt nhiều năm qua.

Thuận Thảo từng nổi tiếng trong lĩnh vực vận tải thị trường phía Nam. Năm 1997, sau hơn chục năm làm Tổng đại lý chuyên phân phối hàng hóa cho 20 công ty trong nước và công ty liên doanh với nước ngoài tại tỉnh Phú Yên, doanh nghiệp tư nhân mang tên Vận tải và Thương mại Thuận Thảo đã được thành lập, bà Võ Thị Thanh giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty.

Trong giai đoạn 2009-2013, Thuận Thảo đã nắm trong tay nhiều dự án bất động sản lớn nhất tại Phú Yên như khách sạn 5 sao Cendeluxe, Trung tâm giải trí và sinh thái, Trung tâm hội nghị và triển lãm Thuận Thảo Land, Resort & Spa Golden Beach, Nhà hát Sao Mai... với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Hậu quả, Thuận Thảo đang phải gồng mình gánh khối tài sản bất động sản. Hồi giữa năm 2019, khách sạn Cendeluxe cùng Trung tâm hội nghị triển lãm Thuận Thảo đã được công ty Việt Tín đấu giá với mốc khởi điểm 500 tỷ đồng nhưng chưa thành công.

Cùng nếm mùi cay đắng, đầu tư vào bất động sản được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nợ nần của Mai Linh. Bất động sản mà Mai Linh đầu tư nhà xưởng, trụ sở văn phòng phục vụ cho hoạt động vận tải. Tổng giá trị khoảng 1.000 tỉ đồng. Cuối cùng Mai Linh đã phải bán bớt để có nguồn tiền thanh toán các khoản nợ. Khi thị trường bất động sản đang rơi xuống đáy, Mai Linh không thể thoái vốn ngay trong một sớm một chiều.

Những doanh nghiệp trên là bài học cho bất kỳ nhà đầu tư ngoại đạo nào tham gia vào lĩnh vực địa ốc. Đối với những doanh nghiệp mới, nên hết sức thận trọng trong việc lựa chọn dự án để rót tiền bởi lĩnh vực bất động sản không phải dành cho tất cả các nhà đầu tư.