Đàn ông Trung Quốc bạo chi cho hàng hiệu hơn phụ nữ

(Dân trí) - Kết quả một cuộc khảo sát mới đây cho thấy đàn ông Trung Quốc đóng góp tới 55% doanh số hàng hóa xa xỉ tại nước này, vượt xa mức trung bình 40% của thế giới.

Đây là kết quả khảo sát do hãng nghiên cứu CLSA tiến hành vừa được hãng tin Reuters đăng tải. Theo đó có tới 55% doanh số hàng xa xỉ tại Trung Quốc đến từ hầu bao của nam giới. Điều này một phần được lý giải là do các nam doanh nhân thường mua những món quà tặng đắt tiền để tặng các quan chức chính phủ hoặc đối tác tiềm năng.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Những công ty như Burberry hay LVMH được hưởng lợi nhiều nhất từ văn hóa tặng quà này cũng như thiên hướng săn hàng thiết kế của các “đại gia” Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng theo nghiên cứu của CLSA, đàn ông cũng dễ dàng thắt chặt hầu bao hơn phụ nữ nếu tình hình kinh tế diễn biến bất lợi.

“Nam giới không bị cuốn vào làn sóng mua sắm”, Mariana Kou, nhà phân tích hàng tiêu dùng và trò chơi của CLSA tại Hong Kong cho biết. “Họ có xu hướng đợi thêm một chút nếu kinh tế bất ổn”. Điều này được thể hiện rõ trong năm qua.

Khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm xuống mức thấp nhất 3 năm hồi năm ngoái, nhu cầu hàng xa xỉ giảm đột ngột. Burberry từng phải ra cảnh báo hồi tháng 7 và tháng 9 về sự sụt giảm của doanh số.

Tuy nhiên khi tốc độ tăng trưởng trở lại mức 7,9% trong quý 4 vừa qua, doanh số lại tăng lên. Theo thống kê của Burberry, doanh số của họ trong thời gian này tăng 15%, chủ yếu nhờ thị trường Trung Quốc và Hong Kong. Trong đó, doanh số quần áo nam tăng hơn 50%. Các phụ kiện thời trang nam như túi xách cũng tăng gần 40%.

“Chúng tôi rất tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng của thị trường Trung Quốc nói chung”, giám đốc tài chính của Burberry Stacey Cartwright khẳng định. “Cụ thể nếu tính theo từng quý luôn khó để xác định. Nhưng chúng tôi càng lạc quan hơn sau sự phục hồi của quý này”.

Theo sau ông chủ đi qua khu mua sắm cao cấp One Central tại Macao, trợ lý Da Fei mang trên tay nhiều sản phẩm của các thương hiệu lớn như Hermes và Kenzo. Sếp của anh là một nhà kinh doanh bất động sản từ Mông Cổ.

“Ông ấy thích mua mọi thứ, đặc biệt là hàng Hermes và Gucci”, Da Fei nói trong khi ông chủ bước lên tầng trên trong bộ quần màu hồng cam và chiếc áo sơ mi trắng, đen và lục tìm trong gian hàng của Kenzo.

Còn tại cửa hàng của Gucci ở casino Wynn của Macao, 4 nam giới chạy quanh một quầy hàng nhìn ngắm những chiếc ví da. Một nhóm 7 nam giới khác lựa chọn những mặt hàng như chiếc túi đeo vai có giá gần 800 USD. Trong khi đó chỉ có 2 phụ nữ có mặt tại cửa hàng này. Những người khác đang xếp hàng chờ đến lượt kiểm tra an ninh trước khi vào.

Trong quý 1 này, doanh số hàng xa xỉ tại Trung Quốc được nhận định sẽ tăng trưởng cao nhờ dịp Tết âm lịch trong tháng 2. Sang tháng 3 sẽ là kỳ họp quốc hội của nước này, một dịp mà các vị trí trong chính phủ mới sẽ được công bố, và tất nhiên là quà sẽ được tặng tới tấp.

Các dữ liệu từ Hong Kong, một điểm đến ưa thích của tín đồ hàng hiệu Trung Quốc đại lục cho thấy doanh số bán lẻ đã bắt đầu tăng lên. Trong tháng 11/2012, mức độ tăng trưởng đạt 9,5% so với cùng kỳ 2011, mạnh nhất là trang sức, đồng hồ và các hàng hóa đắt tiền khác với mức tăng 13,7% sau khi giảm 2,9% trong tháng 10.

Người tiêu dùng cũng có xu hướng kén chọn hơn và tinh tế hơn trong mua sắm. Thay vì lựa chọn những thương hiệu phổ biến như Louis Vuitton, ngày càng nhiều người thích những thương hiệu độc, hiếm. Nhưng với lượng người tiêu dùng tới 1,3 tỷ người, rất nhiều trong số đó thích các thương hiệu đắt tiền, Trung Quốc vẫn sẽ là một thị trường lớn của hàng hóa xa xỉ thế giới.

Thanh Tùng
Theo Reuters