Đại gia Trần Trọng Kiên không tiếc tiền đầu tư vào hàng không

(Dân trí) - Dự án vận tải hàng không Cánh Diều của đại gia Trần Trọng Kiên vừa được trình Thủ tướng, số vốn chủ sở hữu và vốn vay mà nhà đầu tư huy động là 5.500 tỷ đồng - lớn hơn nhiều vốn tối thiểu quy định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có văn bản trình Thủ tướng, đồng thời tái khẳng định Dự án vận tải hàng không Cánh Diều (Kite Air) của Công ty CP Hàng không Thiên Minh đủ điều kiện để Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

Đầu tháng 1/2020, Bộ KH&ĐT đã báo cáo Chính phủ kết quả thẩm định Dự án vận tải hàng không Cánh Diều, đồng thời kiến nghị Thủ tướng xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều với mục tiêu xây dựng một hãng hàng không mới chi phí thấp để kết nối người dân các địa phương có hạ tầng sân bay chưa được đầu tư phát triển.

Đại gia Trần Trọng Kiên không tiếc tiền đầu tư vào hàng không - 1
Dự án vận tải hàng không Cánh Diều của đại gia Trần Trọng Kiên vừa được trình Thủ tướng

Theo Bộ KH&ĐT, Dự án có số lượng tàu bay khai thác năm đầu tiên là 6 chiếc ATR72 hoặc tương đương và tăng dần qua các năm, đến năm thứ 6 sẽ có 25 tàu bay, trong đó có 15 chiếc Airbus320/321 hoặc tương đương.

Tổng vốn của Dự án hãng hàng không Cánh Diều là 5.500 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 1.000 tỷ đồng (chiếm 18% tổng vốn đầu tư), vốn vay 4.500 tỷ đồng (chiếm 82% tổng mức đầu tư); địa điểm thực hiện tại cảng hàng không Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Trước đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ KH&ĐT và UBND tỉnh Quảng Nam phải rà soát các căn cứ pháp lý để thẩm định chủ trương đầu tư Dự án. Bộ KH&ĐT cũng cần có kết luận rõ về việc Dự án đã đáp ứng đủ điều kiện để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.

Nghị định 92 quy định, mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không khai thác từ 11 - 30 tàu bay là 1.000 tỷ đồng đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế. Tuy nhiên, tại Nghị định số 89/2019/NĐ-CP, mức vốn tối thiểu này (bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn vay) là 600 tỷ đồng Việt Nam.

Trong khi đó, theo hồ sơ, Dự án của Thiên Minh đã có các tài liệu chứng minh về khả năng huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay để đầu tư thực hiện Dự án. Theo đó, số vốn chủ sở hữu và vốn vay mà nhà đầu tư huy động là 5.500 tỷ đồng, lớn hơn mức vốn tối thiểu 600 tỷ đồng nói trên.

Về tiêu chí bảo đảm số lượng tàu bay khai thác, Nghị định 89 bổ sung quy định doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không phải đảm bảo số lượng tàu bay thuê có tổ bay đáp ứng đồng thời 2 tiêu chí là chiếm không quá 30% số lượng tàu bay và không quá 10 tàu bay.

Được biết, tại văn bản ngày 24/2/2020, Công ty CP Hàng không Thiên Minh khẳng định, không có kế hoạch sử dụng hình thức thuê ướt (thuê máy bay có cả tổ bay) và định hướng sẽ sử dụng 100% đội bay ATR72-600 mua mới từ nhà sản xuất trong 2 năm đầu khai thác.

Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm thẩm định các điều kiện về kinh doanh vận tải hàng không trong quá trình cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hàng không trong trường hợp Dự án được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

Phía UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có văn bản khẳng định những nội dung sửa đổi, bổ sung của Nghị định số 89 đối với Nghị định 92 không làm thay đổi nội dung và yêu cầu pháp lý trong việc thẩm định để đề nghị cấp quyết định chủ trương đầu tư đối với Dự án.

Châu Như Quỳnh