"Đại gia ngoại" chuyển giá, trốn thuế vẫn được ưu ái?

(Dân trí) - Trong khi Bộ Công thương khẳng định sự bình đẳng trong chính sách dành cho cả doanh nghiệp ngoại lẫn doanh nghiệp nội tại lĩnh vực bán lẻ thì các doanh nghiệp trong nước vẫn cho rằng có sự thiên vị với "đại gia ngoại" ở các địa phương.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Trao đổi tại phiên giao lưu trực tuyến "Thị trường bán lẻ Việt Nam- Cơ hội và thách thức" diễn ra mới đây, ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, tính đến cuối năm 2012, thị trường Việt Nam có khoảng 700 siêu thị, trong đó, các tập đoàn nước ngoài mới chỉ chiếm 40%; khoảng 125 trung tâm thương mại, trong đó có 25% là của tập đoàn nước ngoài.
 
Theo đánh giá của ông Năm, như vậy, tương quan lực lượng giữa thị trường trong nước và thị trường nước ngoài tương đối cao. Đồng thời nhận định, tiềm năng thị trường Việt Nam còn rất lớn, hy vọng từ nay đến 2015, với sự cố gắng của doanh nghiệp trong nước đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ sẽ đẩy hệ thống bán lẻ của Việt Nam có thể cạnh tranh được.
 
Đại gia ngoại chuyển giá, trốn thuế vẫn được ưu ái?
 Lãnh đạo Bộ Công thương vẫn băn khoăn về tình trạng "lỗ giả, lãi thật" của các Tập đoàn bán lẻ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
 
Ưu ái doanh nghiệp ngoại trên sân nhà
 
Góp ý kiến tại diễn đàn, một số doanh nghiệp bán lẻ trong nước cho rằng, trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được hưởng khá nhiều các chính sách ưu đãi của Việt Nam và có nhiều lợi thế để phát triển, thì bản thân các doanh nghiệp trong nước hầu như lại không được hỗ trợ hay tạo điều kiện gì.
 
Đáp lại, ông Trần Nguyên Năm cho hay, chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam đã có từ trước năm 2003. Tuy nhiên, từ năm 2003, các doanh nghiệp trong nước cũng như các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đều bình đẳng như nhau.
 
Bà Đinh Thị Mỹ Loan- Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cũng nhận xét rằng, mặc dù không có chính sách cụ thể ưu đãi các doanh nghiệp bán lẻ ngoại, nhưng ở một số địa phương, các doanh nghiệp này vẫn được ưu ái.
 
"Đơn cử như mặt bằng, các doanh nội phải chờ đợi rất lâu để xin mặt bằng ở tỉnh nhưng không được giải quyết mà vị trí đó đã “rơi” vào tay doanh nghiệp ngoại. Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng đã nhiều lần có ý kiến về vấn đề này" - bà Loan phản án.
 
Trong khi đó, ông Năm vẫn khẳng định, từ khi gia nhập WTO đến nay, Việt Nam không phân biệt chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp nước ngoài hay doanh nghiệp trong nước. Từ 1/1/2010, các doanh nghiệp nước ngoài cơ bản được phép phân phối các mặt hàng, loại trừ 9 mặt hàng.
 
"Chúng tôi có thể khẳng định, giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài thì ưu đãi riêng cho doanh nghiệp nước ngoài là không có, thậm chí doanh nghiệp nước ngoài còn bị ràng buộc hơn đối với các doanh nghiệp trong nước bởi ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế)".
 
Mặc dù vậy, ông Năm cũng đề cập đến tình trạng được báo chí phản ánh về hệ thống chuyển giá. "Vụ Thị trường trong nước cho rằng, vấn đề luật pháp còn những kẽ hở để cho tập đoàn nước ngoài lách luật. Chúng tôi hy vọng, các bộ ngành liên quan tiếp tục kiểm tra, nắm bắt thông tin để báo đài có thể truyền tải nội dung thông tin đến người tiêu dùng được tốt hơn".
 
Cụ thể, dẫn đóng góp tài chính của Metro, ông Năm cho biết, năm 2012, Tập đoàn Metro mới đóng góp cho Việt Nam khoảng 900 tỷ đồng thuế doanh nghiệp, nhưng những năm trước thì thường xuyên báo lỗ trong khi vẫn tiếp tục phát triển hệ thống tập đoàn. Cho đến nay đã có 20 trung tâm Metro.

Không ngừng mở rộng quy mô nhưng thời gian trước 2012, Metro liên tục báo lỗ.
Không ngừng mở rộng quy mô nhưng thời gian trước 2012, Metro liên tục báo lỗ.
 
Nguy cơ bị thâu tóm?
 
Một cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư phía Nam chất vấn, thường thì các nhà đầu tư nước ngoài khi xin đầu tư thì cam kết, hoặc thuyết trình tại các diễn đàn là sẽ đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt 30 - 90% trong chuỗi siêu thị của mình. Tuy nhiên trên thực tế lại không thực hiện được cam kết đó.
 
Lãnh đạo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, qua báo cáo và theo dõi của Vụ thì giai đoạn đầu của các nhà bán lẻ nước ngoài khi vào đầu tư vào Việt Nam chưa chủ động được vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, sau khi Việt Nam tham gia vào WTO, các nhà bán lẻ nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam đã đưa nhiều mặt hàng nguyên liệu từ Việt Nam vào trong chuỗi siêu thị.
 
Hiện nay, các cơ sơ phân phối của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tỉ lệ tiêu thụ hàng Việt tương đối cao, đã lên đến 85-90%, hàng hóa tại Việt Nam không chỉ nằm trong chuỗi siêu thị của các nhà bán lẻ, nhà phân phối nước ngoài, ông Năm cho hay.
 
"Chúng tôi khẳng định rằng, các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam đều xác định nguồn nguyên liệu, vùng nguyên liệu trong thị trường trong nước. Bởi theo quy luật, họ bắt buộc tận dụng cơ hội cũng như giá trị hiện tại tại thị trường đầu tư chứ không thể nhập hàng từ nước ngoài vào dẫn đến chi phí sẽ rất lớn. Ví dụ như Metro, Lotte…đều xác định là có thể là hàng liên doanh nhưng sản xuất tại Việt Nam", theo lời ông Năm.
 
Còn về mốc 2015 - thời điểm hoàn toàn mở cửa thị trường, bà Đinh Thị Mỹ Loan thừa nhận đây là mối quan tâm lớn nhất của các thành viên hiệp hội. Tuy nhiên, với ý kiến cho rằng, khi tham gia WTO thị trường bán lẻ nội bị thâu tóm bà Loan khẳng định, thực tế không như vậy.
 
Điều đáng quan ngại nhất hiện nay là kinh tế suy yếu, sức mua giảm. Thứ hai, ngành bán lẻ đã vươn ra có tính chất quốc tế, nếu chúng ta không có chuẩn bị thì sẽ khó cạnh tranh, bà Loan cho hay.
 
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái - ông Phạm Quốc Mạnh cũng đưa ra nhận xét, trong những năm qua, Việt Nam đã từng bước mở cửa thị trường bán lẻ, thực chất đã mở cửa nhưng chưa hoàn toàn. Vì vậy, doanh nghiệp trong nước đã được cọ xát.
 
Tới đây, mở cửa hoàn toàn doanh nghiệp trong nước sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với doanh nghiệp lớn của nước ngoài có nhiều kinh nghiệm. Chẳng hạn về vốn, chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào vốn trên 100 triệu USD, trong khi lợi nhuận của WallMart 1 quý lên đến hơn 1 tỷ USD. Ngoài ra, doanh số của siêu thị nước ngoài lớn hơn từ 20-30 lần so với doanh nghiệp Việt. Nếu không có liên kết, không có chiến lược, bước đi phù hợp, cơ chế thuận lợi thì sẽ rất khó khăn, ông Mạnh cảnh báo.
 
Bích Diệp

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước