Đại gia thế chân Đặng Văn Thành, Trầm Bê, Đặng Thành Tâm?

Đại gia mới nào đang thế chân các ông chủ cũ rút lui khỏi ngân hàng? Ai là những ông chủ thực sự đằng sau các ngân hàng hàng đầu Việt Nam?

Hàng loạt đại gia đang bán cổ phiếu, rút khỏi ngân hàng như: gia đình ông Đặng Văn Thành, bố con ông Trầm Bê, nhà ông Đặng Thành Tâm và hàng loạt đơn vị rút khỏi ACB… Hàng triệu cổ phiếu trị giá hàng ngàn tỷ đã được mua bán. Vậy ai đứng đằng sau thương vụ này, đại gia mới nào đang thế chân các ông chủ cũ rút lui khỏi ngân hàng? Ai là những ông chủ thực sự đằng sau các ngân hàng hàng đầu Việt Nam?
 
Vòng quay thứ hai tại Sacombank

Bức tranh cổ đông lớn gắn bó lâu dài với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín-Sacombank (STB) dường như chưa thực sự rõ ràng cho dù người sáng lập ngân hàng này cách đây 20 năm là ông Đặng Văn Thành và các thành viên trong gia đình ông đã chính thức rút lui hẳn khỏi tổ chức tín dụng này trong những tuần cuối cùng của năm 2012.

Sau khi ông Thành rút lui, cuối tuần qua, ông Đặng Hồng Anh, con trai ông Thành cũng đã rút khỏi HĐQT. Nhà ông Thành coi như đã rút khỏi Sacombank sau một chuỗi các đợt bán hàng triệu cổ phiếu do mình nắm giữ.

Ngày 16/12, Ngân hàng Sacombank thông báo giao dịch cổ phiếu của cổ đông liên quan nội bộ trên website. Theo đó, ông Trầm Trọng Ngân - con trai lớn của ông Trầm Bê hiện đang là Phó Chủ tịch HĐQT của ngân hàng đăng ký bán toàn bộ 48 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 4,93%). Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 20/12/2012 đến 20/02/2013 bằng phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh.

Thông tin này không sốc nhưng thực sự lại là một điều bất ngờ nữa đối với giới đầu tư. Nhiều người tự hỏi sau khi đã được bầu vào HĐQT hồi tháng 5/2012 với tư cách là một cổ đông lớn, tại sao ông Trầm Trọng Ngân lại bán cổ phần STB?

Nó trái ngược với động thái gia tăng tỷ lệ nắm giữ tại STB của doanh nhân trẻ này hồi cuối tháng 6/2012 với việc mua vào 8 triệu cổ phiếu (nâng tổng nắm giữ lên 48 triệu cổ phiếu như hiện nay).

Với mức giá 19.800 đồng/cp như hiện tại, nếu giao dịch thành công, ông Trầm Trọng Ngân thu về gần 1.000 tỷ đồng. Và như vậy, số cổ phiếu STB mà gia đình ông Trầm Bê nắm giữ đáng kể nhất có lẽ chỉ là khoản 20,82 triệu cổ phần (tương đương 2,14%) do em trai ông Ngân là Trầm Khải Hòa - thành viên HĐQT Sacombank đang nắm giữ.
Đại gia thế chân Đặng Văn Thành, Trầm Bê, Đặng Thành Tâm?
Trước đó, một đại gia khác là Đặng Thành Tâm và người thân cũng đã bán cổ phiếu và rút lui khỏi hai ngân hàng Phương Tây và Navibank. Sau động thái các DN của ông Tâm bán cổ phiếu rút khỏi NH Phương Tây, mới đây, vợ ông Đặng Thành Tâm đăng ký thoái toàn bộ hơn 14,82 triệu cổ phiếu. Nếu tính theo giá chốt phiên giao dịch sáng nay, ngày 10/12/2012, quy mô thoái vốn của bà Thanh đạt trên 90 tỷ đồng.

Trong khi đó, cũng không thể bỏ qua động thái hàng loạt nhà đầu tư tổ chức là công ty con của ACB và Eximbank thời gian qua cũng lần lượt bán cổ phiếu nắm giữ tại hàng loạt ngân hàng cổ phần lớn. Hầu hết các giao dịch hàng triệu cổ phiếu, trị giá hàng trăm - ngàn tỷ đồng đều được giao dịch thỏa thuận. Tuy nhiên, các thông tin quanh các giao dịch này thường thông báo chậm và có một điểm chung trong hàng loạt các giao dịch thỏa thuận này là không có nhiều người biết thực sự ai đã mua những khối lượng cổ phiếu khổng lồ này.

Đại gia giấu mặt?

Trở lại trường hợp Sacombank, trong phiên giao dịch sáng 17/12, cổ phiếu STB được giao dịch khá khởi sắc. Tính tới cuối phiên giao dịch buổi sáng, đã có tổng cộng hơn nửa triệu cổ phiếu STB được khớp lệnh, trong đó gần 300 nghìn đơn vị được mua bởi khối ngoại. Cổ phiếu này được giao dịch đa phần ở mức giá gần trần và trần.

Hiện tượng này có lẽ là một dấu hiệu phản ánh giả thuyết được nhiều nhà đầu tư đặt ra là 48 triệu cổ phiếu mà ông Trầm Trọng Ngân đăng ký bán bắt đầu thực hiện từ cuối tuần này đã có thỏa thuận trước đó, hay nói cách khác là rất có thể đã có chủ mới và giao dịch nhiều khả năng sẽ diễn ra dưới hình thỏa thuận chứ không phải khớp lệnh qua sàn.

Giả thuyết này được nhiều người nói tới bởi nếu ông Ngân thực hiện bán qua khớp lệnh trên sàn thì với mức giao dịch hơn 300 nghìn đơn vị/phiên như hiện nay thì trong vòng 2 tháng cổ đông lớn này khó lòng giao dịch thành công ở một mức giá ổn định như hiện nay. Bên cạnh đó, thị trường lại đang phản ứng tích cực với thông tin nói trên.

Như vậy, nếu giao dịch bán cổ phiếu của ông Ngân được thực hiện, câu hỏi được đặt ra là: Ai là người mua lượng cổ phần lớn nói trên? Ai là ông chủ thực sự trong một loạt các vụ mua bán cổ phiếu lớn ở hàng loạt ngân hàng trong thời gian vừa qua? Và, có một sự thay đổi trong HĐQT Sacombank hay là vẫn tiếp tục được giữ nguyên như hiện nay?

Cùng nằm trong tâm điểm của TTCK trong vài tháng gần đây với STB, cổ phiếu EIB của Ngân hàng Eximbank sáng 17/12 lại bất ngờ có giao dịch thỏa thuận khủng (sau gần 1 tháng yên ắng) với 18 triệu cổ phần được chuyển nhượng, trị giá gần 280 tỷ đồng.

Nhiều khả năng, giống như các tháng 9, 10 và 11 trước đó, giới đầu tư cũng sẽ không biết được thông tin về các giao dịch khủng này, sẽ lại không có một thông báo thay đổi vốn chủ sở hữu EIB được công bố tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, không có mấy nhà đầu tư biết được ai đang "vào" EIB, cho dù giá trị giao dịch lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Những hiện tượng song hành cùng nhau này cũng đang rấy lên những câu hỏi như: Khả năng sáp nhập giữa Eximbank và Sacombank như một số lãnh đạo đã đề cập có cao không? Sự thật quyền lực của gia đình ông Trầm Bê tại STB như thế nào và tại sao phải bán ra?...

Có thể thấy, hiện tượng cổ phiếu được chuyển nhượng thỏa thuận ở mức rất lớn sẽ làm thay đổi cơ cấu cổ đông tại các ngân hàng. Biến động trong mấy tháng đầu năm đã dẫn tới hàng loạt sự thay đổi trong nhiều HĐQT. Tuy nhiên, dường như mọi việc chưa dừng lại ở đó.

Trên thực tế, sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông của các doanh nghiệp là một điều hết sức bình thường khi mà thị TTCK đang được phát triển.

Tuy nhiên, sự thay đổi cũng có thể khiến cho hoạt động ngân hàng gặp nhiều trục trặc. Những biến động về hoạt động ở ACB gần đây hay những cục nợ xấu khổng lồ tại nhiều ngân hàng thương mại đang cho thấy vấn đề này.

Điều mà nhiều người quan tâm là dòng tiền vào ra như thế nào? Ai là người mua cổ phần ngân hàng? Tiền từ đâu ra? Những thông tin này có lẽ cần được công khai bởi sự ảnh hưởng của nó là rất lớn, hàng nghìn tỷ đồng được rót vào ngân hàng sẽ khiến không chỉ cơ cấu cổ đông thay đổi, mà có thể ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng, ảnh hưởng tới thị trường nói chung...
Theo Mạnh Hà
VEF