Hàn Quốc:
Đại gia trong tù vẫn điều hành tập đoàn lớn
Tình cảnh phải sống sau song sắt nhà tù không làm suy yếu ảnh hưởng của ông Chey đối với SK Group, vốn có tới 80 công ty con do một Hội đồng điều hành.
Hôm 1/8, ông Chey Tae-won, một trong những người giàu nhất Hàn Quốc đã làm thủ tục sáp nhập 2 công ty con trị giá 7,6 tỷ USD, giúp củng cố quyền kiểm soát của đại gia này đối với SK Group, tập đoàn kinh tế lớn thứ ba Hàn Quốc. Tuy nhiên, đại gia Chey khó mở champagne ăn mừng sự kiện này bởi nhà lãnh đạo 55 tuổi đang điều hành tập đoàn khổng lồ từ một nơi rất đặc biệt, đó là nhà tù ở ngoại ô Seoul.
Quãng đời sóng gió, ra tù, vào tội
Mới thụ án được 17 tháng, phạm nhân Chey Tae-won đã được 1.778 khách vào thăm, trung bình 3 người mỗi ngày. Ông Chey Tae-won vướng vào vòng lao lý vì biển thủ quỹ công ty mà quy mô doanh nghiệp sánh ngang với một số tập đoàn nổi tiếng thế giới như Samsung, LG, Hyundai và Kia.
SK Group được thành lập năm 1953 do chú ruột của ông Chey Tae-won sáng lập. Với doanh thu năm ngoái là 156,6 tỷ USD, nó chỉ đứng sau 2 “ông lớn” Samsung, Hyundai, đồng thời sở hữu SK Telecom Co., công ty viễn thông lớn nhất của Hàn Quốc và SK Hynix Inc, công ty sản xuất bộ nhớ-chip lớn thứ hai thế giới sau Samsung Electronics.
Cuộc đời của vị doanh nhân này đã trải qua không ít thăng trầm. Năm 2003, ông Chey khi đó là Chủ tịch của Công ty cổ phần thuộc SK Group đã bị Hàn Quốc kết án về tội giao dịch bất hợp pháp và gian lận kế toán liên quan đến việc giải cứu một công ty liên kết gặp khó khăn. Vị thương gia là con rể của cựu Tổng thống Roh Tae-woo này chỉ phải ngồi tù 7 tháng rồi sau đó được ân xá. 3 năm sau đó, Sovereign Asset Management - một quỹ đầu tư nắm giữ 15% cổ phần SK Holdings đã tìm cách lật đổ ông Chey và cộng sự của ông nhưng vị Chủ tịch vẫn đứng vững nhờ vào một chiến dịch vận động hành lang toàn cầu và sự ủng hộ mạnh mẽ trong nước. Tuy nhiên đầu năm 2013, ông Chey đã bị kết án 4 năm tù vì lấy của công quỹ 45 triệu USD cho tiêu dùng cá nhân.
Tình cảnh phải sống sau song sắt nhà tù không làm suy yếu ảnh hưởng của ông Chey đối với SK Group, vốn có tới 80 công ty con do một Hội đồng điều hành. Các giám đốc điều hành của công ty con này gửi báo cáo hoạt động cho đội ngũ luật sư của ông Chey, những người được phép tự do tiếp xúc với thân chủ của mình trong tù.
Vị Chủ tịch sẽ rà soát các kế hoạch và đưa ra ý kiến chỉ đạo trong các cuộc họp kéo dài khoảng 15 phút, hai lần một tuần có sự tham dự của các giám đốc điều hành tại trại giam Uijeongbu. Phát ngôn viên của SK Group cho rằng thật “vô lý” nếu nghĩ ông Chey đang ngồi tù mà có thể quán xuyến công việc hàng ngày của tập đoàn, đương nhiên ông vẫn quan tâm đến vận mệnh SK Holdings bởi đang là cổ đông lớn.
Đại gia được hưởng đặc xá
Cuộc sáp nhập hôm 1/8 giữa công ty cổ phần của Tập đoàn SK với một đơn vị khác của tập đoàn đã giúp đẩy tỷ lệ cổ phần của ông Chey Tae-won trong công ty thành 30,6%. Một phát ngôn viên của SK Group tuyên bố, việc sáp nhập nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ cần đơn giản hóa cấu trúc doanh nghiệp, không phải vì lợi ích riêng của ông Chey.
Được biết, 4 chaebol (tập đoàn gia đình trị) lớn nhất Hàn Quốc hiện nay chiếm khoảng 40% giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán của nước này. Sau thời gian giữ vai trò đầu tàu cho nền kinh tế, những tập đoàn lớn này bắt đầu bộc lộ hạn chế. Công chúng Hàn Quốc bất bình bởi nhiều lãnh đạo chaebol dù đã bị kết án về tội biển thủ để chiếm dụng vốn nhưng chỉ phải nhận án treo hoặc được Tổng thống ân xá. Năm ngoái, sự phẫn nộ đó lại bùng phát sau khi con gái cả của Chủ tịch Korean Air Lines gây ra vụ bê bối đánh mắng tiếp viên, đuổi xuống máy bay chịu bản án 1 năm tù vì vi phạm các quy tắc an toàn hàng không, nhưng sau đó chỉ phải nhận án treo.
Tuy nhiên, câu chuyện Chủ tịch SK Group điều hành tập đoàn lớn thứ ba Hàn Quốc sau song sắt nhà tù đã sớm đi tới hồi kết bởi ngày 13/8, ông Chey Tae-won có tên trong danh sách 6.527 phạm nhân được Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye quyết định đặc xá nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Độc lập (15/8). Reuters dẫn lời Tổng thống Hàn Quốc cho biết, một số thương gia hàng đầu được hưởng đặc xá lần này là để “phục hồi kinh tế đất nước và tạo việc làm cho xã hội”.
Theo Yến Chi
Bloomberg