Đại hội đồng cổ đông thường niên Habeco: Nhiều giải pháp được đưa ra để vượt qua khó khăn

(Dân trí) - Ra mắt nhiều sản phẩm mới, đẩy mạnh công nghệ, tập trung nguồn lực để đầu tư… đó là một số giải pháp được lãnh đạo Habeco triển khai nhằm nâng cao hiệu quả.

Đại hội đồng cổ đông thường niên Habeco: Nhiều giải pháp được đưa ra để vượt qua khó khăn - 1

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, ban lãnh đạo Habeco đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 248 tỷ đồng cho năm 2020.

Khó khăn do chịu tác động kép

Ngày 30/6/2020, Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO, MCK: BHN) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020.

Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2019, ban lãnh đạo Habeco cho biết, tổng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu đạt 401 triệu lít. Doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính đạt 7.562 tỷ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế đạt 501,8 tỷ đồng, bằng 161,8% kế hoạch. Cổ tức năm 2019: 12,6%

Tuy nhiên, bước sang đầu năm 2020, ông Ngô Quế Lâm - Tổng giám đốc Habeco cho biết, Tổng công ty đã gặp không ít khó khăn từ tác động kép là Nghị định 100 và dịch Covid-19. Theo đó, nhiều nhà hàng, khu du lịch đã phải tạm ngừng hoạt động, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm bia giảm mạnh.

Nhấn mạnh đây là những “biến động lớn" đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Habeco, ông Lâm cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Habeco đạt 15,8 tỷ.

Nhiều đơn vị sản xuất của Habeco đã phải ngừng hoạt động, cắt giảm lao động, tiền lương, dòng tiền bị ảnh hưởng lớn, tình hình tài chính mất cân đối.

“Để duy trì hoạt động, Habeco và các công ty con vẫn phải duy trì lực lượng lao động nòng cốt, thanh toán các khoản phải trả thuế, phải trả nhà cung cấp, trả lương cho người lao động, trả lãi vay ngân hàng…”, ông Lâm cho biết, ngành bia không thuộc đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.

Trước bối cảnh khó khăn chung từ thị trường, ban lãnh đạo Habeco đã đặt mục tiêu tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu khoảng 225 triệu lít, doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính là 4.223,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 248 tỷ đồng, cổ tức: 6%.

Chủ động với những giải pháp vượt khó

Năm 2019, theo báo cáo của Nielsen Việt Nam, thị trường bia khu vực miền Bắc và miền Trung ghi nhận mức tăng trưởng 4% về sản lượng. Trong đó, Habeco vẫn là nhà sản xuất dẫn đầu trên thị trường này với 41,6% thị phần. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, các sản phẩm của Habeco đang bị cạnh tranh gay gắt.

Áp lực cạnh tranh trong ngành bia trong bối cảnh hiện nay cũng là vấn đề được cổ đông quan tâm. Trong phần thảo luận, một cổ đông đã đặt câu hỏi về chiến lược dài hạn của Habeco ra sao nhằm giữ thị phần trong ngành.

Trả lời câu hỏi này, ông Trần Đình Thanh, Chủ tịch HĐQT Habeco cho biết các thương hiệu bia trong, ngoài nước và cả các thương hiệu bia địa phương đang cạnh tranh gay gắt đối với sản phẩm của Habeco.

Nhận thức được vấn đề này, Habeco đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc chiếm giữ, phát triển thị phần. “Habeco chưa bao giờ thay đổi mạnh mẽ như trong 2 năm nay, về cả hình ảnh, về chính sách, hệ thống bán hàng, sản phẩm, quản trị… Tất cả những thay đổi đó là nỗ lực của chúng tôi trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường", ông Thanh nói.

Trong đó đối với công tác thị trường, bán hàng, Habeco đã tiến hành cơ cấu lại các công ty thương mại theo hướng hình thành thêm các công ty thương mại khu vực để tăng cường sức cạnh tranh. Ban đầu đem lại hiệu quả, theo đó sau khi được giao thị trường Thanh Hoá, Công ty Bia Hà Nội Thanh Hoá đã đạt mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ.

Habeco cũng tiến hành tái cơ cấu lại hệ thống tổ chức nhân sự, khách hàng. Tiếp tục đầu tư lực lượng bán hàng, cải tiến công nghệ quản lý mới. Đồng thời cho ra mắt nhiều sản phẩm mới như Bia Hanoi Bold và Hanoi Light; bia hơi Hà Nội 500ml (đóng lon) và bia hơi Hà Nội 1 lít (đóng chai PET).

Lãnh đạo Habeco cho biết, trong tháng 7 cuối năm, Habeco sẽ tiếp tục nghiên cứu và đưa ra thị trường 3 sản phẩm mới, sản xuất quy mô Pilot một số bia Craft mới và nghiên cứu một số sản phẩm nước giải khát mới.

Cùng với đó, Habeco sẽ tiếp tục tìm đối tác thoái vốn tại một số công ty thành viên. Theo đó, nếu giải quyết được bài toàn nhằm bảo toàn và thu hồi vốn đầu tư tại các doanh nghiệp này sẽ là tiền đề để một mặt Tổng công ty có thêm nguồn vốn kinh doanh, đầu tư, mặt khác là giúp cơ cấu tổ chức tinh gọn và hiệu quả hơn.

Trường Thịnh