Đại gia xứ Đoài: "Biệt phủ" đá ong gỗ mít bậc nhất đất Việt
Có một vùng quê ở Hà Nội vô cùng khác biệt, nơi đây người dân lấy đá ong để xây dựng nhà cổ. Nhiều công trình lớn, hiện đại vẫn dùng nguyên liệu bằng đá ong nhằm bảo tồn và tôn thêm nét cổ kính đã tồn tại hàng trăm năm.
Nhà - cổng: Bộ đôi đá ong hoàn hảo
Từ lâu, xứ Đoài (Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội) nổi tiếng khắp cả nước khi lấy đá ong để xây nhà. Những con đường, ngõ xóm, đâu đâu cũng thấy màu đá ong, tạo lên một màu vàng nổi bật, đặc trưng không thể lẫn với bất kỳ vùng quê nào khác.
Ngày nay, nhiều ngôi làng cổ nơi đây vẫn còn giữ nguyên sắc vàng đã tồn tại hàng trăm năm như chưa một lần thay đổi. Mặc dù việc xây dựng đã hiện đại hoá, nhưng chất liệu đá ong vẫn được chọn làm vật liệu chính.
Cùng với đó là gỗ. Gỗ kết hợp với đá ong tạo thành một màu vàng vừa nổi bật, vừa ấm cúng giữa làng quê.
Nổi tiếng đất xứ Đoài không ai không biết đến ông Nguyễn Văn Nho (Bình Yên - Thạch Thất - Hà Nội), chủ nhân ngôi nhà gỗ mít đá ong giá trị hơn 3 tỷ đồng, ai đi qua cũng muốn dừng chân chiêm ngưỡng.
Ngôi nhà nổi bật nhờ kỹ thuật phối màu giữa đá ong và gỗ mít. Mặt tiền bao gồm các hàng cột gỗ lớn, các cánh cửa ra vào làm bằng gỗ được khắc chạm hoa văn rất tinh xảo. Tường bao quanh và hai bức bình phong 2 bên nhà được xây bằng đá ong không trát, đó là ý của chủ nhân muốn để lộ màu vàng nguyên thủy của đá.
Không chỉ vậy, bên cạnh ngôi nhà kẻ truyền này, ông Nho cũng xây thêm một ngôi nhà bằng chất liệu đá ong và gỗ. Tầng 1 ông xây toàn bộ bằng đá ong, không trát. Tầng trên ông xây nguyên một nhà kẻ truyền bằng gỗ mít, sơn màu vàng.
Sự kết hợp giữa màu vàng của đá ong và màu vàng của gỗ mít, nhìn tổng thể, toàn bộ ngôi nhà ông Nho nổi bật một màu trầm mặc, ấm áp.
Ở xứ Xoài này, có hàng chục đại gia Hà Thành về đây mua đất xây nhà nghỉ dưỡng cuối tuần. Họ cũng bị cuốn vào nét đẹp của đá ong. Họ lấy sắc vàng của đá ong để tạo sự khác biệt cho ngôi nhà.
Chiếc cổng đá ong có tuổi đời hơn 30 năm
Một chiếc cổng làm từ đá ong mới được hoàn thiện, kỹ thuật xây dựng rất cầu kỳ
Đơn cử như ông Nguyễn Văn Minh ở Bình Yên - Thạch Thất, ngôi nhà theo phong cách kẻ truyền của ông đặc biệt khác lạ. Toàn bộ mái được làm bằng gỗ, còn lại tường nhà, bậc tam cấp, cửa bức bàn, đặc biệt các cột nhà được đẽo tròn hoàn toàn bằng đá ong. Không những thế, để cho sân, vườn phù hợp với ngôi nhà, ông Minh cho làm những bồn hoa, chậu cảnh, lục bình, hay chiếc giếng nước cũng từ đá ong.
“Nhà hiện đại bây giờ làm toàn bằng bê tông, mùa hè rất nóng, phải sử dụng điều hoà mới chịu được, chứ nhà đá ong mùa hè rất mát, còn vào mùa đông thì lại ấm”, ông Minh chia sẻ.
Không chỉ để xây nhà, đá ong ngày nay còn được chế tác thành những chiếc cổng lớn có tính nghệ thuật cao.
Có lẽ không đâu có nhiều chiếc cổng độc đáo hơn đất xứ Đoài. Các đại gia xây nhà to đẹp thì chiếc cổng cũng phải thiết kế tương xứng. Hơn thế, chiếc cổng còn góp phần làm ngôi nhà nổi bật hơn so với xung quanh, thể hiện đẳng cấp vượt trội của gia chủ.
Ông Nguyễn Quang Học ở thôn Mè (Hạ Bằng - Thạch Thất) chia sẻ: “Để xây xong chiếc cổng này, cả công thợ, tiền đá, thuê người thiết kế hết gần 250 triệu đồng”.
Chiếc cổng được làm rất cầu kỳ bằng đá ong. Ông Học yêu cầu thợ chế tác đá phải đẽo sao cho các viên đá không chỉ có kích thước bằng nhau mà phải vuông thành sắc cạnh. Thợ đẽo lõm một mặt các viên đá, sau đó bả ít xi măng lên rồi mới đặt vào. Nhìn bên ngoài không hề thấy mạch vữa, nhiều người tưởng chiếc cổng được làm bằng đá ong nguyên khối.
Công nhân đẽo đá ong theo đúng kỹ thuật
Tượng đá ong chỉ có ở xứ Đoài
Không chỉ dừng lại ở việc xây nhà dựng cổng, đá ong còn là chất liệu tạo điểm nhấn cho nhiều công trình đòi hỏi có tính nghệ thuật cao, khắc lên những tác phẩm vô cùng độc đáo.
Những con vật như voi, hay sư tử,... được chế tác bằng đá ong đặt trước cổng hay sân nhà để làm vật phòng thuỷ. Nếu vật phong thuỷ làm từ gỗ hay đá tự nhiên thì có thể gặp ở bất kỳ đâu, song chỉ riêng ở xứ Đoài mới có những con vật được làm bằng đá ong. Những tác phẩm nghệ thuật này không hề rẻ, nhiều khi muốn đặt cũng phải xếp hàng cả năm trời mới đến lượt.
Bởi, vốn dĩ đá ong rất mềm, cực kỳ dễ vỡ khi chế tác, đòi hỏi người thợ phải rất cẩn thận, có tính kiên nhẫn, đầu tư nhiều thời gian công sức mới hoàn thiện tốt tác phẩm.
Nói việc xếp hàng mới đến lượt còn do ở xứ Đoài hay bất kể đâu, độc nhất vô nhị chế tác đá ong nghệ thuật chỉ có duy nhất bàn tay vàng của ông Chắt (thôn Mè, Hạ Bằng, Thạch Thất) tạo nên. Không ít người cũng tự cho mình là nghệ nhân đá ong, nhận chế tác xong, một thời gian cũng phải chào thua.
Bức tượng Trư Bát Giới tạc trên đá ong hoàn toàn bằng trí tưởng tượng của ông Chắt
Tác phẩm nghệ thuật đá ong được đục nét hoa văn tinh xảo
Hơn 20 năm trong nghề đá ong, ông đã chế tác hàng trăm những tác phẩm nghệ thuật bằng chất liệu này. Ông Chắt tiết lộ.“Để làm ra những bức tượng điêu khắc từ đá ong, trước tiên, phải có những tảng đá rất lớn, chất đá phải mịn, có độ dẻo dai hơn rất nhiều so với đá xây nhà”.
Hơn nữa, điều đặc biệt trong tư duy nghệ thuật, tất cả các tác phẩm được ông làm ra không hề vẽ qua phác thảo trên đá, hay đục theo thiết kế bản vẽ, mà hoàn toàn theo trí tưởng tượng.
Ông cho rằng, trí tưởng tượng tác phẩm trong đầu càng nhiều thì tác phẩm cho ra càng sống động và có hồn, chứ không nhất thiết phải vẽ qua như trong nghề chạm trổ trên gỗ.
Ông Chắt kể: “Có những tác phẩm có chiều cao, phải chèo 3 tầng giáo mới làm được, khi ấy rất cần trí tưởng tượng tốt”.
Đối với ông Chắt, niềm vui duy nhất trong nghề là luôn được sáng tác nghệ thuật trên đá ong. Mỗi khi nhìn thấy tác phẩm của mình trưng bày ở những nơi trang trọng ông cảm thấy rất vui, càng muốn lao động nhiều hơn nữa.
Hiện thú chơi đá ong nghệ thuật ngày càng được yêu thích. Nhiều công trình như đình chùa, cổng làng, biệt thự,... đều muốn đặt những con vật, hay những tác phẩm nghệ thuật làm bằng đá ong. Chính vì thế, nhiều chủ đá đã mời ông Chắt về làm, sẵn sàng trả công 1 triệu đồng/ngày nhưng ông vẫn từ chối.
Ông Chắt là nghệ nhân chế tác đá ong nghệ thuật duy nhất trên đất xứ Đoài
Theo Tuấn Linh
VietnamNet