1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Dân nghèo Việt dạy nghề thủ công cho “Tây”, nhẹ nhàng kiếm 24 triệu đồng/tháng

(Dân trí) - Du lịch trải nghiệm không phải quá mới lạ, nhưng nhờ đó, nhiều người dân nghèo tại Việt Nam có thể kiếm vài chục triệu đồng mỗi tháng khi dạy du khách làm nghề thủ công, nghề truyền thống.

Du khách học làm dao cùng người dân ở làng Đa Sỹ (Hà Nội).
Du khách học làm dao cùng người dân ở làng Đa Sỹ (Hà Nội).

Một dự án du lịch trải nghiệm của một người đến từ Singapore đã giúp người dân nghèo, người tàn tật tại châu Á trong đó có Việt Nam kiếm thêm thu nhập đáng kể.

“Khi đến Việt Nam, chúng tôi thực sự muốn học hỏi từ những bậc thầy về điêu khắc gỗ, về đánh cá, về những nghề truyền thống thú vị. Những bậc thầy này chính là người dân địa phương”, anh Jamon Mok, CEO Backstreet Academy nói.

Theo đó, anh Mok đã đến và hỗ trợ một số người dân nghèo tại Hà Nội, Hội An và Huế với các tour làm dao kéo tại làng nghề Đa Sỹ (Hà Nội), trải nghiệm làm nông dân, theo học một khóa điêu khắc, viết thư pháp, nấu các món đặc trưng của Việt Nam... ở Hội An. Tại Huế, Backstreet Academy cũng giúp du khách tiếp cận với các trải nghiệm độc đáo như học nấu các món ẩm thực cung đình Huế, cắt tỉa hoa quả, làm đồ thủ công mỹ nghệ, chạm khắc gỗ, làm nón...

“Chúng tôi chỉ ra cho họ thấy giá trị của chính công việc mà họ đang làm và sẽ thật tuyệt vời nếu như họ có thể dành ra vài tiếng để hướng dẫn du khách tham gia cùng làm nghề thủ công đó, cho du khách cơ hội học hỏi từ chính các nghệ nhân và hiểu thêm về những nghề truyền thống”, anh Mok chia sẻ.

Nhìn chung, khi tham gia chương trình này, một người dân Việt có thể có nguồn thu nhập phụ trợ cao gấp 2-3 lần mức thu nhập thông thường.

Cụ thể, mỗi người dân có thể kiếm tới 50-60% doanh thu của một chương trình trải nghiệm, trong khi đó, người phiên dịch kiếm 10-15% và bên vận tải hành khách thu về 10-15%. Phần còn lại sẽ được chuyển về để hoạt động website.

Do vậy, chỉ cần tham gia 2 chương trình trải nghiệm/tuần, người dân nghèo địa phương có thể kiếm thêm tới 250 USD (gần 6 triệu đồng), và trong 1 tháng, mỗi người dân có thể kiếm tới khoảng 24 triệu đồng.

Anh Mok (thứ 2 từ trái qua) đang chia sẻ về kinh nghiệm của mình tại hội thảo ASEAN Youth Fellowship 2018. (Nguồn: SIF)
Anh Mok (thứ 2 từ trái qua) đang chia sẻ về kinh nghiệm của mình tại hội thảo ASEAN Youth Fellowship 2018. (Nguồn: SIF)

Chia sẻ với Dân trí, điều khiến Jamon tự hào nhất là giúp được người dân ở khắp châu Á có thêm thu nhập, và tạo ra được sự khác biệt đáng kể trong cuộc sống, cộng đồng.

“Chúng tôi thấy rằng cần cho họ cần câu cá chứ không thể cho họ cá mãi được nên nếu chúng ta thật sự có thể động viên họ, cho họ một nền tảng để phát triển nghề nghiệp mà họ đang có thì họ sẽ thực sự được trao quyền, được truyền cảm hứng để thúc đẩy bản thân tiến về phía trước”, anh Mok cho hay.

Dự án này của anh Mok sau hơn 4 năm đã giúp hình thành hơn 1.200 trải nghiệm du lịch tại hơn 10 quốc gia và 40 thành phố tại châu Á.

Theo đó, Jamon Mok cùng dự án Backstreet Academy là một trong số các điển hình doanh nhân, doanh nghiệp xã hội tiêu biểu được Quỹ Quốc tế Singapore (Singapore International Foundation – SIF) mời tới trao đổi kinh nghiệm trong chuỗi hội thảo, họp báo quốc tế diễn ra giữa tháng 11 vừa qua tại Singapore.

Là tổ chức khởi xướng Chương trình Doanh nhân Xã hội trẻ (Young Social Entrepreneurs – YSE), giúp nâng cao năng lực, đánh giá tiềm năng và cấp vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp xã hội, SIF đặc biệt đánh giá cao hiệu quả của mô hình Backstreet Academy.

Năm tới sẽ đánh dấu chặng đường 10 năm SIF và YSE khơi nguồn cảm hứng và chắp cánh ước mơ cho hơn 900 doanh nhân xã hội trẻ đến từ gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Được biết, dự án trước mà Jamon Mok đồng sáng lập – quỹ tín dụng vi mô Gazaab Social Ventures, là một trong bốn mô hình doanh nghiệp xã hội đạt giải của YSE vào năm 2013.

Trong khuôn khổ YSE năm nay, có 7 đội đã gọi vốn thành công trong đó có Cricket One (Việt Nam): Là đứa con tinh thần của Đặng Cao Nam và Bicky Nguyễn, Cricket One hướng tới mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Theo đó, Cricket One nhận được sự đồng thuận cấp vốn lên tới 20.000 SGD để mở rộng quy mô hoạt động.

Quỹ Quốc tế Singapore (SIF) được thành lập vào năm 1991 tại Singapore, với mục tiêu kết nối cộng đồng, thúc đẩy hợp tác và những sự thay đổi tích cực vì một xã hội tốt đẹp hơn.

Các sáng kiến của tổ chức tập trung vào 4 cụm chương trình trọng điểm: Giao lưu văn hóa, Mô hình kinh doanh tốt (bao gồm sáng kiến YSE), Vì thế giới tốt đẹp hơn và Hợp tác tình nguyện.

Hồng Vân

Dân nghèo Việt dạy nghề thủ công cho “Tây”, nhẹ nhàng kiếm 24 triệu đồng/tháng - 3