Đại gia Việt nào đang sở hữu Hilton Opera?

Nhắc đến Hilton Opera, người ta nhắc tới một khách sạn sang trọng nước ngoài nhưng ít ai biết rằng, ông chủ thực của Hilton Operal lại là người Việt.

VinaCapital mua 70% cổ phần

Ngày 1/8/2006, VinaCapital chính thức xác nhận việc họ đã phối hợp với Tổng Công ty Thăng Long mua lại 70% phần vốn của các đối tác Đức và Pháp tại khách sạn Hilton Hà Nội Opera. Tổng giá trị của thương vụ này là 43 triệu USD. Thương vụ được hoàn tất từ trước đó 2 tháng.

Thương vụ này được giao dịch thông qua quỹ đầu tư VinaLand Limited (VNL) và quỹ đầu tư Vietnam Opportunity Fund Limited (VOF) của VinaCapital.

VNL là một quỹ của VinaCapital, được niêm yết trên thị trường chứng khoán Luân Đôn với số vốn 205 triệu USD, được chính thức giới thiệu từ tháng 3/2006. Quỹ này tập trung vào các dự án bất động sản tại Việt Nam. Như vậy, chỉ sau 3 tháng thành lập, quỹ này đã góp phần lớn vào thành công của thương vụ đình đám này.

VNL nắm giữ 52,5% cổ phần. VinaCapital cũng đang quản lý Quỹ VOF đầu tư dạng đóng góp với 244 triệu USD, được niêm yết trên thị trường chứng khoán Luân Đôn. VOF hiện là cổ đông lớn nhất trong nhiều công ty hàng đầu của Việt Nam, như Kinh Đô, Vinamilk. VOF nắm giữ 17,5% cổ phần tại khách sạn này. 

 Khách sạn Hilton Opera
 Khách sạn Hilton Opera
Như vậy, cả hai quỹ VOF và VNL thuộc quản lý của VinaCapital nắm 70% cổ phần tại khách sạn Hilton.

Ông Kelvin Lee, Giám đốc điều hành của VinaCapital, đã đưa ra lý do tại sao quỹ lại mua Hilton Hà Nội Opera. Đó là do Hilton có vị trí đẹp, hoạt động kinh doanh tốt và thương hiệu nổi tiếng. Kelvin Lee cũng thừa nhận, sự kiện APEC 2006 diễn ra vào tháng 11 cũng là một nhân tố khiến công ty đẩy mạnh việc mua cổ phần lên trước thời điểm tháng 11.

Ông Horst Geicke, Chủ tịch Hội đồng quản trị VinaCapital, cho rằng việc đầu tư vào khách sạn tại Hà Nội sẽ thành công vì nhu cầu khách du lịch và doanh nhân đến đây ngày càng tăng, trong khi số lượng phòng vẫn hạn chế.

Tuy nhiên, thương vụ này mang tính chất đầu tư tài chính hơn là đầu tư lâu dài vào bất động sản vì chỉ 3 năm sau đó, VinaCapital đã bán hết cổ phần mà mình nắm giữ.

Tới năm 2009, VinaCapital công bố bán hết 70% cổ phần mà quỹ này nắm giữ tại khách sạn Hilton. Thương vụ này mang lại cho VinaCapital 23% lợi nhuận. 

Ông Stephen O’Grady, giám đốc điều hành mảng du lịch – khách sạn của VinaCapital cho biết: “Sau khi VOF và VML thâu tóm cổ phần của khách sạn Hilton vào năm 2006, chúng tôi đã có thể cải thiện hoạt động của khách sạn và tăng trưởng lợi nhuận. Tổng lợi nhuận tăng 29,5% trong 2 năm và lên mức 9,5 triệu USD vào năm 2008, mức đỉnh của thị trường du lịch khách sạn Việt Nam.”

Tập đoàn hoàn toàn hài lòng với việc bán tài sản với giá trị cao hơn 10% giá trị ghi sổ tại thời điểm tháng 3/2009 (là thời điểm tính giá trị ròng của các tài sản do các quỹ của VinaCapital đầu tư và quản lý). 

Tại thời điểm đó, VinaCapital không công bố ai là người mua 70% cổ phần khách sạn Hilton. Phải đến  3 năm sau, danh tính đại gia Việt này mới được hé lộ.

Hilton mang “quốc tịch” Việt Nam

Tới năm 2012, mặc dù không ai khẳng định danh tính chính xác người mua 70% cổ phần khách sạn Hilton trong năm 2009 nhưng người ta có thể đoán ra vị đại gia này, đó là bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BRG.

Bí mật được hé lộ sau khi thông tin Tập đoàn Tập đoàn BRG mà người đứng đầu là doanh nhân Nguyễn Thị Nga đã mua lại khách sạn Hilton phủ đầy các mặt báo. Đây là thương vụ “khủng” nhưng diễn ra rất âm thầm.

Nhiều người cho rằng chính BRG là người mua trong thương vụ “khủng” năm 2009. Tới năm 2012, sau khi hoàn tất thâu tóm nốt 30% còn lại từ đối tác Đức và Áo, thương vụ mới chính thức hoàn tất và những người trong cuộc mới trình làng “quốc tịch” Việt Nam của Hilton.

Tuy nhiên, quá trình “nhập tịch” cho Hilton vẫn chỉ là những lời đồn đoán. Dù tính xác thực của lời đồn đoán này rất cao nhưng dư luận vẫn mong muốn nhận được  xác nhận từ những người trong cuộc. Và câu hỏi “ai là chủ thực sự của khách sạn Hilton” vẫn chưa có lời giải đáp. 

Tại buổi họp báo ra mắt khách sạn Hilton Garden Inn tại Hà Nội mới đây, câu hỏi “chủ đầu tư thực sự của khách sạn nói trên là ai?” được báo giới dành nhiều sự quan tâm. Tuy nhiên, đáp lại, ông Wiliam Costley, Phó chủ tịch Hilton Worldwide Đông Nam Á chỉ có thể tiết lộ rằng, đó là Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hoàn Kiếm. Đây là công ty kết hợp của Tổng cục Du lịch Hà Nội (Hanoi tourist) và công ty thương mại Ngân Anh. Ngân Anh là công ty con của Tập đoàn BRG. 

Sau khi mang "quốc tịch" Việt Nam, Hilton không ngừng phát triển. Đầu năm 2013, Hilton được bình chọn là thương hiệu khách sạn số 1 tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương theo kết quả khảo sát năm 2012 của Công ty nghiên cứu thị trường uy tín BDRC Continental.

Theo đó, 70% khách hàng sẽ giới thiệu Hilton để mọi người lựa chọn. Hilton cũng rất mạnh trong lĩnh vực khách du lịch. Hilton cũng là thương hiệu đầu tiên được khách du lịch lựa chọn và 68% trong số họ chắc chắn sẽ đề xuất cho bạn bè và gia đình sử dụng các dịch vụ của Hilton.

Bà chủ bí ẩn

Bà Nguyễn Thị Nga, đại gia bí ẩn của Việt Nam 
Bà Nguyễn Thị Nga, đại gia bí ẩn của Việt Nam 
Theo những thông tin được hé lộ dựa trên các cơ sở về số lượng cổ phần nắm giữ, người chủ của Hilton Hà Nội Opera được cho là bà Nguyễn Thị Nga. Tuy nhiên, về lý lịch bản thân, bà Nga được xem là một trong các đại gia bí ẩn nhất Việt Nam. Thông tin về bà được phủ kín trên khắp các mặt báo nhưng hầu hết đều chỉ là các thông tin khá sơ sài.

Bà Nga sinh năm 1955, là người Hà Nội Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân), bà Nga đã học qua nhiều lớp kinh tế ở Pháp, Đức, Nhật Bản, Úc. Trở về Việt Nam, bà sớm trở thành một trong những cái tên nổi đình đám trên thị trường tài chính khi lần lượt nắm giữ những vị trí quan trọng tại Techcombank và Seabank.

Không chỉ có vậy, bà còn ghi tên mình vào vị trí quan trọng của nhiều ngành “nóng” khác như bất động sản, siêu thị. Bà là chủ tịch hội đồng quản trị của Tập đoàn BRG và Công ty cổ phần Intimex. 

Mặc dù nắm giữ chức vụ quan trọng tại nhiều đơn vị lớn nhưng bà Nga vẫn là bí ẩn lớn vì các đơn vị này chưa niêm yết nên không cần công khai các số liệu tài chính cũng như thông tin ban lãnh đạo. Thông tin tài chính hiếm hoi mà báo chí có được chính là năm 2009, trong đại hội cổ đông đầu tiên của công ty Cổ phần Intimex, bà Nga bất ngờ xuất hiện như là đại diện nhóm cổ đông lớn sở hữu 46,05% vốn điều lệ của công ty này.

Chính vì vậy, cũng giống như bản thân bà Nga, tổng giá trị tài sản của bà vẫn là bí ẩn lớn. Chỉ biết rằng theo tin đồn, bà Nga rất giàu có. TS Alan Phan dự đoán có thể bà sẽ là tỷ phú đô la tiếp theo của Việt Nam sau ông Phạm Nhật Vượng nếu công bố tài sản thực.
 
Theo Bảo Linh
VTC