Đại hội cổ đông, bầu Chủ tịch HĐQT ở… quán nước!
Phó giám đốc hẹn Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc và 5 cổ đông khác ra quán café để họp ĐHCĐ bất thường. Tại đây, đại hội đã bầu Chủ tịch mới.
Một cổ đông của CTCP Bảo tồn di sản Văn hóa Việt (“Công ty”) đã có đơn yêu cầu Tòa án hủy 3 quyết định do ĐHCĐ Công ty ban hành, bởi ĐHCĐ vi phạm cả về trình tự triệu tập và trình tự tiến hành. Đồng thời, đề nghị Tòa án yêu cầu ông Nguyễn Trần Sơn, một cổ đông khác, trả con dấu Công ty mà ông Sơn tự ý chiếm dụng. Mới đây, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ kiện ra xét xử.
Công ty CTCP Bảo tồn di sản Văn hóa Việt hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0103020340 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp ngày 30/10/2007 và đăng ký kinh doanh điều chỉnh ngày 26/11/2007. Công ty có 5 cổ đông sáng lập, trong đó cổ đông Phạm Đức Hân được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc.
Chi tiết vụ việc như sau: Ngày 30/5/2011, ông Nguyễn Trần Sơn, Phó giám đốc Công ty yêu cầu nhân viên Nguyễn Thị Bích Đ. đưa con dấu cho ông. Chiều cùng ngày, ông Sơn và một nhóm người đến Công ty ép ông Hân ký vào biên bản bàn giao con dấu cho ông Sơn. Hành vi chiếm giữ con dấu của ông Sơn sau đó đã gây tổn thất lớn cho hoạt động của Công ty, ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và người lao động.
Phía ông Sơn cho rằng, việc bàn giao con dấu có người làm chứng, có chữ ký của tất cả các cổ đông trong biên bản bàn giao, nên không chấp nhận trả lại. Ngày 3/6/2011, Công ty tổ chức ĐHCĐ bất thường, nhưng trước đó, HĐQT không họp để thông qua việc tổ chức ĐHCĐ, không gửi giấy mời, không gửi tài liệu tới cổ đông. Để triệu tập cuộc họp, ông Sơn gọi điện cho ông Hân và 5 cổ đông khác hẹn sáng 3/6/2011 ra quán café số 37, phố Cù Chính Lan (Hà Nội) để bàn công việc của Công ty.
Tại ĐHCĐ bất thường, sau khi bàn bạc về tình hình kinh doanh của Công ty, ĐHCĐ đã giơ tay biểu quyết miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT là ông Phạm Đức Hân (vì cho rằng ông Hân kém năng lực, Công ty hoạt động không có lợi nhuận để trả cổ tức cho cổ đông) và bầu bà Đặng Thị Bích Ngọc (cổ đông vắng mặt) vào vị trí này.
Ngày 10/7/2011, ông Hân nhận được giấy triệu tập ĐHCĐ tổ chức vào ngày 12/7/2011. Tuy nhiên, ngày 12/7/2011, Công ty không tổ chức ĐHCĐ và cũng không thông báo lý do.
Đến ngày 22/7/2011, khi Công ty đang tổ chức ĐHCĐ thì bà Ngọc gọi điện báo cho ông Hân tới dự. Trong ĐHCĐ, nhóm cổ đông gồm các ông Nguyễn Trần Sơn, bà Đặng Thị Bích Ngọc, ông Đinh Xuân Thành, bà Trần Kim Dung sở hữu 50,9% vốn thực góp của Công ty, chiếm 53,21 tổng số phiếu có quyền biểu quyết đã thông qua việc bãi miễn chức danh Giám đốc của ông Hân và bầu ông Đặng Hồng Phong vào vị trí này. Nghị quyết ghi số phiếu bầu là 66,7%.
Trước cuộc họp ĐHCĐ này, Công ty không tiến hành niêm yết danh sách cổ đông, không gửi tài liệu cho cổ đông, cổ đông Nguyễn Ngọc Thăng không được mời họp, cổ đông Đặng Hồng Phong được mời họp nhưng không được biểu quyết. Các nội dung được thông qua bằng cách giơ tay, thay vì phát thẻ biểu quyết.
Như vậy, hai ĐHCĐ nêu trên đã vi phạm nhiều quy định về việc tổ chức ĐHCĐ như không niêm yết danh sách cổ đông, không gửi giấy triệu tập, có cổ đông không được mời, ĐHCĐ không bầu chủ tọa, thư ký, ban kiểm phiếu, không phát thẻ biểu quyết. Bởi vậy, ông Hân yêu cầu Tòa án tuyên hủy các quyết định miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT, miễn nhiệm Giám đốc và bầu Chủ tịch HĐQT, Giám đốc mới, đồng thời thừa nhận tư cách người đại diện theo pháp luật của ông Hân.
Phía ông Phong và ông Sơn có lời khai trùng khớp về việc tổ chức ĐHCĐ, thừa nhận việc mời họp ĐHCĐ qua tin nhắn, hoãn họp mà không có thông báo, không mời họp trước 10 ngày… và không phản đối về yêu cầu hủy các quyết định của ĐHCĐ. Tuy nhiên, bị đơn không chấp nhận trả lại con dấu Công ty cho ông Hân.
Sau khi xem xét chứng cứ, Hội đồng xét xử đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hân, hủy các quyết định của ĐHCĐ Công ty Bảo tồn di sản Văn hóa Việt ngày 3/6/2011 và ngày 22/7/2011, đồng thời buộc ông Sơn phải trả lại con dấu cho ông Hân.
Vụ việc trên cho thấy, vẫn có những doanh nghiệp chưa thực sự nghiêm túc, còn xuề xòa trong cách ứng xử với cổ đông, thậm chí vi là phạm pháp luật. Để hạn chế tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý nên mạnh tay xử phạt các doanh nghiệp vi phạm.
Theo Hoàng Duy
ĐTCK